Chưa đầy 1 tháng nữa là tới Tết Đinh Dậu 2017, thị trường quá Tết đang tăng nhiệt từng ngày, từng giờ, nhiều người vẫn đang đau đầu không biết năm nay mua gì cho “độc, lạ”.
Hiện nay, các mặt hàng thuộc dạng “xa xỉ” như yến sào, vi cá mập, các loại rượu tây,… đã quá quen thuộc với khách hàng, gây nhàm chán. Chính vì vậy, rất nhiều người đã đi “lùng sục” trên rừng, dưới biển các loại đặc sản về làm quà biếu Tết.
Năm nay, thị trường tiêu dùng ngày cận Tết đang rộ lên phong trào mua trứng kiến về làm quà biếu hoặc mua về để gia đình sử dụng. Trên thực tế, món trứng kiến được xếp vào nhóm thực phẩm quý, xa xỉ nhưng không đến nỗi quá khan hiếm. Hiện nay, thay vì “nổi danh” ở một số địa phương, trứng kiến đen đang dần dần trở thành món quà biếu Tết đáp ứng đủ các yếu tố độc, đắt và lạ.
|
Món xôi kết hợp với trứng kiến. Ảnh: Tiểu Lâm |
Một vị doanh nhân ngành xây dựng gốc Ninh Bình chia sẻ với phóng viên báo điện tử VTC News: “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nho Quan (Ninh Bình), nơi nổi danh về các món ăn được chế biến từ trứng kiến. Từ khi lăn lộn mưu sinh ở Hà Nội gần 30 năm, tự nhiên năm nay nhớ về món đặc sản quê hương nên quyết định ‘đặt’ cả yến kiến về dùng dần. Ăn không hết thì mời khách”.
Vị doanh nhân này thừa nhận, nếu không nói đây là trứng kiến chắc chắn mọi người sẽ thích cái vị bùi bùi, béo ngậy của chúng: “Nhiều người nhắc đến trứng kiến thì khá e dè nhưng thực chất chúng rất ngon. Tôi có một vài người bạn lúc đầu nhắc đến trứng kiến là sợ nhưng giờ thành con nghiện”.
Món ăn này hiện tại đang được rao bán rậm rộ trên các diễn đàn, mạng xã hội. Mỗi kg trứng kiến hiện tại được rao bán khoảng 400.000 – 700.000 (tăng thêm 100.000 đồng so với trước đó 1 tháng).
Lý giải cho sự chênh lệch giá trứng kiến của các hộ kinh doanh, chị Hà (Láng Hạ, Hà Nội) chia sẻ: “Trứng kiến không phải mùa nào cũng có, mùa trứng kiến đen chỉ kéo khoảng 3 tháng sau Tết Nguyên Đán (khoảng tháng 3 – 5). Vì vậy, vào thời điểm cận Tết giá của chúng cũng hơi đắt một chút”.
Ngoài ra, trứng kiến có rất nhiều loại. Đặc sản trứng kiến đất Nho Quan, Ninh Bình thường là kiến nâu, hay còn gọi là kiến ngặt. Loại kiến này thường làm tổ trên các ngọn cây và loại kiến này đã làm lên tên tuổi của món xôi trứng kiến Nho Quan trứ danh.
Một loại trứng kiến khác cũng được ưa chuộng không kém là trứng kiến gai đen, loại trứng kiến được các tiểu thương rao bán cao hơn một chút khoảng vài chục nghìn đồng.
Theo chị Hà, trứng kiến gai đen là món ăn đặc sản ở các vùng đồi núi như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Yên Bái,…. Vì là đặc sản của rừng núi, trứng kiến gai đen có độ béo cao hơn, độ đạm lớn rất dễ gây dị ứng. Vì vậy, đối với người bị gút, béo phì hoặc bệnh về thận nên cẩn trọng với món ăn này.
Ngoài ra, các trên thị trường còn bán một số loại trứng kiến khác. Đặc biệt là loại trứng kiến “ngoại nhập” đến từ Lào với giá lên tới 800.000 đồng – 1 triệu đồng/kg.
Trứng kiến có hương vị khá lạ, dễ chế biến thành nhiều món đặc sản độc đáo như xôi, chè, bánh trứng kiến... Không những vậy, trứng kiến là loại thực phẩm rất dễ bảo quản.
Chị Hương – một cơ sở kinh doanh trứng kiến khác trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Trứng kiến mua về không dùng hết để trong tủ lạnh thoải mái mà không sợ bị hỏng”.
Ngoài các món ăn được chế biến từ trứng kiến, các loại rượu ngâm từ trứng kiến cũng trở thành một mặt hàng “hot” dịp Tết năm nay. Chị Hương nói: “Các loại rượu ngâm từ trứng kiến có giá khá cao. Tùy vào loại rượu hoặc số lượng trứng kiến ngâm trong đó mà có giá khác nhau. Giá của chúng khoảng 1 - 3 triệu đồng cho một can 5 lít”.
Mời quý độc giả xem video về đặc sản chuối tiến vua (nguồn VTC):