Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tên doanh nghiệp phải được đặt bằng tiếng Việt, tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch ra từ tên tiếng Việt.
Một số tên DN là sự kết hợp của những ký tự, như cà phê NYDC chẳng hạn, phải là từ viết tắt của những từ tiếng Việt. Vì vậy để giữ nguyên được tên gọi, các DN phải "vắt óc" nghĩ ra những cái tên Việt hóa hết sức sáng tạo.
Về cơ bản, đặt tên kỳ lạ như thế này không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp, vì nó chỉ tác động tới đăng ký kinh doanh và một vài thủ tục, còn thương hiệu và bảng tên của quán không có gì thay đổi trong mắt người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nó lại tạo ra những DN đăng ký với những cái tên hết sức buồn cười.
Bạn không xa lạ gì với chuỗi bánh mì Subway nổi tiếng hay cửa hàng cà phê NYDC? Tuy nhiên, có thể bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn lạ lẫm với tên đăng ký của những doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Cà phê New York dessert cafe (NYDC)
Tên doanh nghiệp : CTCP Nhà hàng Nam Yến Đại Cát
Giữ được đúng ký tự viết tắt là 4 chữ NYDC nhưng cái tên đăng ký DN lại cho chúng ta cảm giác quán cà phê từ Singapore này liên quan đến ... Trung Quốc nhiều hơn là New York.
NYDC đã đóng cửa nhà hàng cuối cùng tại Việt Nam vào giữa năm nay.
Nhà hàng Au Parc
Tên doanh nghiệp: Công ty TNHH Ăn uống Pha Ánh Ráng Chiều
Nhà hàng kiểu Pháp chắc chắn phải vắt óc suy nghĩ mới có thể đưa ra một cái tên hay đến như vậy, dù ý nghĩa của nó có phần hơi khó hiểu.
Quán cà phê Insomnia
Tên doanh nghiệp: Doanh nghiệp TN nhà hàng In sớm ni á
Với những từ có quá nhiều ký tự như Insomnia (mất ngủ), sẽ là không khả thi nếu làm theo cách của NYDC hay Au Parc.
Thay vào đó, DN này đã chọn cách "đánh vần" luôn tên của mình: In sớm ni á
Một cốc cà phê thực sự sẽ là giải pháp tốt giúp bạn tỉnh táo cho một ngày làm việc mới. Tuy nhiên cái tên đăng ký doanh nghiệp của quán cà phê này có lẽ đủ sức giúp bạn chữa trị chứng mất ngủ.
Nhà hàng VN. Halal
Tên doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Nhà hàng Viết Nam Ha la la
Trong ngôn ngữ Ả Rập, Halal có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”. Nhà hàng phục vụ đồ ăn Malaysia này muốn ám chỉ rằng họ phục vụ những món ăn đúng chuẩn.
Không muốn đánh mất cái tên này khi đăng ký doanh nghiệp, nhà hàng này đã chọn cách tương tự cà phê Insomnia.
Nhà hàng Pháp Annamite
Tên doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV TMDV du lịch nhà hàng An Na Mi Te
Nhà hàng kiểu Pháp có tên tách ra không hề dễ đọc và mất khá lâu để người ta mới nghĩ ra chữ An Nam.
Bánh mì Subway
Tên doanh nghiệp: Công ty TNHH Đường Ngầm
Việc dịch thẳng tên từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt cũng được một số DN áp dụng khi đăng ký kinh doanh. Subway là một ví dụ.
Subway là thương hiệu đồ ăn nhanh phục vụ bánh mì kiểu Việt Nam nổi tiếng trên toàn thế giới. Cụm từ Subway giúp chúng ta liên tưởng hình ảnh ổ bánh mì của cửa hàng này. Tuy nhiên, cái tên công ty TNHH Đường Ngầm thì chẳng hề mang lại chút liên tưởng nào đến ngành nghề kinh doanh của công ty này.
Nhà hàng MISSY ROO
Tên doanh nghiệp: Doanh nghiệp Tư nhân nhà hàng Cô Canguru
Tương tự, Missy Roo dịch ra chắc chắn là Cô Cangaru rồi, và nhớ phải viết là Cangaru chứ không phải Kangaroo.
Công ty Sunrider VN
Tên doanh nghiệp: Công ty TNHH Thương mại quốc tế Vina Người Lái Xe Mặt Trời
Có lẽ đây là một trong những cái tên được Việt hóa hay nhất. Tuy nhiên, đừng nhầm rằng công ty này kinh doanh vận tải hay cho thuê xe. Ngành nghề kinh doanh chính tại Việt Nam của Sunrider là bán nước hoa, mĩ phẩm và thực phẩm chức năng.
Còn rất nhiều cái tên thú vị khác như Công ty TNHH MTV Nhà hàng Bo o marang, Công ty TNHH Nhà hàng chay Túp Lều Tình Yêu Hoa Đăng, Công ty TNHH MTV Nhà hàng O Lé, Công ty TNHH Nhà hàng và cà fê Quan Malay,...
Với cách biến hóa đầy tài tính như trên, chúng ta có thể thấy các óc sáng tạo của DN Việt quả là không giới hạn, đặc biệt là trước những vấn đề với pháp luật.
>>> Mời quý độc giả xem video Top tỷ phú giàu nhất Việt Nam 2015 (nguồn Youtube):