Hoang mang chất lượng, xuất xứ sữa nhập khẩu Danlait từ Pháp

Google News

(Kiến Thức) - Các bà mẹ Việt đang hoang mang vì nghi ngờ chất lượng và xuất xứ không rõ ràng của một loại sữa nhập khẩu từ Pháp, có tên Danlait.

Sữa Pháp…không bán ở Pháp?

Phản ánh tới Kiến Thức, chị Cao Ngân Hà ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, gia đình bắt đầu cho con trai 7 tháng tuổi sử dụng sữa dê hiệu Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm trụ sở ở quận Thanh Xuân nhập khẩu và phân phối độc quyền. Lý do chị chọn sữa Danlait bởi tin tưởng vào những thông tin giới thiệu về sản phẩm do Mạnh Cầm cung cấp.

Theo thông tin trên website chính thức của công ty này là manhcam.com.vn, “sữa dê Danlait được tập đoàn FIT của Pháp sản xuất, FIT là tập đoàn sản xuất sữa Dê hàng đầu tại Châu Âu nằm ở trung tâm Maillezais, vùng Vendée, Pháp”.

Tuy nhiên, sau khi cho con uống sữa Danlait được 2 tháng, thấy bé bị sụt cân, chị Hà bắt đầu nghi ngờ về chất lượng của hãng sữa này. Thử gọi điện nhờ người thân bên Pháp mua giúp, người thân thông tin rằng, chưa từng nghe thấy tên sản phẩm sữa Danlait. Thậm chí, họ đã lục tung nhiều siêu thị, cửa hàng tại Pháp cũng không thể tìm thấy loại sữa mang thương hiệu này.

 Sữa Danlait nhập khẩu từ Pháp nhưng không...bán ở Pháp.

Lần mò lên mạng tìm hiểu về sữa Danlait của Pháp, chị Hà chỉ tìm được thông tin duy nhất tại website danlait.fr. Điều kỳ lạ là website hãng sữa Pháp của một “tập đoàn hàng đầu Châu Âu” nhưng thiết kế sơ sài, mắc nhiều lỗi và có những tên file ảnh, giao diện đăng nhập admin bằng tiếng Việt. Kỳ lạ hơn nữa, người sở hữu tên miền website danlait.fr lại là Đặng Quang Mạnh, trùng hợp bất ngờ với tên vị Giám đốc của Công ty Mạnh Cầm. “Tôi nghi ngờ đây là một website do người Việt tự lập ra, chứ chẳng có hãng sữa Pháp nào lập ra một website giới thiệu sản phẩm mà thiếu chuyên nghiệp, mắc nhiều lỗi sơ đẳng như vậy”, chị Hà nói.

Chia sẻ mối hoài nghi về sữa Danlait lên các diễn đàn lamchame, webtretho, chị Hà nhận được hàng trăm comment của các bà mẹ đã từng cho con uống sữa Danlait cũng chung tâm trạng lo lắng như vậy. Trên facebook, nhóm “Chung tay chia sẻ thông tin về sự dối trá của sữa Danlait”, do chị Hà và các bà mẹ lập ra chỉ sau 2 ngày, tính đến chiều 21/2 đã có tới hơn 1.400 thành viên tham gia.

Kỳ lạ là website hãng sữa của một công ty hàng đầu Châu
Âu lại có file ảnh, giao diện đăng nhập admin bằng tiếng Việt.

Trao đổi với Kiến Thức, bà Geraldine Aupee, Tùy viên Thương mại, phụ trách lĩnh vực Nông nghiệp, Thực phẩm thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cũng cho biết, công tác trong lĩnh vực thương mại thực phẩm nhiều năm, đây là lần đầu tiên bà nghe thấy tên hãng sữa Danlait. “Bên Pháp hầu như không sử dụng sữa dê cho trẻ em, trừ một số trường hợp bị dị ứng với một số chất có trong sữa bò thì người ta mới sử dụng sữa dê. Tôi cũng chưa từng nghe thấy cái tên sữa Danlait tại thị trường Pháp bao giờ”, bà Geraldine Aupee nói.

Bà Geraldine Aupee cho biết thêm, FIT là một công ty có thật tại Pháp, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nhưng chỉ có hơn 20 nhân viên, dựa vào số vốn điều lệ và nhân sự thì công ty này thuộc hàng công ty vừa tại Pháp chứ không thể một “Tập đoàn hàng đầu Châu Âu” như giới thiệu của Mạnh Cầm.

Lãnh đạo Mạnh Cầm “tiền hậu bất nhất”


Khi mang những nghi ngờ của mình thắc mắc tới lãnh đạo Công ty Mạnh Cầm, qua điện thoại, chị Hà được ông Nguyễn Minh Sang, Phó giám đốc Công ty Mạnh Cầm kiêm người phát ngôn cho công ty cho biết, về việc nhập sữa về Việt Nam, Mạnh Cầm không được mua với FIT mà mua qua Danlait. “Danlait một công ty con nằm trong hệ thống của FIT, công ty phát triển thương hiệu Danlait được gần 2 năm nay, thị trường chính đang bán tại Việt Nam và một bộ phận đang phát triển tại Pháp, họ có bán ở Pháp nhưng bán cụ thể ở đâu thì chúng tôi không nắm được”, ông Sang nói.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Kiến Thức sáng ngày 19/2 tại trụ sở Công ty Mạnh Cầm ở số nhà 13, ngõ 2, Nguyễn Viết Xuân Hà Nội, ông Sang lại đưa ra hợp đồng mua hàng trực tiếp từ FIT để chứng minh cho những giấy tờ hợp lệ của sữa Danlait .

 Ông Nguyễn Minh Sang, Phó giám đốc Mạnh Cầm, người
phát ngôn của công ty này "tiền hậu bất nhất" khiến người
tiêu dùng càng hoang mang.

Về nghi vấn tại sao sữa của Pháp lại không có bán tại Pháp, ông Sang cho hay: “Chúng tôi thấy chất lượng sữa đảm bảo thì nhập về phân phối tại Việt Nam, còn sữa Danlait đang được phân phối tại quốc gia nào thì chúng tôi không có thẩm quyền trả lời. Nếu khách hàng nào muốn biết có thể viết thư hỏi trực tiếp cho FIT”.

Ông Sang khẳng định, Công ty Mạnh Cầm không có bất kỳ sai phạm nào trong việc nhập khẩu cũng như phân phối mặt hàng sữa Danlait. “Vụ việc này có thể liên quan đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh nhằm gây ảnh hướng tiêu cực đến thương hiệu sản phẩm và hình ảnh công ty Mạnh Cầm”, ông Sang nói.

Người phát ngôn của Mạnh Cầm cũng không có bất cứ bình luận nào về website danlait.fr vì Mạnh Cầm chỉ chịu trách nhiệm về nội dung tại website chính thức của công ty là manhcam.com.vn, các website khác không thuộc quyền quản lý nên công ty không có quyền trả lời.

Liên quan đến những mập mờ xung quanh sữa Danlait nhập khẩu từ Pháp của công ty Mạnh Cầm, chiều 20/2, Cục ATVSTP, Bộ Y tế đã phát đi thông báo cho biết, các sản phẩm thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 0 – 12 tháng tuổi; Sữa dê Danlait 2 dành cho trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi và Sữa dê Danlait 3 dành cho trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi của Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp đã được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 17/01/2012.

Cục ATVSTP cũng khẳng định, các sản phẩm sữa dê nói trên do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu đều có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, ghi nhãn tiếng Pháp và có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Mặt khác, từng lô sản phẩm đều được kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y.

Kỳ 2: "Khui" bằng chứng sữa Danlait lừa đảo người tiêu dùng Việt

BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Nguyên Đan

Bình luận(0)