Phương Trang “phản pháo” vụ tung tin nợ xấu hơn 3.000 tỷ

Google News

Công ty Phương Trang cân đang nhắc việc khởi kiện Ngân hàng Xây dựng (CB) vì cho rằng ngân hàng này thiếu trách nhiệm trong xử lý khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng.

Công ty Phương Trang khẳng định, Ngân hàng Xây dựng (CB) thiếu trách nhiệm trong xử lý khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng doanh nghiệp vay tại ngân hàng, khiến doanh nghiệp bị "giam" hơn 14.000 tỷ đồng trong 4 năm qua.
Phương Trang cân nhắc việc khởi kiện CB
Mới đây, CB (ngân hàng vừa chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank), bất ngờ có thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí về việc ngân hàng này đã triển khai hàng loạt động thái cải tổ hoạt động, tích cực củng cố, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, kiên quyết xử lý triệt để các nhóm nợ xấu lớn trong năm 2016. Trong các nhóm nợ xấu lớn đã và đang được CB tập trung xử lý, có gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Công ty CP xe khách Phương Trang (Công ty Phương Trang) đã được CB khởi kiện trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015. Đồng thời, từ nay đến hết năm 2016, CB sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang.
Phương Trang đang cân nhắc việc khởi kiện Ngân hàng Xây dựng (CB) (Ảnh minh họa) 
“Nhóm nợ Công ty Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn đọng suốt nhiều năm qua từ thời NHCP với hồ sơ pháp lý khá phức tạp tại CB. Việc xúc tiến xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến nhóm nợ Công ty Phương Trang sẽ là khởi đầu khả quan, để CB có cơ sở xử lý tích cực các nhóm nợ xấu trong năm 2016”, thông cáo báo chí viết.
Ngay sau khi thông tin được CB phát đi, Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Phương Trang có văn bản phản pháo. Trước hết, việc CB gửi thông cáo đã nhầm pháp nhân từ CTCP Đầu tư Phương Trang, thành CTCP xe khách Phương Trang, đây là hai pháp nhân độc lập. Theo lãnh đạo CTCP Xe khách Phương Trang, việc nhầm nhọt này dẫn tới nhiều báo đã hiểu sai, đặt vấn đề xe khách Phương Trang (một DN vận tải khách lớn) đang làm ăn phát đạt, thu tiền tươi của khách vì sao lại nợ xấu hàng ngàn tỷ? Sự nhầm lẫn này gây ảnh hướng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Công ty Phương Trang, việc chậm xử lý nợ của CTCP Đầu tư Phương Trang (Phương Trang) là hoàn toàn do lỗi của CB chứ không phải từ doanh nghiệp. “Với cung cách làm việc khi tiếp quản và thừa hành công vụ như các vị trong Ban lãnh đạo mới của Ngân hàng Xây dựng đối với cấp trên, với các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay, nếu không có sự sửa đổi thì chúng tôi sẽ gửi đơn khiếu nại và khởi kiện lên các cơ quan có thẩm quyền vì sự vô cảm, vô trách nhiệm, dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp phải tiếp tục gánh chịu những thiệt hại nặng nề đến nay”, công văn số số 38 của Phương Trang gửi CB ngày 24/5 nhấn mạnh.
Ngân hàng chậm xử lý, doanh nghiệp bị "giam" hơn 14.000 tỷ
Theo ông Phạm Đăng Quan, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Phương Trang, dẫn chứng với PV Báo Giao thông về sự thiếu trách nhiệm trong xử lý khoản nợ của Phương Trang. Cụ thể, tại Công văn số 467 của CB ngày 19/5/2016, CB xác nhận: Để xử lý khoản nợ tại CB, ngày 27/4/2014 và ngày 6/1/2015, Phương Trang đã có công văn đề nghị và đưa ra lộ trình hoán đổi một số tài sản doanh nghiệp đang thế chấp tại ngân hàng (có tổng trị giá hơn 14.000 tỷ đồng - theo định giá của CB), trong đó có sổ tiết kiệm có giá trị tương đương giá trị tài sản bảo đảm thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, đến ngày 5/2/2015, CB mới có Công văn (số 362) gửi Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNH), NHNN Chi nhánh tỉnh Long An và Ban Kiểm soát đặc biệt CB phê duyệt đề nghị của khách hàng và ngày 9/4 tiếp tục có Công văn 958 gửi Thống đốc NHNN và các cơ quan liên quan cũng với nội dung này. Ngày 7/5/2015, Hội đồng thành viên CB họp về phương án đảo chấp tài sản đảm bảo của Phương Trang, song cũng không đưa ra được biện pháp nào khác ngoài việc gửi lại công văn đến các cơ quan chức năng một lần nữa.
Sau hơn một năm, đến ngày 4/4/2016, CB mới nhận được văn bản của NHNN về việc xử lý nợ của Phương Trang. Trong đó, yêu cầu kiểm tra các tài sản bảo đảm của nhóm Phương Trang để xử lý dần những tài sản thỏa thuận với Phương Trang, cụ thể là 210 xe ô tô".
Ông Quan cho biết, sau khi NHNN đã có chỉ đạo giải quyết các vấn đề của Phương Trang ngày 4/4/2016, CB chưa có cuộc họp nào với Phương Trang, cũng chưa đưa được hướng giải quyết, song lại phát đi thông cáo báo chí loan tin việc khởi kiện Phương Trang về khoản "nợ xấu" hơn 3.000 tỷ đồng là hoàn toàn thiếu chính xác. "Khoản nợ của Phương Trang không phải là nợ xấu mà là do sự tắc trách, vô trách nhiệm của ngân hàng khi không đưa ra bất cứ phương án xử lý nào trong suốt một thời gian dài. Thậm chí, ngay cả khi doanh nghiệp chủ động đề xuất phương án xử lý nợ, CB cũng lần lữa. Mặt khác, chúng tôi nợ CB tổng cộng 3.436 tỷ đồng, nhưng có tài sản thế chấp tới 14.000 tỷ đồng. Và toàn bộ khối tài sản này của Phương Trang đã bị "giam" tại NH trong suốt 4 năm nay, gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Quan bức xúc.
Nghi vấn lập hồ sơ khống rút ruột ngân hàng?
Ngoài vấn đề tắc trách trong xử lý nợ, công bố thông tin thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, Phương Trang cũng cho biết, có nhiều khuất tất chưa được làm rõ về khoản nợ của Phương Trang tại CB.
Cụ thể, theo hồ sơ, sổ sách và chứng từ kế toán lưu tại CB, từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) đã giải ngân cho CTCP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh tổng số tiền 16.486 tỷ đồng, bao gồm 83 khoản vay và 01 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có 47 khoản vay và 01 khoản mua bán trái phiếu còn dư nợ gốc 9.437/9.469 tỷ đồng tổng số tiền đã giải ngân.
Tuy nhiên, theo kết quả đối chiếu nợ vay giữa Phương Trang và CB (có biên bản đối chiếu nợ vay và biên bản làm việc giữa hai bên), đại diện Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh chỉ nhận được 3.436 tỷ đồng. "Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các số liệu do CTCP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh cung cấp", ông Quan khẳng định.
Trước kết quả đối chiếu có sự chênh lệch quá lớn này, CB cho biết sẽ phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ, số tiền Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh đứng tên vay nhưng không nhận được hoặc nhận không đủ số tiền vay ghi trong Hợp đồng tín dụng (hơn 6.000 tỷ đồng).
Liên quan đến khoản chênh lệch này, theo thông tin Báo Giao thông nắm được, đại diện ngân hàng Đại Tín (nay là CB) đã không chứng minh được nguồn tiền cũng như các chứng từ liên quan. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là có hay không việc một số cá nhân của Đại Tín đã lập hồ sơ, nâng khống số tiền vay của Phương Trang để "rút ruột" ngân hàng?
Theo Báo Giao Thông

Bình luận(0)