Đường vòng gần hơn đường thẳng
- Cảm giác của ông thế nào khi Bộ trưởng Đinh La Thăng chính thức đặt vấn đề "đường bay vàng" với Campuchia, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu triển khai phương án mở đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Campuchia?
Đây không chỉ là việc khai thông đường bay mà còn là khai thông tư duy. Nó cho thấy sự coi trọng ý kiến các nhà khoa học của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nó cũng xuất phát từ thực tế ngành hàng không đang thua lỗ nặng quá, cần thiết phải có giải pháp để khắc phục.
- Nguyên lý "đường bay vàng" do ai đề xuất, các tính toán được đưa ra như thế nào?
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn, một người tâm huyết với hàng không đã đưa ra sáng kiến đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM (Đường bay Vàng) vào 2009 giúp rút ngắn 200km đường bay, tiết kiệm khoảng 15 phút bay. Nhưng ngay sau đó, nhóm chuyên gia cao cấp của Vietnam Airlines tính ra con số chặng bay rút ngắn được 111km và 9 phút bay nếu sử dụng đường bay thẳng của cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Trong khi đó, con số tính toán hiệu quả kinh tế nếu áp dụng chặng bay thẳng này của Cục Hàng không là 50km và chỉ tiết kiệm được 2,5 phút bay.
- Vì sao "đường bay vàng" có từ 2009 mà mãi cho đến nay mới được khởi động?
Một sự thật cay đắng là các cán bộ ở Cục Hàng không Việt Nam đang nhầm lẫn "chết người" vì một kiểu tư duy khoa học nặng về "định tính" mà không chịu tính toán về "định lượng". Họ vẫn bảo thủ. Tất cả các cách tính trên đều theo phương pháp số học, bằng cách cộng các đoạn gấp khúc trên đường bay hình quả chuối rồi trừ đi đường thẳng nối 2 điểm Hà Nội - TPHCM để ra được các con số 200km, 111km và 50km, để nói rằng đó là hiệu quả tiết kiệm.
- Trong suốt quá trình đó, "đường bay vàng" đi đến các cơ quan chức năng như thế nào?
Cả 2 cuộc hội thảo về "đường bay Vàng" theo chỉ đạo của Thủ tướng vào tháng 8/2009 và ngày 9/12/2009 đã hoàn toàn thất bại vì không đơn vị nào chịu nghe đơn vị nào và kết quả là sau đó Cục Hàng không Việt Nam đã làm công văn đề nghị Thủ tướng ra quyết định "Ngừng nghiên cứu đường bay Vàng" vào giữa tháng 12/2009. Lý do là bởi mỗi bên đều đưa ra một lý lẽ khác nhau, thành ra lùm xùm đến giờ.
- Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là?
Đây là sai lầm nghiêm trọng nhất của các chuyên gia Cục Hàng không Việt Nam khi không chịu lắng nghe, mà vẫn bảo thủ với kết luận "bay vòng vẫn hiệu quả hơn bay thẳng". Ai đời đường vòng lại gần hơn đường thẳng. Họ bảo thủ và chưa quan tâm đến ý kiến các nhà khoa học.
|
TS Trần Đình Bá, Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nói về “đường bay vàng”. |
- Vậy thì đường bay vòng hiện nay ta đang sử dụng có từ bao giờ?
Có từ thời vua Bảo Đại và cũng chỉ là đường bay mang tính ước lượng chứ không dựa trên tính toán hiệu quả nào. Thời đó là những chiếc "máy bay bà già" với tốc độ 120 - 200km/h, chỉ bay vòng vòng trong nội địa. Ngành hàng không sử dụng lại đường bay đó với suy nghĩ đó là đường bay nội địa, không phải trả phí cho quốc gia nào. Mà cũng chỉ có ở Việt Nam, việc sử dụng đường hàng không trong nước là không phải đóng thuế. Đúng kiểu "bay chùa", đường ta ta cứ bay.
- Theo ông thì việc duy trì đường bay vòng tác động thế nào đến ngành hàng không?
Đường bay Hà Nội - TPHCM có tần suất cao nhất 100 chuyến ngày/đêm mà hiệu quả chỉ đạt 73,2% còn lãng phí tới 26,8%, thời gian bay lãng phí là 26 phút. Tính bình quân đường bay này đang gây lãng phí tới 25% chí phí sản xuất. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ lãng phí tới 28,1%, đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí tới 38%. Con số lãng phí hằng năm tính được trên 25.000 giờ bay, gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330, thời giá hiện nay là 175 triệu USD.
- Thiệt hại đúng là quá lớn?
Mỗi năm hàng không "đốt" gần một chiếc máy bay trị giá 150 triệu USD, kèm theo đó là "đốt" lãng phí trên 60.000 tấn nhiên liệu, phải trả 25.000 giờ bay cho phi công ngoại, chi phí cho phi công, tiếp viên, nhân viên bay... thì Cục Hàng không Việt Nam đã "đốt trên trời" 300 triệu USD mỗi năm của tất cả các hãng hàng không.
- Vậy đổi mới đường bay có cứu được ngành hàng không?
Mọi doanh nghiệp muốn làm ăn có lãi phải tính được chính xác bài toán hiệu quả kinh tế giữa đầu vào, đầu ra... chi phí nhiên liệu nhân công, hao mòn thiết bị máy móc bằng "định lượng" chính xác từng giây từng phút, từng đồng hẳn hoi mà không phải là hời hợt theo kiểu "định tính". "Đường bay vàng" chắc chắn sẽ cứu ngành hàng không, còn người dân thì có quyền sử dụng dịch vụ hàng không với giá rẻ hơn nhiều so với hiện nay.
- Ông nói về ngành hàng không như vậy có quá lời?
Không hề. Hàng không Việt Nam đang thực sự bị khó khăn bởi quan điểm "bay vòng kinh tế hơn bay thẳng". Lâm vào khó khăn như hiện nay cũng là vì tư duy đó.
- "Đường bay vàng" có phải là chìa khóa cứu vãn ngành hàng không?
Tôi tin rằng nó chính là chiếc chìa khóa vàng. Nếu không mau chóng áp dụng, đổi mới, ngành hàng không sẽ sớm thua lỗ nặng.
Hàng không Việt Nam vẫn tụt hậu
- Ông có so sánh gì Hàng không Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới?
Có thể nói là tụt hậu trong khu vực, có chất lượng phục vụ thấp nhất so với các nước trong Asean. So với cả thế giới, có lẽ nó cũng nằm trong những nước tụt hậu.
- Tụt hậu ở những yếu tố nào thưa ông?
Tụt hậu ở chất lượng phục vụ, chậm chuyến, hủy chuyến liên tục. Năng lực vận tải ở một đất nước 90 triệu dân mà chỉ được có 12 triệu hành khách mỗi năm là quá ít, không đủ để nuôi 3,5 vạn nhân viên hàng không. Trong khi đó, đa số quốc gia, lượng vận chuyển phải gấp đôi gấp ba dân số. Gần nhất là Singapore có dân số khoảng 3 triệu người mà mỗi năm vận chuyển trên 30 triệu lượt hành khách.
- Người ta ít đi máy bay là vì giá của nó khá cao so với các phương tiện khác?
Đúng thế, giá quá cao. Hơn nữa là không có nhiều máy bay để sử dụng. Mà trong khi đó họ lại đang lãng phí hàng nghìn giờ bay mỗi năm. Nếu năm 2012 mà áp dụng "đường bay vàng" thì đến giờ tình trạng thua lỗ của ngành hàng không đã không đến mức thê thảm như thế này.
- Ở góc độ kinh doanh thì ngành hàng không sẽ phải chào đón các giải pháp mang lại lợi nhuận chứ?
Đương nhiên là thế.
- Sao họ chưa làm thế?
Họ chẳng được gì cả. Một giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích cho đất nước mà họ lại không áp dụng.
- Khi điều chỉnh đường bay thẳng qua không phận Campuchia thì chúng ta sẽ phải đóng phí?
Phí này so với lãng phí chúng ta đang có không đáng là bao nhiêu. Mỗi chuyến bay thẳng Hà Nội - TPHCM chúng ta đang lãng phí 5.000USD, trong khi đó phí cho mỗi chuyến bay phải đóng là 700USD. Thế thì ai có lời hơn?
- Nhưng khi điều chỉnh như vậy thì an ninh hàng không có đảm bảo?
Câu hỏi đó rất buồn cười. Bây giờ xu thế hội nhập rồi, các quốc gia cùng nhau hợp tác khai thác vùng trời phát triển kinh tế. Các nước khác họ cũng làm như vậy mà.
- Ông đeo đuổi "đường bay vàng" khá nhiều năm rồi, có người bảo ông làm thế để đánh bóng tên tuổi thôi, ông nghĩ gì?
Tôi chỉ có mục đích duy nhất là cứu được ngành hàng không khỏi phá sản, giảm thiểu tai nạn và áp lực lên giao thông đường bộ vì khi người ta đi máy bay nhiều hơn thì tai nạn đường bộ sẽ giảm.
- Xin cảm ơn ông!
Khoa học phải nói bằng định lượng, bằng chứng cứ, số liệu đủ căn cứ. Nếu để đánh bóng tên tuổi thì tôi có nhiều cách, không cần phải vất vả đến thế. Tôi tin, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhìn ra cái lợi của "đường bay vàng" nên mới hành động như vậy.