Nhìn lại loạt cú “phốt” khiến Ngân hàng Vietcombank mất dần uy tín

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian qua Ngân hàng Vietcombank liên tục gặp phải nhiều sự cố khiến khách hàng hoang mang, lo lắng, mất niềm tin...

Hàng loạt các sự cố như khách hàng của bất ngờ mất 500 triệu chỉ trong một đêm, rồi từ chối cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo nghị định, cho đến việc bị kiện vì... 5.500 đồng,.... khiến khách hàng của ngân hàng Vietcombank hoang mang, lo lắng và đang dần mất  mất niềm tin...
Chủ thẻ Vietcombank bỗng dưng mất 500 triệu đồng chỉ qua một đêm
Vụ việc gần đây gây sốc trong dư luận phải kể đến vụ chủ thẻ của Vietcombank ngủ dậy bất ngờ mất 500 triệu trong tài khoản.
Theo đó, vào lúc 23h18, ngày 4/8/2016, tài khoản số 0011001156xxx của chị Hoàng Thị Na Hương (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị người khác chuyển 100.000.000 đồng thông qua giao dịch Interenet banking. Tiếp đó vào lúc 00h56 ngày 5/8, hai giao giao dịch nữa cũng được báo với số tiền 100.000.000 đồng. Đến 5h17 ngày 5/8, lại thêm 3 giao dịch khác, mỗi giao dịch có số tiền 100.000.000 đồng. Tổng cộng thẻ của chị đã bị thực hiện 7 giao dịch và chuyển đi 500.000.000 đồng.
Sáng hôm sau, chị Hương nhận được tin nhắn báo số dư tài khoản với số tiền bị chuyển là 500 triệu đồng. Đáng chú ý là chị Hương không nhận được tin nhắn mã OTP như các giao dịch trước đó. Sau đó, chị Hương đã gọi điện cho Vietcombank để thông báo và khóa tài khoản vào lúc 7h50 ngày 5/8/2016.
 Chị Hương bất ngờ mất 500 triệu sau khi thức dậy.
Đến chiều ngày 11/8/2016, Vietcombank đã có buổi làm việc với chị Hương, cùng tham gia có luật sư do chị Hương mời.
Theo Vietcombank, việc mất tiền trong tài khoản xảy ra bởi chị Hương bị đánh cắp thông tin tài khoản do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng (có địa http chỉ //creatingacreator.com/kob/1/index.htm) vào ngày 28/7/2016 qua máy điện thoại cá nhân. Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp, sau đó tài khoản khách hàng đã bị lợi dụng vào đêm ngày 03 rạng sáng ngày 04/8/2016.
Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Vietcombank đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank.
Vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Vietcombank từ chối cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định
Trước đó, vụ việc không cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ông lớn Vietcombank này.
Cụ thể, theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Thông tư 22/2014/TT-NHNN ngày 15/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vietcombank phải nghiêm túc thực hiện việc xây dựng và triển khai gói sản phẩm tín dụng hỗ trợ phát triển thủy sản trong đó có cho vay đóng tàu để hành nghề đánh bắt trên biển.
Thế nhưng, ngư dân Quảng Ngãi cho hay, sau một năm loay hoay với các thủ tục, họ vẫn không tiếp cận được vốn vay của nhà nước để đóng tàu. Người dân tố ngân hàng Vietcombank làm khó họ.
 Vietcombank từ chối cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Chung - Phó giám đốc ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi cho rằng việc cho ngư dân vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ gây thua lỗ cho ngân hàng.
Tối 24/6/2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã chính thức lên tiếng về việc này.
Hàng loạt cán bộ Vietcombank chi nhánh Tây Đô bị khởi tố và kỷ luật
Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank) đã ra quyết định cách chức ông Nguyễn Minh Chuyển và ông Trần Anh Huy cùng Kiều Lưu Phúc Quân (phó phòng), Đỗ Bảo Phong Quế (phó phòng), Nguyễn Thị Mỹ Linh (trưởng phòng Khách hàng) và Trương Thị Sóc Khanh (trưởng phòng Quản lý nợ) xuống làm nhân viên thu hồi nợ. Ngoài ra, còn 12 cán bộ nhân viên khác cũng bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau như kéo dài thời gian nâng lương, không xét thi đua khen thưởng...
  Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Được biết, các bị can bị khởi tố và các cán bộ bị kỷ luật có liên quan đến các sai phạm trong ký kết hợp đồng tín dụng đã dẫn tới nợ đọng khó đòi kéo dài lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Theo một báo cáo kiểm toán nội, tính đến đầu năm 2015, bộ phận kiểm toán phát hiện có đến khoảng 2.300 tỉ đồng nằm trong nhóm khách hàng dạng có hợp đồng vay sai qui trình, dẫn tới nợ xấu, chiếm trên 47% tổng dư nợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Tây Đô.
Ngân hàng Vietcombank bị kiện vì... 5.500 đồng
Ông Quang, một khách hàng của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) ở TP HCM, ngày 3/4/2013, ông đến trụ ATM của ngân hàng VCB để rút 15 triệu đồng. Mọi khi ông chỉ cần giao dịch ba lần (mỗi lần được rút 5 triệu đồng), tốn phí rút tiền là 3.300 đồng.
Tuy nhiên, thời điểm đó, trụ ATM ở đây chỉ còn tiền mệnh giá 50.000 đồng nên ông buộc phải rút đến tám lần, mỗi lần được 1.750.000 đồng, mất 8.800 đồng tiền phí mà vẫn chưa đủ số tiền định rút.
Bực mình khi mất thêm 5.500 đồng so với mọi khi mà chưa đủ số tiền cần có, ông Quang vào phòng giao dịch của VCB ở địa chỉ trên khiếu nại. VCB đã tiếp xúc và giải thích, nhưng ông không hài lòng và đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu VCB trả lại… 5.500 đồng.
 Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tòa án Nhân dân quận 1 (nơi VCB đặt trụ sở) đã thụ lý vụ kiện. Và ông Quang cũng đã đóng tạm ứng án phí 200.000 đồng theo thông báo của tòa này. Cuối tháng 9/2013, tòa đã tiến hành hòa giải nhưng bất thành.
Vị khách tự tin nói về việc đòi lại 5.500 đồng: "Việc đi kiện là nhằm để ngân hàng nhận lỗi, công khai sửa chữa. Đây là thiện chí xây dựng chứ không phải phá hoại".
Hồng Liên (Tổng hợp)

Bình luận(0)