|
Nhà đầu tư Mỹ muốn đầu tư vào sân bay Cam Ranh. Ảnh: Internet |
Sau 3 năm tìm hiểu, Tập đoàn ADC-HAS Airport có trụ sở tại Mỹ quyết định sẽ đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa.
Trong thời gian tới, dự kiến bản kế hoạch chi tiết về dự án sẽ được ADC-HAS gửi tới Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, đơn vị mà tập đoàn này muốn hợp tác để triển khai dự án. Về vốn, ADC-HAS cho biết đã được Cơ quan Quản lý đầu tư tư nhân hải ngoại Mỹ (OPIC) chấp thuận tài trợ để triển khai dự án tại Việt Nam với hạn mức cho vay tối đa 250 triệu USD.
ADC-HAS tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư các sân bay từ năm 2011. Mối quan tâm của nhà đầu tư này là các dự án sân bay ở khu vực miền Trung như Cam Ranh, Đà Nẵng, Phú Bài... nhưng cuối cùng tập đoàn này đã chọn phương án Cam Ranh.
Ồn ào thương vụ sân Mỹ Đình "hét" giá thuê 1,5 tỷ đồng
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (thứ ba từ phải sang) với lãnh đạo VFF - khách mời trước trận giao hữu U23 Việt Nam - CLB Kashima Antlers ngày 4/6 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Người lao động |
Tuần qua, dư luận xôn xao về việc Ban Quản lý Khu Liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình ra giá 1,5 tỷ đồng tiền thuê sân vận động trong trận đấu giao hữu giữa Việt Nam và Arsenal.
Để rộng đường dư luận, phía Ban quản lý sân Mỹ Đình đã tổ chức một cuộc họp báo vào chiều 17/6 với nội dung về những vấn đề xung quanh việc tổ chức trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và CLB Arsenal.
Trong cuộc họp báo, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa khẳng định không biết gì về số tiền thuê sân 1,5 tỷ đồng mà báo chí đã nói nhiều ngày qua. Thậm chí ông Nghĩa còn nói, không hề biết vì sao lại xuất hiện con số đó và xuất hiện từ đâu, bởi đến sáng 17/6, giữa Ban quản lý sân Mỹ Đình và VFF mới chính thức có cuộc làm việc đầu tiên xung quanh vấn đề này.
Sáng 18/5, dưới sự chủ trì của Tổng cục Thể thao du lịch, Ban Quản lý Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và VFF đã họp và đi đến quyết định chốt mức giá thuê sân Mỹ Đình cho trận Việt Nam - Arsenal. Theo đó, giá thuê sân được chốt lại ở mức 800 triệu đồng, bao gồm chi phí thuê sân, kể cả tiền bảo hiểm.
Travel Life bỏ rơi 700 khách ở Thái Lan
|
Địa điểm hoạt động của Công ty Travel Life ở quận Tân Phú (TP.HCM) không có giấy phép đăng ký kinh doanh. |
Việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ cuộc sống du lịch (gọi tắt là Travel Life) bỏ rơi tới hơn 700 du khách tại Thái Lan đang khiến dư luận vô cùng bức xúc nhiều ngày qua.
Theo đó, ngày 12/6, Travel Life tổ chức tour cho 700 khách sang Thái Lan kết hợp đi chơi với dự hội nghị khách hàng (của Công ty Herbalife) với giá 6,4 triệu đồng/khách cho chuyến đi 6 ngày 5 đêm, chưa tính 2 triệu đồng phí tham gia hội nghị. Giá tour bao gồm phòng khách sạn, chi phí đi lại giữa khách sạn và nơi tổ chức hội nghị, ăn uống trong thời gian ở Thái Lan. Tuy nhiên, khi hội nghị kéo dài 2 ngày vừa kết thúc (vào tối 16/6) thì sự cố xảy ra đối với các thành viên trong đoàn. Đó là họ bị bỏ rơi ở ngay trung tâm hội nghị. Công ty tổ chức tour và đơn vị phối hợp bên Thái Lan (Công ty du lịch Thái 2020) từ chối phục vụ du khách như đã cam kết. 2 tài xế xe du lịch 50 chỗ từ chối chở đoàn về khách sạn và thu giữ hành lý của mọi người. Tài xế yêu cầu mỗi du khách phải trả 145 USD tiền xe trong 2 ngày tham dự hội nghị. Tuy nhiên mọi người không đồng ý vì cho rằng tour du lịch họ mua từ công ty đã bao gồm chi phí vận chuyển. Sau đó, du khách đã nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát Bangkok và cuối cùng cũng lấy được hành lý về khách sạn.
Một số du khách còn cho biết, họ nhiều lần phải chịu cảnh nhồi nhét 80 người trên một chiếc xe 45 chỗ với lý do chưa chuẩn bị đủ xe. Khi về đến khách sạn cũng không đủ phòng, họ phải ở 4 người trong phòng đôi tồi tàn với mùi ẩm mốc. Ngoài ra, đoàn khách du lịch này còn bị công ty tổ chức tour không thanh toán tiền phòng khách sạn cũng như những bữa ăn cho đoàn như cam kết trong tour. Mọi người phải tự bỏ tiền túi trả tiền phòng khách sạn cho 2 đêm còn lại ở Thái Lan.
Công ty Travel Life cho biết, do chi phí phát sinh quá cao ngoài mức kiểm soát nên đã xảy ra sự cố trên. Cũng theo công ty này, chỉ riêng vé máy bay của chuyến đi đã đội lên 4,3 tỷ đồng, nên công ty chỉ còn khoảng 200 triệu đồng lo cho 700 khách trong vòng 6 ngày ở Thái Lan. Công ty hết khả năng chi trả cho đối tác ở Thái nên họ đã không lo chỗ ăn, ở, dịch vụ đi lại cho khách.
Theo thông tin mới nhất thì lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết, hiện Ban giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM đã hoàn tất hồ sơ, biên bản làm việc liên quan đến vụ việc của Công ty Travel Life. Trong hồ sơ được trình lên lãnh đạo UBND TP.HCM cùng toàn bộ các cơ quan quản lý có liên quan ở cấp cao hơn, mức phạt dự kiến được đưa ra đối với Travel Life là 70-80 triệu đồng, đồng thời chấm dứt hoạt động lữ hành quốc tế.
Ầm ĩ vụ kiện của Tập đoàn Bảo Long - Bảo Sơn
|
Ông Nguyễn Hữu Khai (trái) và ông Nguyễn Trường Sơn (phải)
|
Vụ "tranh cãi" giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Tập đoàn Bảo Long cũng hao tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Theo đó, ngày 3/3/3011, ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long và ông Nguyễn Trường Sơn ký kết Hợp đồng số 01 "chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm. Tập đoàn Bảo Long phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Bảo Sơn 100% vốn cổ phần của các cổ đông và phần vốn góp bổ sung với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm, tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Khai cho rằng Bảo Sơn đã không thực hiện đúng hợp đồng. Ông Khai "tố" Tập đoàn Bảo Sơn đã vi phạm nghiêm trọng những điều ký kết trong hợp đồng và còn nợ của Tập đoàn Bảo Long tới 125 tỷ đồng. Về phần Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đây là một vụ mua bán đàng hoàng, đúng pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 15/6 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Khai để điều tra về hành vi "Sử dụng trái phép tài sản". Trong thời gian từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Hữu Khai đã nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngày 16/6, cơ quan điều tra cũng thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của ông khai tại tầng 10 tòa nhà Tập đoàn Bảo Long ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.