|
Toàn cảnh ĐHĐCĐ BIDV 2024. Ảnh BTC. |
Ngày 27/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Tham dự Đại hội có 184 đại biểu, đại diện cho hơn 5,5 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 96,95% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đã xem xét và thống nhất thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2023 và trọng tâm hoạt động năm 2024; Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh năm 2024; Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024…
Chiếm 14% thị phần tiền gửi ngành ngân hàng
Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo BIDV cho biết tính đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và ĐHĐCĐ giao. Trong đó, tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022, tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 2,1 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm; chiếm 14% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 2,19 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022; trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 16,66% so với năm 2022, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, cao hơn mức thực hiện năm 2022 (tăng 12,65%), chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu về thị phần cho vay tổ chức kinh tế và dân cư trong khối ngân hàng TMCP.
Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN đến 31/12/2023 kiểm soát ở mức 1,12%, hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao, đảm bảo theo đúng mục tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước (≤1,4%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khối ngân hàng thương mại đến 31/12/2023 đạt 183%.
Lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ năm 2023 đạt trên 26.700 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2022; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022, hoàn thành vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Vốn chủ sở hữu của BIDV đến 31/12/2023 đạt gần 115,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2022. Giá trị vốn hóa thị trường thời điểm 31/12/2023 đạt 247,4 nghìn tỷ đồng (~10,5 tỷ USD), tăng 26,7% so với thời điểm 31/12/2022, đứng thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước năm 2023 là gần 6,5 nghìn tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ lên trên 70.624 tỷ đồng
Tính hết quý I/2024, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của BIDV đạt trên 2,28 triệu tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng.
Tại ĐHCĐ, đại hội đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong đó, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 1.361 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng.
Trong đó, số cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2022 là 1.197 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21 cổ phiếu mới), số phát thêm bằng hình thức chào bán riêng lẻ là 164 triệu cổ phiếu. Nguồn tiền dùng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận còn lại năm 2022 sau khi trích lập các quỹ là 11.970 tỷ đồng và 1.648 tỷ đồng từ việc phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến khoảng 2,89% vốn điều lệ ở thời điểm 31/12/2023.
BIDV cho biết, giá chào bán sẽ xác định theo nguyên tắc giá thị trường, số cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Toà án,...
Cùng với đó, đại hội cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2022 và 2023, trong đó điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 từ 23% xuống còn 21% vốn điều lệ.
Với phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ của BIDV là hơn 15.491 tỷ đồng. BIDV dự kiến chi 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu (thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại của BIDV hơn 3.144 tỷ đồng.
Trong năm 2023, BIDV đã triển khai hơn 130 chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền hỗ trợ gần 300 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, nhà đại đoàn kết, quà tết cho người nghèo trong đó một số chương trình nổi bật như: Tài trợ xây dựng gần 1.800 nhà ở, tặng 40.000 suất quà tết cho người nghèo; Hoàn thiện đưa vào sử dụng Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại các tỉnh miền Trung; Tổ chức giải chạy BIDVRUN cho cuộc sống Xanh thường niên…