Một số bạn đọc đã liên hệ với VnEconomy, đề cập đến dự tính này. Bởi lẽ, nắm giữ USD để có bước tăng 2% chỉ trong khoảng hai tháng là một lợi ích đáng để cân nhắc, hấp dẫn hơn gửi tiền đồng với lãi suất thấp cùng thời hạn đó.
|
Tỷ giá USD/VND khó tăng một bước tới 2% chỉ trong thời gian ngắn. |
Dự tính trên xuất phát từ một số thông tin gần đây, dẫn lại nội dung trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Một số nguồn nêu khẳng định mức tăng tỷ giá USD/VND được ấn định 2% vào cuối năm nay, do VND đang bị định giá cao… Hướng khác để cập đến ở định hướng 2% đó là khả năng điều chỉnh tối đa.
Cuộc phỏng vấn trên diễn ra cuối tháng 9/2013, nhưng điểm liên quan đến điều hành tỷ giá mới thực sự được chú ý trong nhiều kênh thông tin gần đây. Trong khi thị trường ngoại hối vẫn không có phản ứng rõ nét nào, thậm chí trong các ngày 10 và 11/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại mua vào ngoại tệ trước nguồn cung thuận lợi.
Tuy nhiên, trong những cuộc gọi, tin nhắn trao đổi với phóng viên, những người liên hệ đều cho biết sẽ quyết định găm giữ, thậm chí tìm cách gom mua USD để đón khả năng “một bước tăng 2%” nói trên. Nếu quyết định này là một xu hướng và mở rộng chắc chắn sẽ tạo phản ứng khác biệt trên thị trường sau quãng thời gian ổn định.
Nhưng khi đề cập đến tình huống này, một nguồn tin có thẩm quyền tỏ ra bất ngờ với khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tăng một bước 2% như vậy, nhất là vào cuối năm. Ông cho rằng, công chúng cần tiếp cận kỹ nội dung trả lời của Thủ tướng.
Tại cuộc phỏng vấn đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ dự kiến sẽ phá giá tiền đồng tối đa là 2% từ nay đến cuối năm; tỷ lệ điều chỉnh bao nhiêu tùy thuộc vào diễn biến thị trường.
Nguồn tin trên cho rằng, thông điệp của Thủ tướng cũng là chủ trương và định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua. Trong năm nay tỷ giá USD/VND được giữ ổn định, nếu tăng sẽ không quá 2 - 3%. Theo đó, nếu có điều chỉnh vào cuối năm nay, mức tăng tối đa sẽ không quá 2%, sau khi tăng 1% vào ngày 28/6/2013.
“Dự tính từ nay đến cuối năm, thậm chí cả quãng cao điểm Tết Nguyên đán, tỷ giá sẽ vẫn được giữ ổn định. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua cũng khẳng định định hướng này”, nguồn tin của VnEconomy chia sẻ.
Xét ở chiều ngược lại, giả sử chỉ trong thời gian ngắn từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng thêm 2%, thì điều này sẽ mâu thuẫn với định hướng đã và đang điều hành.
Mức tăng 2% chỉ trong thời gian ngắn là một bước mạnh, phá vỡ sự ổn định của tỷ giá USD/VND và có thể khiến người dân và doanh nghiệp “giật mình”. Trước đây, phản ứng thường thấy sẽ là sự phòng thủ, găm giữ ngoại tệ hoặc những xáo trộn dễ xẩy ra trên thị trường, hay trong hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Trong khi đó, ở góc nhìn của chuyên gia, từ cuối năm 2012 đã có một số quan điểm cho rằng, nếu phá giá VND là điều nên làm hoặc phải làm, thì nhà điều hành cần chọn một hướng phân tán tác động; tỷ giá USD/VND cần điều chỉnh theo cách trườn bò từng bước.
Hay theo cách nói hình ảnh của một chuyên gia, rằng: để lên ngọn núi cao, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần để thị trường làm quen với từng bậc thang, thay vì nhảy dù đột ngột có thể khiến người dân và doanh nghiệp “giật mình”, thị trường có thể xáo trộn.
Nếu phá giá tiền đồng 2% chỉ trong vài tháng cuối năm nay, thì có thể tạo một cú nhảy dù đột ngột như vậy. Điều này hẳn là khó xảy ra.