Phản cảm hay không phản cảm?
Ngay khi sự việc
nông dân đổ sữa ra đường xảy ra, nhiều luồng dư luận đã cho rằng, dù vì bất cứ lý do gì thì đây là hình ảnh khá phản cảm. Bởi trẻ em Việt Nam đang phải uống sữa với
giá đắt nhất nhì thế giới, thậm chí còn rất nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện được uống sữa, thế mà sữa bò lại đang bị đổ ra đường một cách vô tội vạ như thế này. Hơn nữa, không chỉ diễn ra ở Đà Lạt mà tình trạng này nguy cơ sẽ lặp lại ở nhiều nơi cũng đang lâm cảnh khốn khó như Sóc Trăng, Long An, Lâm Đồng, Hà Nội.
|
Cảnh người dân Đà Lạt đổ sữa ra đường. Ảnh: Người Lao động.
|
Nhưng nếu nhìn sự việc này dưới nhiều góc độ, “mổ xẻ” vấn đề ra thì mới thấy hết được nỗi khổ của người nông dân nuôi sữa bò, phần thiệt thòi luôn luôn thuộc về họ.
Thực tế thì không phải đến bây giờ người nông dân nuôi bò sữa mới lường được thực trạng không có “đầu ra” cho sản phẩm. Mà cách đây khoảng một tháng đã rộ lên thông tin các công ty sữa bỗng siết chặt việc mua sữa, sữa thừa sản lượng không mua. Điều này khiến nhiều nông dân phải chạy vạy ngược xuôi, thậm chí ở Gia Lâm, Hà Nội đã có cảnh nông dân ra quốc lộ bán sữa với giá rẻ để vớt vát phần nào vốn.
Than thở với các cơ quan truyền thông, nhiều người nông dân tiết lộ, họ đã được doanh nghiệp động viên nuôi bò để tăng đàn. Giờ đây, sau khi đã vay tiền ngân hàng để mua bò, làm trại, mua máy móc thì doanh nghiệp đột ngột giảm sản lượng thu mua sữa đã đẩy họ vào nguy cơ phá sản. Và đỉnh điểm của sự bức xúc chính là hành động đổ hàng nghìn lít sữa tươi ra đường của nông dân Lâm Đồng.
Doanh nghiệp nói gì?
Tại Đà Lạt, người dân mang sữa đến trước trạm thu mua của Công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk) để phản đối việc siết chặt thu mua sữa của doanh nghiệp này. Trong bối cảnh này, Dalat Milk thừa nhận, chỉ có thể thu mua khoảng 6,5 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày, nhưng từ tháng 8-2014 đến nay, sản lượng sữa tươi do nông dân sản xuất hơn 9 tấn/ngày, vượt quá năng lực sản xuất, kinh doanh của công ty. Vì vậy, Dalat Milk đã ra văn bản về việc thu mua sữa bò nguyên liệu của 132 nông dân theo định mức 16 kg/ngày/con.
Trong khi đó, các công ty sữa khác thì cho rằng, một số hộ nông dân không ký hợp đồng với công ty, đến mùa đông sản lượng sữa tăng, người dân thừa sữa mới quay lại “đòi hỏi” doanh nghiệp nhập toàn bộ. Trong khi vào mùa hè, doanh nghiệp cần nhiều sữa thì nông dân lại ham lợi, tự ý bán ra bên ngoài để lấy giá cao hơn.
Dù doanh nghiệp cũng có “cái lý” của riêng mình, vì mục tiêu là lợi nhuận. Song suy đến cùng, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì nguồn cơn của vấn đề này không hoàn toàn do người dân hay do doanh nghiệp. Mà chính là do sự thiếu phối kết hợp của các bên liên quan. Đây chính là điều kiện khiến đàn bò sữa tăng nhanh chóng mặt, khiến sản lượng sữa thu về cũng vượt trội, khiến “đầu cung” cao bất ngờ.
Ông Lê Văn Minh - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng - cho rằng do năm 2013 sữa bò bán được giá cao nên người dân phát triển ồ ạt đàn bò. Tính đến cuối năm 2014, tổng đàn bò sữa của các các hộ chăn nuôi cá thể tại tỉnh Lâm Đồng khoảng 14.000 con. Riêng hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương chiếm khoảng 12.000 con. Số đàn bò vượt xa tính toán của tỉnh, bằng chỉ tiêu trong quy hoạch đàn bò của tỉnh đến năm 2020. Điều này là nguyên nhân chính đẩy sản lượng sữa mỗi ngày của bà con nông dân lên đến 100 tấn, trong khi khả năng thu mua của doanh nghiệp chỉ là 47 tấn.
“Không tăng đàn bò sữa thời gian này” là chính sách đầu tiên được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nói đến để hạn chế nghịch lý trên thị trường sữa. Xong xem ra, đó là biện pháp dài hơi, đòi hỏi cả một quá trình, trong khi người nông dân nuôi bò sữa đang phải đối diện với biết bao khốn khó, nhiều hộ đã phải “cắn răng” biến đàn bò sữa của mình thành bò thịt để vớt vát lại vốn liếng đã bỏ ra.