Chị Huyền Như (32 tuổi, TP Thủ Đức) đã bán thực phẩm tươi sống online được khoảng 3-4 năm nay nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như hiện tại. Sau đợt giãn cách, mỗi ngày chị nhận được hơn 50 đơn hàng, trong khi trước đó có ngày nhận chưa đến 10 đơn.
“Hàng chưa kịp về nhưng khách đã đặt hết từ 1-2 hôm trước. Khách nhắn tin, gọi điện hỏi liên tục làm mình cũng sốt ruột theo”, chị kể.
Tình trạng quá tải đơn khiến cửa hàng phản hồi chậm hơn bình thường. Một số khách quen đã lên tiếng phàn nàn song chị Như cũng không biết phải giải quyết thế nào. “Trước đây lo không có khách, còn giờ chỉ lo không có hàng để bán”, chị nói.
Giống như cửa hàng của chị Như, rất nhiều nơi bán thực phẩm tươi sống online tại TP.HCM cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Sau khi Chỉ thị 16 được áp dụng, lượng mua tăng vọt. Chưa kịp mừng vì khách đông, người kinh doanh lại phải đau đầu tính toán việc đảm bảo nguồn cung, nhập hàng, giao hàng đúng hẹn cho khách.
|
Siêu thị hết hàng, quá tải nên người dân đặt qua các tiểu thương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đơn hàng dồn dập
Anh Nguyễn Gia Tân (37 tuổi, quận 9 TP.HCM) chuyên cung cấp các món đặc sản ở các tỉnh thành miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng…). Từ thực phẩm tươi sống như thịt heo, gà, vịt, hải sản, chả cá cho đến các món chế biến sẵn như bánh lọc, bánh tét, xôi, bột bánh canh… đều nhập trực tiếp từ các tỉnh miền Trung, sau đó gửi xe vào TP.HCM để bán.
Trong mùa dịch, công việc kinh doanh của anh Tân vừa gặp thuận lợi lẫn khó khăn. Vì nhiều chợ và siêu thị tại TP.HCM đóng cửa sau Chỉ thị 16, lượng đặt mua tăng vọt trong những ngày gần đây.
“Trước đây, tôi bán chủ yếu cho một số khách quen và quán ăn cung cấp các món đặc sản. Tuy nhiên, từ khi có thông tin giãn cách xã hội, rất nhiều khách hàng mới liên hệ đặt mua với số lượng lớn. Một số biết qua các bài đăng trên mạng xã hội, số khác được người quen giới thiệu”, anh Tân cho biết.
|
Các cửa hàng chuyên bán thịt phải nhập hàng liên tục để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Ảnh: Trương Khởi. |
Trước ngày TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, anh Tân đã nhập thêm hàng song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tăng mạnh. “Ngày cuối cùng trước khi giãn cách, tôi và người thân phải ship hàng từ sáng sớm đến khoảng 23h mới trả hết đơn cho khách”.
Lượng đặt mua vẫn cao trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, khi thành phố yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, anh Tân chủ yếu giao thực phẩm cho khách thông qua các dịch vụ giao hàng.
“Tự đi giao sẽ tiết kiệm được tiền ship. Còn gửi đồ qua các app, tôi sẽ phải bù cho khách từ 10.000 đến 15.000 đồng tiền phí giao hàng. Ngoài ra tiền xe gửi đồ từ quê vào TP.HCM trong ngày dịch cũng tăng so với bình thường. Nên tính ra khách tăng nhưng bù qua, bù lại cũng không lời hơn được bao nhiêu”.
“Huề vốn là mừng lắm rồi”
Từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, lượt khách đặt rau củ của chị Nguyễn Thị Thu Thêu (sinh năm 1984, quận 2) tăng vọt. Ngày 9/7, đơn hàng lên đến con số 80. Trước đó, chị chỉ nhận hơn 10 đơn mỗi ngày ở gần khu vực TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh.
Cách đây 2 tháng, chị Thêu vẫn là nhân viên ở tiệm nail. Song do dịch bùng phát, các dịch vụ làm đẹp phải đóng cửa, chị chuyển sang bán hàng online để trang trải tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt.
Người phụ nữ cho biết mình không phải là tiểu thương lâu năm, chỉ mở bán tạm thời được hơn một tuần.
Do là “dân không chuyên” và ít người phụ nên chị vừa chốt đơn, vừa soạn hàng còn ông xã, làm nghề shipper, phụ trách giao cho khách. Nguồn hàng được lấy từ vườn của người quen ở huyện Hóc Môn và Đà Lạt.
Những ngày gần đây, chị gặp vấn đề lớn với vận chuyển hàng hóa. Việc chờ đợi lâu tại các chốt kiểm dịch khiến rau củ từ nhà vườn khi về tới tay chị không còn nguyên chất lượng như ban đầu.
|
Rau củ mà chị Thêu nhận được phần lớn đã bị dập nát do chờ đợi lâu. Ảnh: NVCC. |
“Bình thường thì từ 5h-8h, tài xế sẽ giao hàng hóa từ vườn đến. Nhưng hôm 9/7, khoảng 20h tôi mới nhận được, lúc đó mở ra kiểm tra thì hầu hết đều bị dập nát. Rau củ để qua ngày trong thùng dưới súc nóng sẽ dễ bị hư”, chị Thêu nói với Zing.
Trước tình trạng này, chị phải liên hệ với khách để hủy đơn hàng. Một số loại chưa hư thì được giao gấp trong buổi tối. “Đến bây giờ có nhiều người vẫn nhắn tin đặt rau củ nhưng tôi chưa dám trả lời vì đang cân đối lại số lượng”.
Tuy nguồn cung khan hiếm, chị Thêu vẫn cố gắng bán với giá bình ổn, chỉ chênh với nhà vườn khoảng 2.000 đồng.
“Trong mùa giãn cách xã hội, ai cũng khó khăn, nếu đội giá lên cao quá thì nhiều người không mua được. Tôi nghĩ huề vốn là mừng lắm rồi. Một số khách cũng thắc mắc nhưng tôi chỉ nói bán hỗ trợ qua lại, giúp nhau vượt qua đại dịch”, chị Thêu nói thêm.
Tương tự chị Thêu, anh Điền (ngụ tại quận Bình Tân), nhân viên văn phòng, cũng bán thực phẩm online trong mùa dịch. Qua một bài đăng trên Facebook, anh nhận được khá nhiều sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp.
“Thấy thương lái ép giá heo của người thân ở quê (heo sữa là 2,7 triệu đồng/con nhưng họ thu mua với giá 4,6 triệu/tạ) nên tôi giúp gia đình đem lên mạng bán. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bán hàng”, anh Điền cho hay.
Ngày đầu tiên, anh bán được khoảng 5 đơn với tầm 30 kg thịt. Những ngày sau, số đơn tăng dần và lượng khách đổ về nhiều hơn. Anh bổ sung thêm một số loại rau củ như bắp cải, cà chua, hành tây… để bán kèm.
“Tôi đoán trong thời gian sắp tới, việc vận chuyển, giao hàng chắc sẽ khó khăn hơn. Siêu thị thiếu hàng nên mọi người chuyển sang đặt online của “chỗ mối” nhiều. Tôi sẽ cố gắng cung cấp cho khách được ngày nào hay ngày đó. Hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm khởi sắc”.