Cận cảnh biến rác thải hôi thối thành... ống hút

Google News

Những chiếc ống hút đủ màu là vật “bất li thân” của các quán nước. Không ai biết chúng được tạo thành từ rác thải tổng hợp đã bốc mùi hôi thối….

Ống hút dùng... nhiều lần
Theo một số chủ quán nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc sử dụng ống hút cho khách sử dụng là việc không thể thiếu. Bởi nếu có “quên” thì khách hàng cũng nhanh chóng nhắc nhở nhân viên.
“Các cô gái là đối tượng khách hàng phải dùng đến ống hút nhiều nhất. Đàn ông thì thế nào cũng được. Nhưng nhiều cô, vào uống cà phê còn yêu cầu có ống hút. Với lại ống hút nhiều màu sắc còn làm tăng nét thẩm mĩ cho những cốc sinh tố. Nói thật là giờ mà vì ống hút làm tự nhựa không đảm bảo để rồi không dùng nữa thì khách vào quán sẽ thưa dần. Đã không dùng thì phải đồng loạt không dùng, chứ một vài quán lẻ tẻ thì không có tác dụng”, anh Hưng, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Sơn (Gia Lâm, HN) chia sẻ.
Quan sát tại quán cà phê của anh Hưng, 100% số khách hàng khi vào quán dùng nước đều được “trang bị” thêm ống hút. Màu sắc của ống hút được thay đổi cho phù hợp với loại nước mà khách gọi. Anh Hưng cho biết, trung bình mỗi tháng quán anh tiêu thụ hết khoảng 2 bịch ống hút, mỗi bịch là 1000 chiếc ống hút đủ màu sắc.
Một số khách hàng cho biết, càng những quán hạng sang thì màu sắc của ống hút càng được dùng “tinh tế” hơn. Và loại ống hút mà các quán này sử dụng là loại có thể tạo hình được.
 
Tâm lí của chủ quán khi sử dụng ống hút cho khách là vì đây là thứ đồ dùng mà khách thường xuyên dùng đến, lại tăng được tính thẩm mĩ, lịch sự. Còn việc nó có độc hại hay không là việc… không mấy để tâm.
Thậm chí, nhiều quán nước vỉa hè, ống hút khách đã dùng sẽ được rửa qua và tiếp tục vòng đời của nó thêm vài lần nữa.
Người bán hàng đã vậy, ngay cả đến những người trực tiếp sử dụng sản phẩm ông hút cũng… thờ ơ với thông tin ống hút làm từ nhựa tái chế có thể gây hại đến sức khỏe.
“Có thể là độc thật. Nhưng chẳng nhẽ đi uống nước với bạn trai mà lại bê cốc nước lên tu ừng ực?. Có cái ống hút thì vừa lịch sự, vừa tự nhiên thoải mái hơn nhiều. Với lại, có phải thường xuyên dùng đâu mà lo độc…”, một khách hàng bày tỏ.
Tại các quán nước mía vén đường, mỗi hộp nước mía bán cho khách cũng được đi kèm thêm 1-2 chiếc ống hút.
“Thiếu ống hút thì uống kiểu gì. Nhất là nhiều quán nước mía vỉa hè vẫn dùng túi nilong để đựng nước mía bán cho khách, không lẽ lại cởi dây thun ra và ngậm miệng túi để uống?”, nhiều khách hàng cho biết.
Vậy là báo chí và các cơ quan chức năng cứ việc “ra rả” cảnh báo, còn người tiêu dùng vẫn đa số thờ ơ. Tâm lí chung của họ là “cái gì cấm bán” thì mới đáng để tâm. Còn việc cảnh báo thì vẫn chỉ là… cảnh báo.
Con đường biến “rác tổng hợp” thành ống hút
Trong vai người mới vào nghề, muốn tìm hiểu thông tin để mua hạt nhựa, chúng tôi được chị Lan chủ cơ sở DL (Thôn Minh Khai, Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết: sau khi “rác tổng hợp” được phân loại và xay xong thì được phân thành 2 loại hạt nhựa là HD (high density) - một loại nhựa cao cấp, có độ dẻo, màu trắng trong giá 18.000 đồng/kg; và loại “bèo” hơn là nhựa PP (polypropylene)màu đục, có giá 11.500 đồng/kg.
Nguyên liệu nhựa đã xay nhỏ được đổ từng mẻ vào lò nấu, nhựa nóng trên 100 độ C bắt đầu chảy ra theo các khuôn ống dây dẫn đường kính khoảng 2mm. Những ống dẫn này được chạy qua hệ thống làm lạnh bằng nước nhằm định hình các dây nhựa trước khi đưa đến máy cắt. Tại đầu máy cắt, dây nhựa được cắt thành từng mẩu nhỏ có kích thước khoảng 2mm, thành các hạt nhựa thành phẩm rồi đóng bao xuất bán cho các nơi tái chế thành đồ nhựa thành phẩm. Nếu đầu vào là nhựa HD thì sau khi cắt, phân loại riêng, bởi chúng có hạt màu trắng. Còn loại nhựa tạp thì hạt đen và giá cũng mềm hơn. Loại tạp này chỉ dùng để chế thành dây thừng, bao tải, hoặc đồ gia dụng như bàn ghế, xô, chậu... Riêng loại hạt nhựa HD, theo chị Lan. sẽ dùng để tái chế các sản phẩm tốt hơn như hộp nhựa, các lọ nhựa, thậm chí là chén, đũa, muỗng...
Tại đây, công nhân ngồi bệt trên nền đất, tay không bảo hộ tách hàng đống bao tải chứa “nhựa tổng hợp” từ bao bì nilong, các hộp nhựa, xốp đựng thực phẩm, nồi niêu, xô chậu nhựa... được dân ve chai thu gom về. “Nhựa tổng hợp” bị ủ kín lâu ngày, hòa với những loại thực phẩm còn bám lại nên bốc mùi hôi kinh khủng, tanh đến nồng nặc.
Trong cái xưởng hẹp chừng 60m2, mà đủ các loại mùi khó chịu hòa lẫn, mùi rác thải, mùi nhựa tái chế khét lẹt, nóng hầm hập chạy xì xoạch inh tai, dù đã cố gắng chịu đựng hết sức nhưng cứ chừng 10 phút, PV phải chạy ra ngoài vì không chịu được mùi đậm đặc trong xưởng.
Khó có thể tin được chỉ với một bể nước rộng chừng 3m2 lại là nơi "hóa rác" làm sạch hàng chục tấn nhựa, túi nilon bẩn. Sau khi máy "xé" rác thải (những túi nilon bẩn, đồ nhựa đã dùng rồi) được quay vòng trong bể nước rửa qua loa. Sau đó chuyển sang máy nấu có nhiệt độ 380 độ C để cho ra những giải nhựa mềm, rồi chuyển sang máy tạo hạt để thổi ra hạt nhựa.
Trung bình cơ sở sản xuất này làm ra trên dưới 2 tấn sản phẩm hạt nhựa. Cơ sở nhà chị Lan chỉ làm đến công đoạn này, sau đó bán lại sản phẩm cho các hộ gia đình khác để họ lấy hạt nhựa về tái chế ra túi nilon, đồ hộp bằng nhựa...
Anh Nguyễn Văn H, chủ xưởng sản xuất túi nilong tiết lộ: “Những loại hộp xốp, ống hút, thìa nhựa,… thường được làm từ các loại hạt nhựa cao cấp mà người làng Khoai phải nhập từ nước ngoài về. Nhưng để hạ giá thành sản phẩm, để tăng lợi nhuận, đa số các cơ sở sản xuất đề pha thêm hạt nhựa tái chế theo một tỉ lệ nhất định. Các loại nhựa được người làng Khoai thu mua, chất đống để dùng dần; việc rửa rác thải chỉ được làm qua loa, nhiều cơ sở còn bỏ qua công đoạn này, cứ thế cho vào sản xuất…”.
Nhìn những đống rác thải cao ngất bốc mùi, không khó để nhìn thấy cả rác thải y tế lẩn khuất trong đó, PV tự hỏi, khi nhìn thấy cảnh này, còn ai đủ “nghị lực” để sử dụng những chiếc ống hút nhiều màu sắc bán đầy trên thị trường?
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), các loại ống hút thực tế là làm từ nhựa polymer được tổng hợp từ các monomer. Trong đó monomer là những chất rất độc hại, chúng hoàn toàn có khả năng hòa tan trong nước và các thực phẩm nóng nên dễ dàng đi vào cơ thể.
Nguy hiểm hơn là việc sử dụng nhựa tái chế để làm ống hút, vì như vậy nhựa sẽ bị phân giải nhanh hơn và giải phóng ra nhiều chất độc monomer hơn. Theo ông Thịnh, dưới bất kỳ cách thức nào loại nguyên liệu này cũng không thể sử dụng để tái chế những dụng cụ liên quan đến miệng, mắt và mũi như: ống thở oxy, ống hút hay kể cả là kính.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)