Phản ánh với Kiến Thức, gia đình ông Trần Công Ứng (xóm Lẻ - thôn Triều Khúc – xã Tân Triều – Thanh Trì – Hà Nội) cho biết: tiền nước sinh hoạt trong gia đình ông tự nhiên đột biến trong tháng 4/2016 lên gần 20 triệu đồng, tương ứng với 1.029 m3 nước (mỗi m3 tương đương với 1 số nước so với đồng hồ) cho 6 người bao gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ.
Theo gia đình ông Trần Công Ứng, vào khoảng ngày 27-28/4 vừa qua, nhân viên đi chốt đồng hồ nước vào nhà và thông báo với gia đình: Nước tháng này gia đình ông sử dụng hết khoảng 1.029 m3. Quá bất ngờ với số lượng nước dùng trong 1 tháng của gia đình bởi những tháng trước đó gia đình ông chỉ sử dụng dao động trong vòng từ 80 -90 khối là nhiều. Gia đình ông Ứng có 6 người, trong đó 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Nước chỉ sử dụng trong công việc sinh hoạt, ngoài ra không sử dụng vào bất cứ một việc gì khác. So với các tháng trước đó, gia đình ông đã “lạm phát” nước đến hơn 100 lần.
|
Gia đình ông Ứng sau khi kiểm tra lại tất cả hệ thống đường nước của nhà mình đều không phát hiện chỗ nào bị hư hỏng dẫn đến thất thoát nước. |
Quá bất ngờ về sự việc trên, ông Ứng đã lên Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Triều Khúc – Đơn vị quản lý điện, nước của xã Tân Triều, để hỏi thì cán bộ ở đây cho biết: “Nhân viên chốt số và ghi lại là hoàn toàn đúng, không có gì sai sót trong vấn đề này cả. Có chăng, gia đình về kiểm tra lại đường ống nước. Nếu đến ngày 24/5 này, gia đình không đóng tiền nước thì sẽ bị cắt nước".
Trở về nhà, ông Ứng cùng cậu con trai út là anh Trần Công Sơn đã mở bể ngầm, bồn chứa, kiểm tra phao…nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy nước của gia đình mình bị thất thoát.
“Tôi đã phải nghỉ việc cả ngày mở bể, dò tìm từ đồng hồ vào đến nơi chứa, nơi xả nước. Nhưng không có bất cứ nơi nào có bị rò rỉ”, anh Sơn cho biết. Tham khảo một số người dân gần nhà, anh Sơn đã dùng phương pháp tắt toàn bộ hệ thống sử dụng nước của nhà mình trong hai ngày, cùng với đó là ghi lại chỉ số đồng hồ nước. Nhưng sau hai ngày theo dõi đồng hồ vẫn báo không có gì thay đổi.
|
"Với số tiền trên, gia đình tôi dùng nước vài năm mới đến con số ấy chứ nói gì chỉ trong vòng một tháng", ông Ứng nghi hoặc. |
Cũng theo gia đình ông Ứng, do chủ quan nên các hóa đơn cũng như chỉ số nước sử dụng hàng tháng mà gia đình ông sử dụng đều không lưu lại. “Các tháng, khi nhân viên đến thu tiền nước, giao hóa đơn thì gia đình tôi thanh toán đầy đủ, nên cũng chẳng nghĩ là phải giữ lại hóa đơn. Ai dè, tự nhiên có sự cố như vậy”, ông Ứng than thở.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Bùi Văn Năng, Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc. Ông Năng xác nhận có sự cố trên xảy ra với gia đình ông Trần Công Ứng. Theo ông Năng giải thích: Mức đột biến xảy ra trên là do hệ thống đường ống bị hỏng, phao bể bị hỏng dẫn đến tình trạng thất thoát nước.
Ông Năng cũng phân tích: Nước trong đường ống chảy qua đồng hồ mỗi tiếng khoảng 3 số (khoảng 3m3 nước - PV). Tuy nhiên, cứ theo tỷ lệ này, mỗi ngày có 24 tiếng tức là mỗi tháng phải lên tới hơn 2.000 m3 nước chứ không phải chỉ là con số 1.029m3 như đồng hồ đo được.
Phân tích về đồng hồ nước, ông Năng cũng cho biết, đồng hồ được mua ở những nơi có kiểm định theo quy chuẩn để lắp cho người dân chứ không phải mua hàng trôi nổi.
Khi phóng viên đặt câu hỏi muốn được xem lại những hóa đơn thu tiền nước cũng như văn bản ghi nhận việc hư hỏng đường ống hay hỏng phao…. thì nhận được câu trả lời: "Không có biên bản và hóa đơn, hẹn hai ngày sau mới được cung cấp, bởi lý do: Muộn giờ và giờ lục lại mất nhiều thời gian".
Về vấn đề gia đình ông Trần Công Ứng bỗng nhiên chỉ số nước sinh hoạt tăng lên gấp hơn 100 lần so với những tháng trước, ông Năng cho biết: "Đây là một sự cố không ai mong muốn. Để tạo điều kiện cho gia đình, chúng tôi đã thống nhất đổi lũy tiến tính nước chỉ ở mức 3 (giá 9.990đồng/1m3), tức là nhà ông Ứng chỉ phải chi trả cho tổng số 1.029m3 nước là 10.793.690 đồng (so với mức 4 trước đó là 19.125.036 đồng).