Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Văn Lai (Quảng Nam) đã có cuộc trao đổi với PV Infonet bên hành lang Quốc hội chiều 2/4.
Theo ĐB Lê Văn Lai, thực phẩm bẩn cũng là một "nạn tham nhũng". Phải coi như vậy thì mới mong đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn mỗi gia đình Việt.
Giải trình, báo cáo thêm trước Quốc hội tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế chiều 1/4 về những kế sách của ngành nông nghiệp trong việc đẩy lùi thực phẩm bẩn, sau khi dẫn loạt số liệu từ báo cáo lấy mẫu phân tích, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát khẳng định: “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn…”.
Bày tỏ mối lo về thực phẩm bẩn mà người dân đang phải đối mặt, ĐB Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) cho rằng: “Lo về thực phẩm bẩn thì không ai không lo, tất cả mọi người đều lo lắng. Suy cho cùng, thực phẩm bẩn cũng có nguồn gốc từ tham nhũng, cũng là một nạn tham nhũng thôi”.
|
Theo ĐB Lê Văn Lai, sự tắc trách trong quản lý khiến người dân sống trong mốilo âu thực phẩm bẩn lan tràn. |
Ông Lai giải thích, vì không có sự kiểm soát, thay vào đó là sự thông đồng, không làm hết chức trách nên mới sinh ra cái tệ hại đó. “Ở đây thì có vấn đề đạo đức nghề nghiệp, nhưng nói đến cùng thì là vì lợi ích không chính đáng”- vị ĐBQH tỉnh Quảng Nam nói.
Tỏ ý tán thành với ý kiến của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đưa ra gần đây tại cuộc họp Chính phủ rằng “Các bộ làm tốt, sao dân vẫn phải ăn bẩn?”, ĐB Lai đề nghị: “Phải đi đến thực chất xem người dân có được hưởng sự làm tốt đó không trong bữa ăn, trong sinh hoạt thì mới trả lời được. Còn ban hành nhiều thông tư, nhiều quyết định, ra hàng trăm văn bản chỉ đạo điều chỉnh, nhưng cuối cùng quản lý lỏng lẻo, người dân vẫn phải chịu hậu quả ăn cá, ăn rau bẩn thì có nghĩa lý gì?”.
Nhà giáo, ĐBQH Lê Văn Lai lo lắng về “nạn” thực phẩm bẩn: “Tình hình phức tạp như thế, liên quan đến nhiều bộ ngành, rồi nhận thức của từng cá nhân thì sẽ không thể một sớm một chiều được để làm tốt được. Vì một hệ lụy của xã hội thì nó có nguồn gốc từ trình độ phát triển của xã hội, phát triển về nhận thức, kinh tế và các yếu tố khác thì mới tạo ra sự yên tâm. Công việc xảy ra như thế Bộ trưởng nói mấy phút thì người dân khó có thể an tâm ngay được”.
Cũng day dứt trước nạn thực phẩm bẩn, trước lời trấn an của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét “nhìn nhận, đánh giá của Bộ trưởng như vậy là hơi chủ quan”.
ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có cơ sở nào để đánh giá thuyết phục sản phẩm đưa ra thị trường an toàn tới mức nào, nên người dân thì thể hiện tâm lý lo ngại.
“Để trấn an dân rằng thực phẩm bây giờ an toàn thì cần cơ sở thuyết phục hơn. Chứ dân đang lo lắng mà người có trách nhiệm chỉ nói như vậy thì dân không bằng lòng” - ĐB Nguyễn Thái Học nhắn nhủ.
Xem video “Nói không với thực phẩm bẩn” (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ):