Sau 4 năm hoạt động, đến nay, Quỹ HN&PTCĐ đã giúp đỡ, làm thay đổi cuộc đời hàng trăm số phận từng mang án tù.
Đổi đời từ xe bánh mì
Sáng, chiều hai buổi, anh Nguyễn Ngôn (tên nhân vật trong bài đã được thay đổi) cùng vợ lại đẩy xe bánh mì cộng đồng ra cạnh một ngôi trường THCS nằm gần đường Hồng Bàng (quận 6, TPHCM). Mỗi ngày, vợ chồng anh bán được gần 100 ổ, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận còn lại bình quân khoảng 180.000 đồng.
|
Ông Liên Khui Thìn, người từng bị kết án tử hình liên quan đến vụ án kinh tế Epco-Minh Phụng |
Anh Ngôn tâm sự: "Xe bánh mì của vợ chồng tôi chủ yếu bán cho các cháu học sinh nên đắt hàng từ thứ hai đến thứ bảy, còn ngày chủ nhật chỉ bán cho vui. Nhờ biết dành dụm, gói ghém chi tiêu, sau hơn hai năm bán bánh mì, chúng tôi cũng để dành được một số vốn nhỏ.
Mới đây, vợ chồng tôi dùng số vốn tích lũy đó sang lại được một quán nước vỉa hè gần với nơi đặt xe bánh mì để kiếm thêm, nên cuộc sống bây giờ cũng ổn định".
Cùng với vợ chồng anh Nguyễn Ngôn, gia đình bà Thái Thị Thanh (phường Bình Trưng Tây, quận 2) là 1 trong 114 gia đình có người thân đã chấp hành xong án phạt tù và gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn được tặng xe bánh mì từ chương trình “Xe bánh mì cộng đồng” của quỹ HN&PTCĐ.
Bà Thanh kể: “Ngày đón con trai ở tù về, gia đình mừng hết lớn. Nhưng vui cũng chỉ được thời gian ngắn, lại thấy lo. Lo vì con mình không có việc làm, ăn chơi ngồi suốt ở nhà, chân tay ngứa ngáy thể nào cũng lại tụ tập bạn bè và mắc tiếp sai lầm.
Nghĩ vậy, tôi động viên con và cùng nó mang đơn đi xin việc làm, nhưng khổ nỗi, con mình mới ra tù lại không nghề ngỗng gì nên đến nơi nào xin việc, người ta cũng lắc đầu không nhận”.
|
Xe bánh mì của gia đình bà Thanh.
|
Bà Thanh quay sang chiếc xe có dòng chữ "Bánh mì cộng đồng", nói tiếp: “Cuộc sống của gia đình tôi đang rất khó khăn thì được các anh công an trên phường, quận tới động viên và giới thiệu về chương trình xe bánh mì cộng đồng. Sau đó, các anh lại giúp vợ chồng tôi làm đơn gửi lên quỹ HN&PTCĐ để xin được hỗ trợ. Vài ngày sau thì có người của quỹ đến khảo sát và tặng cho gia đình tôi chiếc xe bánh mì trong mơ này”.
Xe bánh mì của gia đình bà Thanh bán ngay đầu một ngôi chợ truyền thống trên đường Nguyễn Duy Trinh nên khá đắt khách. Bà Thanh nhẩm tính, mỗi ngày trừ hết chi phí, tiền lời thu về từ xe bánh mì được hơn 200.000 đồng.
Khi đã có thu nhập ổn định vào đầu năm 2013, bà Thanh cho cậu con trai đi học sửa máy bơm, máy phát điện ở một cửa tiệm bên quận 9. Trong thời gian vừa học việc và làm thợ ở đây, do chịu khó, chăm chỉ học nghề và phụ việc, anh Nguyễn Sơn (con bà Thanh) được ông chủ thương gả con gái cho.
Đầu năm 2015 gia đình bà Thanh đã rất hạnh phúc khi đón thêm một thành viên mới, đứa cháu nội - con của vợ chồng anh Nguyễn Sơn. "Từ khi vợ sinh con, để tiện việc chăm sóc con, thằng Sơn xin nghỉ làm ở tiệm của bố vợ và chuyển vào làm bảo vệ, kiêm thợ sửa điện nước tại một công ty gần nhà, mỗi tháng thu nhập cũng được gần 5.00.000 đồng. Công việc ổn định, sáng đi làm chiều về nhà cùng bà nội trông con cho vợ tiếp tục theo học năm cuối đại học" - bà Thanh vui vẻ khoe với chúng tôi.
Giấc mơ cây cao lương
Quỹ Hoàn lương được thành lập từ năm 2010, nay đổi tên thành Quỹ HN&PTCĐ. Với khoảng thời gian 4 năm, Quỹ đã trao tặng được hơn 100 xe bánh mì, xe cà phê cộng đồng giúp những người mãn hạn tù và người thân của họ có công ăn việc làm ổn định, hòa nhập với xã hội.
Bên cạnh tặng xe bánh mì, xe cà phê, Quỹ còn tổ chức tư vấn pháp lý, phát quà từ thiện, khám chữa bệnh… cho người nghèo, người mãn hạn tù và thân nhân của họ. Hiện, Quỹ đã được một tổ chức của Australia nhận tài trợ 1.000 xe bánh mì, dự kiến đầu năm 2016 sẽ tổ chức trao tặng cho gia đình và người mãn hạn tù.
Ông Liên Khui Thìn, người đàn ông 62 tuổi, từng trải qua hơn 4.380 ngày ăn cơm tù, nhớ lại: “Sau khi được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân xá, giảm án từ tử hình xuống chung thân, tôi được ra trại bên ngoài sau hơn 1.000 ngày ở trong khu biệt giam tử tù Chí Hòa. Khi nhập trại bên ngoài, tôi gặp ngay đoàn người khá đông nhập trại.
Qua tìm hiểu, tôi biết, trong số đó có không ít thanh niên do định kiến của xã hội, gia đình không đón nhận, ra tù không biết phải làm gì nên lại con đường phạm pháp, tù tội. Đó là thực trạng hiện nay và thực trạng này rất đau lòng. Ý nghĩ đó cứ theo tôi đến khi ra tù. Tôi nghĩ, phải làm cái gì đó để những người đã từng ở tù không tái phạm nữa”.
|
Sau khi mãn hạn tù, ông Liên Khui Thìn lập quỹ Hoàn Lương để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
|
Sau một thời gian thụ án và cải tạo tốt, ông Liên Khui Thìn được giảm án và đặc xá dịp Quốc khánh 2.9.2009. Khi thoát cảnh tù tội, ông Thìn đã tìm đến bạn bè, người thân vận động, thuyết phục họ tham gia thành lập quỹ HN&PTCĐ. Nhận thấy ý tưởng của ông mang tính nhân văn, một số người ủng hộ, song không ít người lại nghi ngờ, đặt câu hỏi: “Ông Thìn có ý đồ gì khi tập hợp những người mãn hạn tù?”.
“May mắn tôi đã gặp được luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM. Tuy mới quen nhưng ông Tạo rất nhiệt tình giúp đỡ tôi trong mọi hoạt động. Quỹ HN&PTCĐ ra đời với số vốn ban đầu khoảng 600 triệu đồng, đa phần là từ sự đóng góp của bạn bè, người thân” - ông Thìn chia sẻ.
Theo ông Liên Khui Thìn, có ba yếu tố tạo nên thành công ban đầu của Quỹ: “Thứ nhất là sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội. Thứ hai là hình thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, thu nạp, phân phối đúng đối tượng, rõ ràng, minh bạch. Thứ ba là phải làm sao để cơ quan nhà nước và nhất là tổ chức kinh tế tham gia hỗ trợ cho quỹ thực sự.
Hơn nữa, mình là người đã từng phải ngồi tù, hiểu hơn ai hết công ăn, việc làm đối với người mãn hạn tù là rất quan trọng. Tuy nhiên, một số mạnh thường quân từng tham gia tài trợ cho Quỹ từ ngày đầu thành lập, gần đây làm ăn không có lãi nên đã chia tay quỹ..."
Nhưng không chịu bó tay, đầu năm 2014 ông Liên Khui Thìn thành lập doanh nghiệp và lấy lại tên gọi cũ - Epco. Mục đích thành lập doanh nghiệp của ông không phải để làm giàu cho bản thân, mà kinh doanh nhằm lấy lãi phục vụ lại cho quỹ tạo công ăn việc làm cho người mãn hạn tù.
Ông Thìn cho biết: "Hiện, tôi đang có dự án thành lập nông trường để trồng cây siêu cao lương. Thời gian cho thu hoạch của loại cây này chỉ 3,5 tháng, năng xuất, chất lượng và giá trị kinh tế rất cao. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của cây cao lương sẽ được một doanh nghiệp của Nhật Bản bao tiêu hết".
Hiện Cty Epco đã cho trồng thử nghiệm hơn 3 ha cây cao lương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và thấy cây phát triển rất tốt. Sau khi thử nghiệm, đánh giá kết quả cụ thể doanh nghiệp sẽ triển khai trồng đại trà. Cty Epco cũng đang có ý tưởng sẽ phối hợp với công an và các cơ quan chức năng để phát triển trồng cây cao lương ngay tại những khu đất còn trống trong các trại giam để người đang thụ án có cơ hội được làm việc, cải tạo tốt hơn.
Theo ông Thìn, chính những phạm nhân đang thụ án và người đã mãn hạn tù họ sẽ là lực lượng lao động có kỷ luật nghiêm, tâm huyết lớn, sẽ gắn bó làm việc lâu dài với nông trường, Cty Epco.
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Liên Khui Thìn gần như không cười, từ chối tất cả những câu hỏi liên quan đến bản thân bởi “tất cả đã thành quá khứ”. Chỉ khi đề cập đến về dự án cây cao lương, ông Liên Khui Thìn mới cười tươi.
“Ngày trở về với xã hội, những người mãn hạn tù sẽ là những xã viên cơ hữu của nông trường thuộc Cty Epco với mức thu nhập ổn định. Chúng tôi xây dựng mô hình này gần giống với hợp tác xã vì mọi người lao động sẽ có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau" - ông Liên Khui Thìn chia sẻ về ước mơ của mình.