Những cuộc tranh cãi nảy lửa về đường bay thẳng HN - TPHCM

Google News

(Kiến Thức) - Nhân sự kiện Cục HKVN thành lập “nhóm nghiên cứu đặc biệt” đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM, Ts Trần Đình Bá có bài viết về vấn đề này.

Có thể nói, trong lịch sử khoa học kinh tế và khoa học công nghệ Việt Nam chưa có một cuộc hội thảo nào diễn ra cởi mở công khai, khẩn trương, nghiêm túc và thu hút công luận đến thế do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA), thành viên của liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đứng ra tổ chức vào ngày 6/12/2012 với chủ đề “Hiệu quả kinh tế đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM theo dọc kinh tuyến 1060 đông”.
Sáng kiến đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM của cựu phi công Mai Trọng Tuấn nêu ra từ năm 1986 đã thu hút dư luận, năm 2009 được Thủ tướng quan tâm chỉ thị cho nghiên cứu áp dụng theo kiến nghị của tác giả. Tên gọi “Đường bay vàng” xuất hiện từ đó, không phải do ông đặt tên mà do công luận tôn vinh vì theo tác giả sẽ nó sẽ tiết kiệm khoảng 13 phút bay của quãng đường, tiết kiệm khoảng 120 km – đó là một con số quý giá trong kinh tế hàng không và với đường bay chủ lực bắc nam có tần suất cao nhất lúc đó là 60 chuyến/ngày đêm.
 Đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM đã gây nhiều tranh cãi.
Hội thảo tháng 8/2009 tổ chức tại TP HCM theo chỉ đạo của Thủ tướng đã được công luận đặc biệt quan tâm, nhiều phát biểu ủng hộ sáng kiến và kiến nghị lãnh đạo ngành hàng không nhanh chóng áp dụng để mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội và cho ngành. Tiêu chí của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) lúc đó là “tiết kiệm được 1 phút cũng là quý”! Vậy mà sau khi các ý kiến phát biểu ủng hộ nhận được nhiều tràng pháo tay thay cho lời khen ngợi thì nhóm chuyên viên cao cấp Vietnam Airlines (VNA) vừa từ Hà Nội bay vào lại cho rằng: theo tính toán của họ, tiết kiệm 111 km, khoảng 9 phút nhưng sau khi hạch toán xăng dầu, chi phí thuê nhân công, chi phí trả lệ phí quá cảnh thì kết quả là số âm. Điều này có nghĩa là đường bay thẳng sẽ gây lỗ cả về thời gian bay và nhiên liệu với Airbus 320 là 404 USD và Boeing 777 là lãi thời gian bay 42 USD nhưng lỗ về nhiên liệu là 169,5 USD.
Số liệu VNA đưa ra giữa hội thảo như một gáo nước lạnh dội vào hội trường, kèm theo đó là ý kiến của cục HKVN nêu ra những khó khăn về phân chia vùng trời, vùng cấm bay, vấn đề bay qua Lào và Campuchia không đảm bảo an ninh và không đúng nguyên tắc của đường bay nội địa... Cuộc hội thảo kết thúc tại đó. Sau khi về đến Hà Nội, Cục HKVN lập văn bản báo cáo lên Chính phủ số liệu được tính toán đối chứng chỉ tiết kiệm 50 km và 2,5 phút bay và viết thư trả lời cho tác giả sáng kiến rằng không thể áp dụng đường bay này.
Nhìn trên bản đồ do ngành hàng không công khai thì cũng không thể một ai tin nổi, dù chỉ là cách tính tương đối bằng phép toán số học cộng các đường bay vòng để so sánh với đường bay thẳng bằng số Km chênh lệch để tìm ra con số tiết kiệm thời gian, nhiên liệu. Đã có một cuộc thách đấu khoa học “triệu đô” gây chấn động dư luận vào thời điểm đó.
BCH TW Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã thống nhất và quyết định tổ chức hội thảo theo đúng chức năng phản biện xã hội và phản biện khoa học của mình, ngay tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở khu Ba Đình, để mọi người thuận tiện đến dự. Hội thảo diễn ra đúng lịch trình, bàn chủ tọa có 4 ủy viên thường trực hội do GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng - Chủ tịch VEA điều khiển. Các phóng viên truyền hình, báo chí khắp Thủ đô và từ TP HCM bay ra để cập thông tin nóng hổi về cuộc hội thảo.
Hội trường đã “nóng” dần lên sau các tham luận và lãnh đạo Cục HK trình bày. Điều đáng nói là chỉ thấy toàn lãnh đạo Cục HK mà không có đại diện của một hãng hàng không nào, kể cả VNA. Vô hình chung, cuộc hội thảo chia thành hai phía rõ rệt: phía ủng hộ sáng kiến bay thẳng rất đông tập trung hầu hết là các chuyên gia HK, chuyên gia kinh tế Hội KHKTVN và phía quyết liệt phản đối sáng kiến đó là Cục HKVN. Họ cho rằng cách tính của cựu phi công Mai Trọng Tuấn là quá sơ sài đơn giản và không có cơ sở. Hết cả buổi sáng vẫn chưa kết thúc các tham luận và tranh luận. Cơm trưa phục vụ tại chỗ nhưng các phóng viên báo chí làm việc quên ăn, họ phỏng vấn lãnh đạo hội, các nhà khoa học, các diễn giả, lãnh đạo cục HK...
Trong buổi làm việc chiều, Cục HK giới thiệu Tiến sỹ Bùi văn Võ – trưởng phòng quản lý bay thời điểm đó - trình bày cách tính của đơn vị này. Ông Võ đưa ra tấm bản đồ đường bay, chỉ lên hành trình đã vạch sẵn và khẳng định rằng: “Theo bộ phận kỹ thuật và không lưu của Cục HK đã tính toán kỹ lưỡng thì đường bay này chỉ tiết kiệm 50 km và chỉ 2 phút 30 giây”.
Tuy nhiên, ngay lập tức, nhiều ý kiến phát biểu hoài nghi về con số vừa nêu. Bản đồ rất lớn và khoảng cách rất rõ ràng nên từ nhà khoa học đến nhà báo đều nhận ra bằng định tính. Chỉ cần nhìn tỷ lệ, dùng thước là có thể biết khoảng cách chênh lệch giữa đường gấp khúc và đường thẳng là khá xa, trên 130 km. Trước thắc mắc của nhiều người, lãnh đạo cục HK trả lời thẳng thắn rằng: “Các chuyên gia kinh tế kỹ thuật Cục HK đã mua phần mềm nước ngoài về tính toán và có ra thông số chỉ như vậy, đúng như vậy không có chỉnh sửa”. Trước ý kiến trên, hội thảo dường như đi đến bế tắc bởi lập luận đanh thép và số liệu “đóng băng” này.
Giáo sư Trần Phương vẫn trên ghế chủ tọa, giọng ông sang sảnh, rành rọt, điều khiển rạch ròi có lý có tình, gợi mở, cởi mở mà không hề gò ép hay cáu gắt . Ông từng là Bộ trưởng Nội Thương, phó Thủ tướng thời ở thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường 1982-1986 .Ông nổi tiếng với thái độ dám làm dám chịu. Giáo sư Trần Phương lúc đó đã nhấn mạnh: “Hiệu quả kinh tế đường bay là một đại lượng toán học phải được chứng minh”! Tiếp đó ông mời một chuyên gia về toán toán học cho biết về kết quả này. GSTS toán học Vũ Thiểu nhận xét thẳng thừng về lập trình bài toán phầm mềm nước ngoài. Ông cho biết việc lập trình, đưa thông số đầu vào có vấn đề nên cho ra kết quả phi thực tiễn đến kỳ lạ. Sau khi nghe GSTS Vũ Thiểu phân tích cặn kẽ rạch ròi, lãnh đạo Cục HKVN đã thừa nhận ngay lập tức rằng việc cho thông số đầu vào sai và hứa sẽ về xem xét lại chương trình cũng như cách nhập thông số đầu vào và kết quả tính toán.
Hội thảo được giải tỏa bế tắc ngay lập tức. Cũng với những lời nói rành rọt truyền cảm và rất tình cảm, GS Trần Phương nhắc mọi người bài toán có nhiều cách giải, nhiều công cụ đo lường song đáp số chỉ là duy nhất bởi vì nó chứa đựng tính pháp lý trong từng con số theo pháp lệnh kế toán thống kê và pháp lệnh đo lường. Lập tức ông đề nghị các bên phải có một cuộc gặp mặt để giải bài thuật toán và đi đến thống nhất cách giải để nhanh chóng áp dụng vào ngành hàng không. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay đồng tình.
Tuy nhiên, đáng tiếc là sau đó thì sự việc lại không như lời hứa và Đường bay thẳng Hà Nội – TP HCM vẫn bế tắc từ đó đến nay bởi kiến nghị “ngừng tranh luận đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM” được đơn phương đưa ra từ cục HKVN.
Mặc dù đã có tiếp một cuộc hội thảo “Hiệu quả kinh tế đường bay theo phương pháp Trần Đình Bá “ngày 13/2/2012. Theo lời mời của Bộ GTVT, tôi đã trình bày bằng thuật toán của mình và chứng minh trước hội thảo song vẫn bị bác với lý do: Không có cơ sở khoa học!
Tháng 9 năm nay, đường bay thẳng đang phát triển tốt đẹp vì mọi khó khăn trở ngại đã được tháo gỡ song bí quyết của đường bay thẳng vẫn là “Đại lượng toán học“ theo lời Giáo sư Trần Phương. Câu nói như là “kinh điển”, là “kim chỉ nam “ trong khoa học cho tất cả các nhà quản lý kinh tế đến khoa học công nghệ bởi khoa học là những con tính, là số hóa, nhất là trong thời đại “ kỹ thuật số” hiện nay.
Hai phút hay năm phút , mười phút...cũng phải tính, cũng phải chứng minh bằng “đại lượng toán học”. Đó là điều kiện tiên quyết cho sự thành bại của dự án này cả về hiệu quả và tính pháp lý bởi khoa học là như thế!
Tiến sĩ Trần Đình Bá

Bình luận(0)