|
Nông dân ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, dùng thuốc trừ sâu Shennongdan chứa chất diệt sâu bọ cực độc aldicarb, để phun trên các cánh đồng gừng. |
Hồi đầu tuần, phóng sự điều tra của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát hiện một số nông dân trồng gừng ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, dùng thuốc trừ sâu Shennongdan chứa chất diệt sâu bọ cực độc aldicarb.
Người nông dân phun thuốc này cùng phân bón trên các cánh đồng trồng gừng và vứt vỏ thuốc khắp nơi. Nông dân ở Duy Phường đã sử dụng 120 đến 300 kg thuốc trừ sâu cho mỗi ha hoa màu, gấp 3-6 lần so với mức được coi là an toàn.
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Shennongdan chỉ được phép sử dụng đối với 5 lại cây trồng gồm cây bông, thuốc lá, lạc, hoa hồng và khoai lang với số lượng hạn chế.
“Tôi dùng thuốc này từ khi nó được bán trên thị trường cách đây khoảng 20 năm”, một nông dân cho hay trong phóng sự của CCTV. Một nông dân khác nói: “Có ai không dùng loại thuốc đó để diệt côn trùng? Ai có thể bảo đảm sản lượng nông phẩm mà không có nó? Nếu ngừng sử dụng, sản lượng của gia đình tôi sẽ giảm một nửa”.
Người tiếp xúc trực tiếp với chất aldicarb có thể bị tê liệt hệ hô hấp, mờ mắt, đau đầu, nôn mửa. Chỉ 50mg chất aldicarb đã đủ để giết chết một người nặng 50kg, các chuyên gia cho biết. Dù biết về sự nguy hại nhưng các nông dân vẫn không có muốn chuyển sang dùng thuốc trừ sâu an toàn hơn. “Chúng tôi không dùng loại gừng đó cho gia đình mình”, một nông dân cho hay.
Một phần nguyên nhân mà những người dân không từ bỏ loại thuốc cực độc đó là do thói quen và yếu tố giá cả.
Hiện chính quyền địa phương Duy Phường đang thu hồi và tiêu hủy gừng bị phun shennongdan, đồng thời giám sát các cửa hàng bán thuốc trừ sâu. Ngoài ra, các quan chức tỉnh Sơn Đông cũng gửi một nhóm chuyên gia tới thành phố này để điều tra.
|
Bao bì loại thuốc trừ sâu Shennongdan chứa chất diệt sâu bọ cực độc aldicarb.
|
Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, thiết bị kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ trên thị trường không phát hiện được chất độc trong gừng và một số rau củ gia vị khác.
“Chúng tôi sử dụng thiết bị phát hiện chất độc nhanh do công ty Công cụ Phân tích Rayleigh Bắc Kinh để kiểm tra gừng trước khi chúng được bán trên thị trường. Chúng tôi chỉ phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu một hoặc hai lần mỗi năm”, ông Wang Jiancheng, nhân viên kiểm tra thuốc trừ sâu tại chợ bán buôn tỏi và gừng lớn nhất Duy Phường, cho biết.
Sách hướng dẫn sử dụng thiết bị của ông Wang không liệt kê gừng trong danh sách 136 loại rau quả mà thiết bị này có thể phát hiện.
“Chúng tôi đều sử dụng cùng loại thiết bị phát hiện trên các chợ bán buôn rau khắp Trung Quốc. Đối với loại rau củ làm gia vị như gừng, tỏi và tỏi tây thì kết quả có thể không chính xác”, ông Yang Chungqiang, Phó giám đốc Phòng Nông nghiệp thị xã An Khâu, thành phố Duy Phường, cho biết.
Một nhân viên của công ty cung cấp thiết bị phát hiện thuốc trừ sâu ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nói rằng thiết bị phát hiện nhanh chỉ hiệu quả đối với một số loại thuốc bảo vệ thực vật nhất định.
Trước đó, chất aldicarb từng thu hút sự chú ý rộng rãi phương tiện truyền thông Trung Quốc vào năm 2012 sau khi phát hiện dưa chuột bị phun loại thuốc trừ sâu độc gây thiệt mạng 13 người ở tỉnh An Huy.
Loại thuốc trừ sâu độc này được bán tại Mỹ dưới cái tên Temik và được sản xuất bởi công ty Bayer CropScience. Nó được coi là loại thuốc trừ sâu độc hại nhất được sử dụng trên cây trồng.
Trong năm 2010, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và công ty Bayer đã ký một thỏa thuận cấm hoàn toàn việc sử dụng aldicarb vào năm 2018. Một đánh giá rủi ro vừa được thực hiện bởi EPA cho thấy aldicarb không còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đặt ra “rủi ro không thể chấp nhận được trong ăn uống”, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: