|
Cần rất cẩn trọng khi mua vé máy bay qua mạng. Ảnh minh họa.
|
Đón đầu nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng mạnh trong dịp đại lễ 30/4 - 1/5 đồng thời chào đón mùa du lịch hè 2016, nhiều hãng hàng không đã mở chiến dịch khuyến mãi lớn áp dụng trong thời gian tương đối dài. Tuy nhiên bạn nên thận trọng với
vé máy bay siêu rẻ rao bán tràn lan trên mạng.
Vé máy bay 0 đồng, 31.000 đồng, 79.000 đồng… đang là những mức vé “rẻ đến bất ngờ” mà các hãng hàng không liên tục tung ra trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, Jetstar Pacific vừa mở bán hàng chục nghìn vé máy bay nội địa với mức chỉ 31.000 đồng/chuyến, thời gian khuyến mãi từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2016. Trước đó, VietJet Air cũng liên tục tung ra loạt vé máy bay giá rẻ với mức 0 đồng với những lời quảng cáo như “đi máy bay rẻ như ăn phở” vô cùng hấp dẫn. Mặc dù không bán vé giá “siêu rẻ” như Vietjet Air hay Jetstar Pacific nhưng Vietnam Airlines cũng triển khai một số chương trình khuyến mại để tạo điều kiện cho khách hàng được mua vé với giá thấp hơn thường lệ.
Tuy nhiên, để mua được những vé máy bay giá rẻ như thế này không hề dễ. Theo chị Anh Thư, nhân viên tư vấn đặt vé máy bay của Phòng vé máy bay Việt Nam, tại Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội: “Khách hàng cần xác định tinh thần trước khi quyết định bỏ công sức “săn” những tấm vé máy bay giá rẻ này để tránh tâm lý thất vọng. Bởi giá vé thực tế không hề rẻ như những gì các hãng quảng cáo vì nó còn cộng thêm các khoản thuế đi kèm. Để tránh phát sinh thêm những khoản chi phí không cần thiết khách hàng nên chú ý gỡ bỏ các lựa chọn mặc định trong mục thanh toán vé như: hành lý mua thêm, bảo hiểm, chọn chỗ ngồi, đồ ăn...”.
Mặt khác, "ăn" theo những dịp này, nhiều trang web tự phát cũng đang đăng thông tin về giá vé siêu rẻ để thu hút khách hàng với những lời mời chào hấp dẫn như “siêu khuyến mãi giảm 50% giá vé máy bay các hãng hàng không”; “vé máy bay 350k cho tất cả các chuyến bay”…
Tuy nhiên, theo chị Thư: “Nếu nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì tốt nhất khách hàng đừng vội đặt vé mà hãy kiểm tra lại thông tin, đối chiếu với các web chính để xem đó có phải là một chiêu lừa đảo không”.
Ngoài rủi ro về giá vé có thể bị đội lên rất nhiều so với thời điểm book vé, hiện nay nhiều trường hợp khách hàng còn bị lừa và mua phải vé máy bay giả. Về cách thức lừa đảo để bán vé máy bay giá rẻ, thông tin với báo chí, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh cho biết: “Kẻ xấu có thể lợi dụng các chính sách bán vé của từng hãng khác nhau để lừa đảo. Với các hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific, các đối tượng lừa có thể lợi dụng chính sách đổi tên. Trong trường hợp này, vé vẫn là vé thật. Tuy nhiên, sau khi bán cho khách, đối tượng lừa đảo tiếp tục rao bán. Khi có khách mua, chúng sẽ gửi yêu cầu lên hãng tiến hành đổi tên. Cứ thế, với 1 chiếc vé, đối tượng có thể bán cho cả chục người và nhiều trường hợp hy hữu khác nữa".
Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cũng khuyến cáo: “Khách hàng nên mua vé của các đại lý chính thức, hầu hết các danh sách đại lý đều được thông báo trên website của mỗi hãng. Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức, nên xem thông tin kỹ trên vé như kiểm tra code vé bằng cách gọi trực tiếp lên hãng hàng không. Cùng đó, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình”.