Hàng giả hàng nhái tràn ngập thị trường dịp Tết

Google News

Không được may mắn như người dân thành thị, người tiêu dùng tại nhiều vùng nông thôn đang phải đối mặt với nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng phổ biến.

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cận kề, người tiêu dùng khắp nơi đều bận rộn sắm sửa các mặt hàng phục vụ cho dịp lễ truyền thống đầu năm. Vậy nhưng, không được may mắn như người dân ở thành thị, người tiêu dùng tại nhiều vùng nông thôn đang phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phổ biến.
Có mặt tại các phiên chợ Đạo Trù, chợ Ri hay chợ Chang ở Vĩnh Phúc vào dịp giáp Tết, không khó để nhận ra nhiều sản phẩm là các loại bánh, kẹo rất “quen mắt”. Những quầy bán bánh kẹo trải hàng la liệt trên tấm bạt lớn, có thể đặt ngay dưới nền đất hoặc trên thềm. Xung quanh, lượng khách hàng thường đông không ngớt, liên tục có người vào hỏi giá cả, rồi lựa chọn hàng và kết thúc là 2 tay xách đầy các hộp bánh, túi kẹo mang về nhà. Với lượng người ghé chợ phiên đông nghịt ở nông thôn, lại vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán nên các quầy hàng bánh kẹo có lượng tiêu thụ rất đáng kể.
Hang gia hang nhai tran ngap thi truong dip Tet
 Các quầy bán bán bánh kẹo nhái, kém chất lượng song luôn có rất đông khách mua.
Tuy nhiên, có nhìn kỹ các mặt hàng “quen mắt” đó mới thấy… giật mình, bởi dù có hình thức gần giống hệt như những loại bánh, kẹo có thương hiệu, song tên gọi của bánh, kẹo nơi đây lại chệch đi một chút.
Chẳng hạn như bánh Chocopie rất quen thuộc thì bị ghi là “Chocopai”, bánh Danisa của Đan Mạch thì bị nhái thành “Danity”, hay bánh bông lan Solite của Kinh Đô lại bị nhái là “Silate”, café G7 của Trung Nguyên “biến” thành… “café CF7”…
Một điều quan trọng giúp các loại bánh, kẹo nhái có “đất sống” tại khu vực nông thôn là giá bán siêu rẻ, hợp túi tiền của nhiều người tiêu dùng có mức thu nhập hạn chế.
Theo khảo sát của phóng viên (PV), bánh “Chocopai” chỉ có giá là 18.000 đồng/hộp (trong khi bánh Chocopie chính hãng có giá từ 45.000 đồng-50.000 đồng/hộp), bánh “Danity” có giá 22.000 đồng/hộp (giá bánh Danisa tương ứng lên tới 150.000 đồng-160.000 đồng/hộp), bánh “Silate” có giá 18.000 đồng, các túi kẹo cân xanh đỏ có giá 20.000 đồng–25.000 đồng…
Hang gia hang nhai tran ngap thi truong dip Tet-Hinh-2
 Hộp bánh "Danity" trông như "sinh đôi" với bánh Danisa của Đan Mạch, nhưng chỉ có giá... 22.000 đồng.
Khi cầm trên tay hộp bánh “Danity” hay “Chocopai”, có thể cảm nhận rõ trọng lượng nhẹ bẫng, trong đó, vỏ hộp “Danity” rất mỏng manh. Khi mở hộp và ăn thử những loại bánh này thì càng nhận rõ sự kém chất lượng của hàng nhái: bánh bở, ngọt lờ lợ, không rõ mùi hoặc quá đậm mùi hương vani.
Tình trạng nhái thương hiệu nói trên diễn ra cả với các loại nhu yếu phẩm khác như bột nêm, mì chính, nước mắm, nước ngọt…
Không chỉ có loại hàng nhái, nhiều cửa hàng bánh kẹo ở nông thôn còn bày bán các loại bánh “gia công” mà chủ hàng nói rằng “chủ yếu bán cho học sinh”, trong đó chất lượng cũng rất đáng báo động.
Chẳng hạn như một phong bánh nướng khá lớn chỉ có giá 4.000 đồng và rất được các em nhỏ ở nông thôn ưa chuộng. Song khi cầm lên, PV đã không dám ăn thử vì thấy bánh đọng quá nhiều nước, lọt cả ra ngoài bao bì nilông, bên trong là nhân bánh xanh đỏ xen lẫn.
Các loại bánh, kẹo nhái, kém chất lượng nói trên không chỉ xuất hiện tại các chợ phiên mà còn len lỏi vào hầu hết đại lý tạp hóa, đồ tiêu dùng trong làng, xã.
Một chủ đại lý tạp hóa ở Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thẳng thắn chia sẻ: “Ở đây, đại lý lớn cũng nhập cả 2 loại hàng, hàng xịn và hàng “bình dân” (tức hàng nhái, kém chất lượng – PV). Ai biết, có tiền thì mua hàng xịn, còn muốn giá rẻ thì đã có hàng “bình dân” đó, phải phục vụ tất cả chứ. Nhập toàn hàng xịn về thì có mà ế!”
Ai “cứu” người tiêu dùng nông thôn?
“Không biết” và “Biết thì làm được gì?” là 2 phản hồi phổ biến nhất mà PV nhận được khi phỏng vấn người tiêu dùng ở nông thôn.
Hai tay xách 2 túi bánh kẹo nặng trĩu để phục vụ dịp Tết sắp tới, chị Lý Thị Chung (xã Yên Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Mình không biết thật giả thế nào đâu. Ở đây người ta bán đầy như vậy thì mua thôi. Bao bì tên Tây tên ta, ai mà biết để phân biệt”.
Trong khi đó, anh Sinh (xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) băn khoăn: “Tôi cũng nghĩ là bánh kẹo ở đây không ngon, không tốt như ở thành thị. Cháu tôi trên Hà Nội từng biếu một hộp bánh, ăn rất ngon, nhưng ở đây khó kiếm được bánh như vậy lắm. Mà có chịu khó đi tìm mua bánh như thế thì cũng đắt, người làm nông không phải ai cũng có tiền mà mua. Một hộp bánh xịn đổi được vài hộp bánh bình thường khác đấy!”
Cũng bởi vậy, những gia đình có con em học tập, làm việc trên thành phố thường nhắn gửi mua đồ có chất lượng đảm bảo về nhà.
“Bác không biết bao bì nó ghi gì cả thì làm sao phân biệt thật giả. Nên dịp Tết là nhờ hai con ở Hà Nội sắm sửa các món bánh trái giúp, rất yên tâm. Nhiều người ở đây rõ khổ, vẫn tự hào là được ăn rau sạch, thịt sạch của nhà, nhưng lại không biết các món mắm muối, bánh kẹo đi mua là hàng kém chất lượng thế nào”, bác Sơn (xã Ba Bình, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bày tỏ.
Chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, sẽ chẳng ai biết được mức độ nguy hiểm của những loại bánh, kẹo, thực phẩm nhái và kém chất lượng ở nông thôn. Chừng nào chưa tìm được đáp án cho câu hỏi “Ai “cứu” người tiêu dùng nông thôn trước nạn hàng giả, hàng nhái?” thì chừng ấy, người nông dân chân lấm tay bùn vẫn phải tiếp tục sống chung với những món hàng kém chất lượng.
Theo ANTĐ

Bình luận(0)