|
Siam Commercial Bank có tiềm lực tài chính hơn hẳn các ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
|
Tờ National dẫn lời ông Arthid Nanthawithaya, Giám đốc điều hành Siam Bank cho biết. “Siam Commercial Bank nhắm tới đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu tại các thị trường Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong những năm tới,” Arthid nói.
Nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng ý cấp giấy phép, Siam Commercial Bank sẽ có chi nhánh tại Việt Nam ngay trong năm nay.
Ngân hàng của Vua
Ở Việt Nam, cái tên Siam Bank còn giới hạn trong một số những người làm ngân hàng, song ở Thái Lan nó được gần như cả nước biết đến.
Siam Commercial Bank được thành lập từ 1904, bởi Hoàng thân Mahisara Rajaharudaya theo lệnh nhà vua Chulalongkorn.
Vì nguồn gốc đặc biệt này mà ở Thái Lan, Siam Bank được biết đến với cái tên khá “quyền lực” - King’s Bank.
Mặc dù vậy, hiện nay, theo sự phát triển Siam Bank đã trở thành ngân hàng đại chúng, phục vụ quyền lợi của đa số người dân.
Giám đốc điều hành Siam Commercial Bank hiện nay là ông Arthid Nanthawithaya, người được bà Kannikan Chalitaporn – người tiền nhiệm của ông Arthid – đưa về từ Ngân hàng Standard Chartered (Anh) chi nhánh Thái Lan.
Cả bà Kannikan Chalitaporn và ông Arthid Nanthawithaya đều có điểm chung là quyết tâm xây dựng SCB thành ngân hàng mang đậm dấu ấn Thái Lan. Và để trở thành một ngân hàng hiện đại, SCB cần phát triển trên cơ sở và nền tảng mà mình đang có. Tức là tập trung vào phát triển đều các mảng bán lẻ, bán buôn lẫn ngân hàng đầu tư.
Bên cạnh đó, SCB cũng sẵn sàng tham gia các kênh đầu tư hiện đại như thị trường trái phiếu USD. Năm 2012, SCB đã phát hành thành công trái phiếu có trị giá 600 triệu USD, thời hạn 5 năm rưỡi.
Theo số liệu 2012, ngân hàng Thái Lan này hiện có khoảng trên 1.100 chi nhánh, phòng giao dịch và 7.678 máy rút tiền tự động. Giá trị vốn hoá thị trường của Siam Bank đạt khoảng trên 14 tỷ USD.
|
CEO Arthid Nanthawithaya của Siam Commercial Bank.
|
Vượt khỏi biên giới Thái Lan
Mặc dù thị trường trong nước khá thuận lợi cho phát triển, song SCB vẫn quyết định sẽ chinh phục các miền đất mới mà Asean là ưu tiên số 1.
Tính đến 2012, SCB đã có 3 chi nhánh tại Lào, Singapore và Hồng Kông. Ngoài ra, SCB cũng có mặt tại Campuchia thông qua Cambodia Commercial Bank và tại Việt Nam thông qua liên doanh Vinasiam Joint Venture Bank.
Tại Việt Nam, liên doanh Vinasiam Joint Venture Bank (Ngân hàng Liên doanh Việt Thái - VSB) thành lập năm 1995. Đây là ngân hàng liên doanh giữa 3 đối tác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (34%), Siam Bank (33%) và Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của Thái Lan ( 33%).
Đáng tiếc, sau 15 năm hoạt động, VSB không thành công mà trái lại, là ngân hàng liên doanh yếu kém toàn diện.
Trước nhu cầu phát triển, SCB quyết định khẳng định sự có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua việc thành lập chi nhánh.
Chi nhánh ngân hàng SCB sẽ thành lập tại Việt Nam trên cơ sở mua lại, tiếp nhận tài sản, công nợ của VSB trị giá khoảng 100 triệu USD. Khi được cấp phép, SCB có thể cung cấp cả sản phẩm tín dụng và phi tín dụng cho khách hàng tư nhân cũng như doanh nghiệp.
Được biết, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, cho phép SCB thành lập chi nhánh tại Việt Nam.
Báo cáo tài chính Siam Commercial Bank mới công bố cho thấy, ngân hàng lớn thứ 3 Thái Lan có kết quả kinh doanh không thực sự ấn tượng khi giảm 10,2% lợi nhuận trong quý 2 năm nay.
Nguyên nhân chủ yếu do trích lập dự phòng rủi ro và nợ xấu tăng cao, trong khi kinh tế Thái Lan đang chững lại.
Cụ thể, lợi nhuận thuần đạt 13,2 tỷ baht (383.600.000 USD) trong quý 2, giảm so với mức 14,7 tỷ baht một năm trước đó.