Theo một số nguồn tin, một ngân hàng thuộc diện yếu kém chưa có hướng tái cơ cấu sẽ bán 100% vốn cho nước ngoài. Thông tin này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận với một việc được coi là chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Hiện đã có 8/9 ngân hàng thuộc diện yếu kém thực hiện xong quá trình tái cơ cấu, còn lại duy nhất một ngân hàng và đó được xác định là GPBank.
Trao đổi với Kiến Thức về việc này, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, bán ngân hàng là một trong những giải pháp nằm trong chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém cũng như tái cấu trúc toàn bộ hệ thống ngân hàng nước ta. Nhưng theo chủ trương, việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém được ưu tiên trước hết, nếu ngân hàng không thể tái cơ cấu được thì bước tiếp theo mới là bán ngân hàng đó.
TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc bán ngân hàng cho nước ngoài có thể thành hiện thực nếu như doanh nghiệp nước ngoài lên kế hoạch chặt chẽ, dốc vốn vào và quyết mua bằng mọi giá. Nếu việc mua bán này diễn ra thành công, coi như quá trình tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém cũng như tái cấu trúc toàn bộ hệ thống ngân hàng đã đạt được một bước tiến quan trọng.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
TS Cao Sĩ Kiêm phân tích: Khi rao bán một ngân hàng trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ xảy ra 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, nếu rao bán mà nước ngoài không mua thì sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng đó và rộng ra là ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Vì mức độ yếu kém của ngân hàng được rao bán đã phần nào cho thấy mức độ yếu kém trong hệ thống ngân hàng. Và việc rao bán không thành công cũng làm chậm quá trình tái cơ cấu trong các ngân hàng yếu kém.
Còn nếu việc rao bán diễn ra suôn sẻ, tức là doanh nghiệp nước ngoài "nhảy" vào mua thì coi như quá trình rao bán thành công. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ bơm thẳng vốn vào ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc tình hình tài chính. Đi cùng với việc bơm vốn là việc thay thế phương thức quản trị tại ngân hàng yếu kém này. Sau một thời gian, ngân hàng yếu kém sẽ vững mạnh trở lại, thoát khỏi gánh nặng nợ xấu và có thể tự tin cạnh tranh với các ngân hàng mạnh khác.
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, tóm lại, việc nhà đầu tư ngoại mua ngân hàng yếu kém nội thì lợi ích lớn nhất mà các ngân hàng nội nhận đó là trình độ quản lý tiên tiến và tiềm lực tài chính vững mạnh. Việc mua bán này cũng làm lành mạnh hơn tiềm lực tài chính trong hệ thống ngân hàng. Bởi một khi ngân hàng yếu kém bị đổ vỡ thì hệ thống ngân hàng trong nước cũng bị ảnh hưởng. Khi các ngân hàng được tái cơ cấu hoặc được bán cho nước ngoài, thì nguồn vốn ngoại sẽ được bơm vào, khiến tiềm lực tài chính của hệ thống ngân hàng trong nước lớn thêm, làm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng.
Tuy nhiên, TS Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, để việc mua bán diễn ra thuận lợi thì hệ thống luật pháp, cách quản lý điều hành phải được nâng tầm.
Theo Dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến thì tỷ lệ sở hữu dành cho các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không thay đổi so với hiện hành.
Theo đó, nhà đầu tư ngoại được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ và tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng không vượt 30%. Đối với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện tái cơ cấu, tỷ lệ sở hữu này có thể vượt quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể do Thủ tướng quyết định nhưng không thể là 100%.
Một số nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, đối với những ngân hàng đỡ yếu kém thì tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài nên là 51% và những ngân hàng yếu kém thì nên ở mức 75%.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại, khi tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong những ngân hàng trong nước sẽ dẫn đến nguy cơ tăng sở hữu chéo, từ đó dẫn đến việc kiểm soát các ngân hàng trong nước, nguy hiểm hơn là dẫn tới việc thâu tóm các ngân hàng này.
Trong bối cảnh khó khăn về tài chính, việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống ngân hàng còn nhiều trở ngại, nhưng không đồng nghĩa với việc bán rẻ ngân hàng. Điều quan trọng là phải làm cho hệ thống ngân hàng lớn mạnh để buộc doanh nghiệp có mua lại cũng phải mua với giá hợp lý. Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng trong nước cũng cần hết sức thận trọng, TS Cao Sĩ Kiêm cho biết.