Hiện tại, chênh lệch giá vàng nội - ngoại đang trên đà được cải thiện, ở mức 3,65 triệu đồng/lượng so với mức hơn 4 triệu đồng cách đây vài ngày.
Cụ thể, lúc 9h19 sáng 8/4, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 41,18 - 41,43 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Hà Nội của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào - bán ra ở ngưỡng 43,33 - 43,45 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ so với cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới giao ngay theo Kitco hiện đứng ở 1.576,8 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới đang xấp xỉ 39,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước 3,65 triệu đồng/lượng.
|
Ảnh minh họa. |
Dư luận cho rằng, đây là kết quả của những nỗ lực nhằm bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Trong tuần qua, cơ quan này đã tổ chức hai phiên đấu thầu vàng miếng vào ngày 4/4 và 5/4. Tổng cộng, qua ba phiên đấu thầu kể từ ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra được tổng cộng 53.400 lượng vàng. Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến trong tuần này sẽ tiếp tục tổ chức 3 phiên
đấu thầu bán vàng miếng vào các ngày thứ ba (9/4), thứ tư (10/4) và thứ
sáu (12/4).
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc bình ổn thị trường phụ thuộc vào ba yếu tố: lượng vàng miếng đưa ra có đáp ứng được quy luật cung cầu, khách hàng có niềm tin mua vàng và sự quản lý của cơ quan chức năng.
"Một khi Chính phủ có bước đi phù hợp trong quản lý thị trường vàng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước - quốc tế có thể được thu hẹp lại, tạo lập lòng tin của thị trường và khi đó, nhu cầu mua - bán trên thị trường vàng cũng trở nên hài hòa hơn. Nếu chúng ta làm tốt những việc trên, thì giá vàng trong nước sẽ phụ thuộc vào sự tăng giảm của giá vàng thế giới", ông Kiêm phân tích.
Các chuyên gia khác cũng tỏ thái độ khá lạc quan về việc bình ổn thị trường vốn được coi là luôn "nóng" và "nhạy cảm" này. Trả lời báo giới, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Tiên Phong - TienPhong Bank đánh giá:
"Phiên đấu thầu lần thứ nhất không thành công, chỉ bán được 2.000 lượng vàng, do Ngân hàng Nhà nước chịu quá nhiều áp lực, đặt giá chào bán cao hơn giá thị trường tại thời điểm đó. Giá chào bán khác xa so với mức giá mà Ngân hàng Nhà nước đang muốn bán với một khối lượng lớn, quá xa so với mong muốn của các doanh nghiệp - họ muốn mua ở cái giá phản ánh đúng thị trường tại thời điểm đó. Phiên đầu, giá chào bán chênh cao hơn 500 nghìn đồng/lượng so với giá thị trường là bất hợp lý. Hai phiên sau, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán lại, giá bỏ thầu đều sát với giá sàn. Hai phiên này đã đạt được mục tiêu chính, một là tăng cung cho thị trường, hai là nếu nhìn nhận không thất thu cho ngân sách thì cũng là mục tiêu quan trọng. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất để giá trong nước sát giá thế giới, thì phải chờ đợi ở những phiên tiếp theo".
Ông Phú nhận định, việc liên tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng là hợp lý vì nó đáp ứng được cung đang thiếu trong một thời gian dài. Khi cung - cầu dần được cân bằng, thị trường hoạt động ổn định hơn, giá thấp dần thì chênh lệch cũng sẽ dần thu hẹp. Không thể giải quyết ngay chênh lệch giá vàng chỉ qua một vài phiên.
Còn theo nhận định của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank khi trao đổi với Đầu tư chứng khoán ngày 8/4, thì phải đến tháng 6, mức chênh lệch giá vàng mới xuống thấp.
Ông cho rằng: "Đấu thấu vàng là một hướng đi của Ngân hàng Nhà nước để giải một bài toán rất căn bản của thị trường vàng Việt Nam, đó là xử lý khối lượng vàng đã huy động trong hơn 10 năm nay. Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực chuyển từ quan hệ huy động - cho vay vàng sang quan hệ mua - bán vàng. Điều này không thể thực hiện trong một sớm một chiều được.
Trong phiên đấu thầu đầu tiên, mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cao hơn mức giá của thị trường. Tôi cho rằng, đây cũng có thể là bước thăm dò của Ngân hàng với phản ứng của các thành viên thị trường trước một phương thức hoàn toàn mới.
Qua phiên thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã có thể thu thập những thông tin để định ra mức giá tương đối vừa phải. Việc bán gần hết 26.000 lượng vàng đưa ra đấu giá trong đợt này đã tạo ra nguồn cung lớn trên thị trường, giúp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Đây là thành công bước đầu của Ngân hàng Nhà nước".
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU