Doanh nghiệp ngành rượu bia tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Google News

Chính sách kiểm soát nồng độ cồn, giá nguyên liêu tăng, thuế… khiến ngành bia rượu giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp đồng loạt đề xuất lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Doanh nghiệp gồng mình vượt khó
Ngày 15 tháng 3 năm 2024, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội nghị “Gặp mặt các doanh nghiệp hội viên VBA” tại Hà Nội nhằm chia sẻ, trao đổi, cập nhật về thực trạng tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, rào cản, đề xuất các giải pháp kiến nghị để giúp ngành đồ uống phục hồi, ổn định và phát triển trong thời gian tới.
Doanh nghiep nganh ruou bia tim giai phap thao go kho khan
 PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA phát biểu tại hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho biết, những năm gần đây, ngành gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới… Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, ngành đã và đang ghi nhận sự giảm sút mạnh từ doanh thu, lợi nhuận do cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào đều ghi nhận chịu tác động gián tiếp cũng giảm khá cao từ 15-20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.
Tác động của Covid đang ngày một thể hiện rõ ảnh hưởng âm ỉ, kéo dài khiến thu nhập người dân giảm sút, phải thắt chặt chi tiêu, chỉ có thể ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu. Các cuộc xung đột dai dẳng, chưa có hồi kết trên thế giới làm giá nguyên, nhiên vật liệu, vận tải đều tăng cao dẫn tới chi phí sản xuất tăng theo. Chính sách quy định nồng độ cồn, siết chặt quản lý, kiểm soát nồng độ cồn cũng khiến việc tiêu dùng giảm mạnh.
Các quy định phòng chống việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là chủ trương đúng đắn của nhà nước. Tuy nhiên việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn như hiện nay đã và đang tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo lao động, doanh thu, lợi nhuận, ngân sách đều giảm.
Chưa thích hợp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, người dân doanh nghiệp còn khó khăn, giải pháp bây giờ cần tiếp tục các chính sách giảm thuế, phí. Các chính sách dự kiến sửa đổi thời gian tới cũng cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng thời điểm trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiep nganh ruou bia tim giai phap thao go kho khan-Hinh-2
Đại diện các doanh nghiệp kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi. Ảnh: VBA. 
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch VBA bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ các Bộ ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Xem xét Lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các DN phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết một số chính sách đang sửa đổi, lấy ý kiến hiện nay như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế (Fs) hiện vẫn còn một số ý kiến và dự kiến sẽ xem xét thông qua vào tháng 4/2024; bia không cồn hiện không nằm trong đối tượng chịu thuế theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; việc giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ cũng tiến hành soạn thảo, lấy ý kiến về Luật Quảng cáo và rất cần lắng nghe ý kiến đóng góp của các bên liên quan, trong đó có lĩnh vực đồ uống.
Góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng phòng đối ngoại, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc tăng thuế 10% đối với bia có thể khiến sản lượng của ngành giảm đáng kể. Điều này có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể cho không chỉ riêng ngành bia mà còn ảnh hưởng đến việc thu ngân sách Nhà nước.
Ông Lâm Du An, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, năm 2023 doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lần lượt giảm 11% và 23%. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ, bởi giá đầu vào tăng 20-40% trong khi giá bán không thể tăng. Nếu áp thuế, chi phí sản xuất bia sẽ tăng 40-50%, tổng chi phí theo sản lượng sẽ đội lên hàng trăm tỷ đồng khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức.
Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu là 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), thuế với đồ uống có cồn có thể tăng để kiểm soát hành vi tiêu dùng.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)