Tuy nhiên, đề xuất này đang vướng phải các ý kiến trái chiều cho rằng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để thí điểm một sản phẩm thuộc nhóm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá làm nóng, bởi Việt Nam cần thêm thời gian nghiên cứu các tác động và xây dựng một khung pháp lý toàn diện, phù hợp.
Thuốc lá thế hệ mới khác thuốc lá truyền thống thế nào?
Thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN), là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam với sự khác biệt lớn nhất là không có quá trình đốt cháy như thuốc lá truyền thống
Về cơ chế hoạt động, TLĐT sử dụng năng lượng điện tử để làm nóng dung dịch TLĐT, có chứa hoặc không chứa nicotin, tạo ra khí hơi (aerosol) cho người sử dụng hút vào. TLĐT không chứa sợi thuốc lá, không tạo ra khói và không có quá trình đốt cháy. Trong khi đó, mặc dù TLLN có chứa sợi thuốc lá hoàn nguyên và các phụ gia khác, song các thành phần này sẽ không bị đốt cháy mà được làm nóng ở nhiệt độ thấp hơn để tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotin.
Có thể thấy, TLTHM nói chung có thành phần, cơ chế hoạt động, đặc tính kỹ thuật và đặc biệt là yếu tố công nghệ hoàn toàn khác biệt so với các sản phẩm thuốc lá điếu truyền thống.
|
Thuốc lá thế hệ mới và thuốc lá điếu là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Nguồn ảnh: Tạp chí Truth Initiative |
Đặc biệt, Tổ chức Hải quan thế giới WCO hiện coi thuốc lá điếu và TLTHM là hai phân nhóm hàng hóa có mã HS (HS Code) riêng biệt.. Trong đó, WCO đã tạo ra phân nhóm mới (24.04) cho dung dịch TLĐT và điếu TLLN, biệt lập với phân nhóm 24.02 dành cho thuốc lá điếu hiện thời. Việc TLTHM được đưa vào phân nhóm khác với phân nhóm của thuốc lá điếu truyền thống cho thấy WCO ghi nhận sự khác biệt rất lớn giữa hai dòng sản phẩm thuốc lá này. Việt Nam cũng thống nhất và tuân thủ theo WCO, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 8 tháng 6 năm 2022 về Danh mục hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam, trong đó đã tạo ra phân nhóm mới 24.04 cho TLTHM. Do đó, có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh TLLN theo khung pháp lý hiện hành cho sản phẩm thuốc lá điếu là chưa phù hợp và toàn diện. Thay vào đó, Việt Nam cần xây dựng các quy định tương thích cho dòng sản phẩm mới này.
Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có chỉ đạo tại Văn bản số 7830/VPCP-CN ngày 26 tháng 10 năm 2021 và Văn bản số 4861/VPCP-CN ngày 17/6/2020, theo đó VPCP chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của các bộ, Hiệp Hội liên quan, phối hợp với Bộ Y Tế đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình TLTHM (bao gồm TLLN và TLĐT). Có thể thấy, với những khác biệt rõ ràng của TLTHM so với thuốc lá truyền thống, việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, riêng biệt theo chỉ đạo của VPCP là cần thiết.
Cần đánh giá tác động một cách đầy đủ trước khi ra quyết định thí điểm đối với sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người sử dụng và sức khỏe cộng đồng.
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã tiến hành nghiên cứu và chỉ ra tiềm năng của TLTHM trong việc giảm thiểu tác hại so với thuốc lá điếu. Cụ thể, nghiên cứu do Viện nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh công bố ngày 24/03/2021 nhận định TLĐT là một sản phẩm thay thế an toàn hơn nhiều so với thuốc lá thông thường, và không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư. Trong một Phát ngôn chính thức, Chính Phủ Canada cũng nhấn mạnh các nghiên cứu cho thấy sự cải thiện sức khỏe toàn diện ngắn hạn ở những người hoàn toàn chuyển từ hút thuốc lá sang các sản phẩm TLĐT.
Chính vì vây, Vương Quốc Anh và Canada, mặc dù là hai quốc gia có quy định rất khắt khe cho thuốc lá truyền thống, lại có những quy định rất “dễ thở” cho thuốc lá thế hệ mới. Chính phủ các nước này đã đối xử rất khác biệt gữa hai dòng sản phẩm dựa trên các bằng chứng khoa học về hồ sơ rủi ro của sản phẩm.
Trái với thực tế đó, tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu, thống kê nào đủ xác đáng và uy tín có thể chứng minh được mức độ giảm thiểu tác hại của TLTHM so với thuốc lá điếu truyền thống. Trong khi đó, mỗi nghiên cứu đều có phạm vi, đối tượng riêng, và đặc điểm thể trạng người dùng Việt so với các nước phương Tây là không tương đồng. Đồng tình với quan điểm này, tại toạ đàm “Đề xuất thí điểm Thuốc lá Thế hệ mới: Liệu đã chín muồi?” do Báo Lao Động tổ chức ngày 27/10/2022, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ: “Chúng ta có thể tận dụng kết quả nghiên cứu của các nước khác, nhưng không có nghĩa chúng ta mang nguyên kết quả này áp dụng với Việt Nam. Vì họ đánh giá dựa trên mẫu người dùng và những sản phẩm được lưu hành trong nước sở tại, trong khi trong tay chúng ta hiện chưa có gì”.
Ông Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội cũng nhận định trong Tọa đàm nói trên rằng: “Luật pháp của chúng ta quy định tiêu chuẩn, tiêu chí của thí điểm là phải có khảo sát, thống kê, đánh giá tác động về mặt lợi và hại của một sản phẩm. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa có thống kê và đánh giá tác động của TLTHM đối với sức khỏe con người. Việc tổ chức thí điểm về sử dụng và lưu hành TLTHM cần được thực hiện cẩn trọng, khách quan”.
|
Ông Lưu Bình Nhưỡng (bên trái) và Ông Phạm Văn Hoà (bên phải) chia sẻ trong toạ đàm “Đề xuất thí điểm thuốc lá thế hệ mới liệu đã chin muồi” của Báo Lao Động. Nguồn: Báo Lao Động |
Cần phải khẳng định, việc nghiên cứu tác động của sản phẩm đến sức khoẻ người dùng và xã hội Việt Nam (bao gồm các nhà sản xuất, các đối tượng khác chịu tác động,...) là điều cần thiết trước khi đưa sản phẩm TLTHM vào thí điểm. Bên cạnh đó, cần có những báo cáo nghiên cứu đánh giá tại các nước đã luật hoá sản phẩm này trước khi áp dụng cho Việt Nam nhằm xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho TLTHM tại Việt Nam.
Cần hoàn thiện về quy chuẩn, hạ tầng kỹ thuật khi thí điểm TLTHM
Việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là tối quan trọng để có thể quản lý chất lượng các sản phẩm TLTHM, nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng cũng như các đối tượng xung quanh. Các thiết bị của chúng cần phải đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản liên quan của Việt Nam trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia đã có khung pháp lý hoàn chỉnh và kiểm soát tốt TLTHM. Những quy định, yêu cầu kỹ thuật riêng cho thiết bị điện tử làm nóng và những yêu cầu phòng chống cháy, nổ khác cần được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Do đó, chưa nên tính đến việc thí điểm cho đến khi tất cả các tiêu chuẩn/ quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đã được ban hành một cách đồng bộ và đầy đủ để có cơ sở khoa học kỹ thuật quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm TLTHM.
Song song với việc xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thiết để quản lý TLTHM, Việt Nam cần xây dựng các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn, có máy móc thiết bị kỹ thuật tương ứng để có thể kiểm nghiệm được các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn,... của sản phẩm. Điển hình như việc xác định hàm lượng nicotin có trong sản phẩm và được giải phóng khi được làm nóng mà không có quá trình đốt cháy. Điều này hoàn toàn khác biệt so với khói thuốc lá truyền thống.
Tuy nhiên, thực tế, tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thuốc lá – đơn vị duy nhất đủ năng lực kiểm nghiệm thuốc lá điếu hiện mới chỉ bắt đầu tìm hiểu được một số chất nhất định trong TLTHM, và chưa nghiên cứu về yếu tố công nghệ. Chúng ta cần đầu tư thêm con người, thiết bị và thời gian nghiên cứu để làm rõ những quan ngại xoay quanh việc thí điểm TLTHM trước khi đưa ra quyết định.
Qua những phân tích trên đây, có thể thấy, dường như Việt Nam hiện chưa sẵn sàng để thí điểm TLTHM. Việt Nam cần thêm thời gian để có đánh giá tác động xoay quanh sản phẩm và đề xuất khung pháp lý toàn diện với TLTHM trước khi đưa vào thí điểm để đưa ra chính sách và khung pháp lý phù hợp với dòng sản phẩm này.