Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục ngày thứ 2 thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, kế hoạch năm 2020.
Phát biểu thay đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Chính phủ trên cơ sở luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế cho doanh nghiệp. Đồng thời, ông hiến kế để Chính phủ có thể thu thuế từ 3,3 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Lọt nguồn thu lớn
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho biết hiện nay tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh nhưng theo thống kê chỉ có 1,7 triệu hộ đóng thuế môn bài.
Ngân sách Nhà nước để lọt nguồn thu rất lớn khi 3,3 triệu hộ còn lại không đóng thuế. Tuy nhiên, thực tế những hộ này có đóng, nhưng đóng “ở chỗ nào đó” chứ không phải cho Ngân sách Nhà nước.
“Điều tra tôi thấy chỉ cần một quán hàng nước, người ta vẫn phải nộp tiền hàng tháng. Tôi có hỏi cô bán hàng nước, thuốc lá, cô nói đóng 1,5 triệu đồng/tháng”, ông Thân nói.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng ngân sách Nhà nước đang để lọt nguồn thu lên đến hàng chục nghìn tỷ mỗi năm từ hộ kinh doanh cá thể. Ảnh minh họa.
|
Đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ cần quan tâm, đưa các hộ kinh doanh thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ như doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ, chỉ khác về định nghĩa, tên gọi.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết các nước trên thế giới, đã là kinh doanh thì phải nộp thuế. Vấn đề nộp như thế nào, cách thức ra sao, khác với doanh nghiệp thế nào, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo được.
“Chúng ta đang để lọt nguồn thu rất lớn. Ví dụ trung bình mỗi hộ chỉ đóng 1 triệu đồng/tháng, nhân với 12 tháng, nhân với 3,3 triệu hộ kinh doanh, tôi tính là ra 39.600 tỷ đồng/năm”, ông Thân nói.
Vị đại biểu Thái Bình đề nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu, có cơ chế đưa hộ kinh doanh cá thể tham gia với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là bước thực hiện kế hoạch phấn đấu đến 2020, có 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Bản chất hộ kinh doanh cá thể là loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”
Trong ngày 30/10, phát biểu trước Quốc hội liên quan tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết dù đóng góp đến 40% GDP, 700.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm 10% GDP. Còn lại 30% GDP thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.
Ông Lộc nhận định không có một nền kinh tế thị trường nào mà có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy.
|
Theo ông Vũ Tiến Lộc, về bản chất, hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. |
“Về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý nên bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh, trong nội bộ thì hộ kinh doanh thiếu vắng một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cho rằng quản lý Nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy để hỗ trợ lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt.
Theo ông Lộc, không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mà chỉ có thể “khoác một tấm áo pháp lý mới” cho hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Những quy định pháp lý cần tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta.
Đồng thời, bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân và tổ chức phải được quy định bằng văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp nghị định, thông tư như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay.