Trong hai ngày 28 và 29/4, TP Đà Nẵng đón khoảng 45.000 lượt du khách đến du lịch chiêm ngưỡng pháo hoa. Nhân dịp này, chủ các khách sạn, cao ốc trên đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng đã tận dụng độ cao tòa nhà “bán vé” cho khách xem pháo hoa.
Để có được chỗ ngồi trên tòa nhà 5 tầng ở đường Trần Hưng Đạo, số tiền mỗi khách phải trả dao động 300.000-500.000 đồng. 2 ngày trước khi diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa, các chỗ ngồi đã được đặt cọc.
Giá phòng khách sạn cũng tăng theo chiều cao của tòa nhà. Một chủ khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo cho biết, phòng có ban công hướng ra sông Hàn giá khoảng 1,5-2 triệu đồng một đêm. Từ đầu tháng 4, hầu hết các phòng có "view" đẹp đều đã được đặt cọc.
|
Các nhà nghỉ, khách sạn ở Đà Nẵng bội thu trong dịp diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa.
|
Không chỉ khách sạn, nhiều gia đình có nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo cũng tận dụng ban công, sân thượng và trần nhà để làm “khán đài” phục vụ người dân và du khách xem pháo hoa. Mức phí để có một vị trí trên sân thượng tầng 5 của một tòa nhà ở đường Trần Hưng Đạo khoảng 150.000-300.000 đồng. Nhà càng cao, giá càng tăng.
“Những vị trí trên tầng 7 của tòa nhà có giá 300.000 đồng một người. Nếu không đặt sớm, đến khoảng 17h chiều 29/4 sẽ hết chỗ”, chủ một ngôi nhà 7 tầng trên đường Trần Hưng Đạo nói.
Cũng trong hai đêm diễn ra pháo hoa, nhiều người dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) có dịp hốt bạc bằng dịch vụ cho du khách thuê, tấm bạt, ghế ngồi. Giá thuê ghế nhựa tại bãi đất trống phía cuối đường Trần Hưng Đạo là 10.000-15.000 đồng một chiếc. Tấm bạt có diện tích khoảng 10 m2 có giá thuê 20.000- 40.000 đồng.
“Đêm qua, tôi mang ra đây 30 cái ghế, chỉ trong khoảng một tiếng, mọi người đã thuê hết”, chị Lan (kinh doanh dịch vụ) nói.
Hai ngày nay, dãy nhà hàng, quán nhậu ven biển Đà Nẵng đã hoạt động hết công suất từ 9h sáng đến đêm khuya. Chủ các nhà hàng, quán ăn dọc đường ven biển như Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp cho biết, năm nào cũng vậy, khi cuộc thi pháo hoa diễn ra, họ lại phải lên kế hoạch chuẩn bị nguồn thực phẩm từ vài tháng trước.
|
Giá các dịch vụ đều tăng nhưng vẫn trong mức cho phép của chính quyền thành phố.
|
Chủ nhà hàng Hàu Sữa (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà), cho biết, trong hai ngày qua, trung bình mỗi ngày anh đón hơn 1.000 lượt. Để phục vụ du khách, nhà hàng đã tăng cường thêm 3 đầu bếp chính và gần 50 nhân viên phục vụ. “Đông khách nhất là buổi trưa. Đến chiều, khách sẽ di chuyển về khu vực khán đài để xem pháo hoa nên lượng khách ít hơn”, anh này chia sẻ.
Anh Phạm Lê Lâm Vũ, Giám đốc điều hành nhà hàng For You Biển (quận Sơn Trà) cho hay, 2 ngày diễn ra bắn pháo hoa ở Đà Nẵng, đơn đặt hàng tăng 30% nên anh phải nhập thêm nguồn hải sản. Đơn vị này cũng phải điều thêm nhân viên nhà hàng khác về để phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng, xem pháo hoa.
Theo ghi nhận của Zing.vn, mặc dù lượng khách đến đông gấp nhiều lần so với ngày thường nhưng đơn giá các nhà hàng đưa ra cũng nằm trong định mức cho phép tăng được UBND TP Đà Nẵng cho phép tăng.
Ngày thường, một lon bia Larue có giá từ 12.000 đến 14.000 đồng thì hai hôm nay, các nhà hàng bán với giá 15.000-20.000 đồng. Tương tự, giá ghẹ tăng từ 450.000 đồng/kg lên khoảng 500.000-600.000 đồng/kg.
“Nhà hàng có tăng giá các món hơn so với ngày thường song mức tăng không quá 50% so với quy định của UBND TP Đà Nẵng”, chủ một quán nhậu trên đường Trần Hưng Đạo nói.