Đầu ngày 10/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.717 USD/ounce.
Như vậy, so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 1.682 USD/ounce, giá vàng đã tăng mạnh 35 USD/ounce, tương đương 1 triệu đồng/lượng.
Trước đó, do từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 9-3 giá vàng thế giới biến động không đáng kể, cao hơn giá vàng trong nước gần 8 triệu đồng/lượng đồng thời sức mua rất yếu nên giá vàng SJC giảm 150.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 55,15 triệu đồng/lượng nhưng vẫn tiếp tục cao hơn giá thế giới 7,3 triệu đồng/lượng.
Mức độ hấp dẫn của giá vàng đã quay trở lại khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo chiều đi xuống sau nhiều ngày tăng mạnh. Theo đó, giới đầu tư tài chính đã hạn chế đưa vốn vào trái phiếu, đồng nghĩa một phần của dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác trong đó có kim loại quý. Giá vàng vì thế có thời điểm tăng mạnh 40 USD/ounce, từ 1.682 USD/ounce lên 1.722 USD/ounce lúc 22 giờ ngày 9/3 theo giờ Việt Nam.
Trong khi đó, đồng USD suy yếu so với nhiều đồng tiền khác, gói kích thích kinh tế 1.900 tỉ USD của Mỹ có thể được Quốc hội nước này thông qua trong vài ngày tới, sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký sắc lệnh ban hành.
Có lẽ các thông tin này khiến giới đầu tư suy đoán trong ngắn hạn hàng nghìn tỉ USD sẽ tràn ngập thị trường, tạo áp lực lên "đồng bạc xanh" suy yếu nhiều hơn nữa, thúc đẩy giá vàng đi lên. Từ đó, họ dồn vốn vào kim loại quý. Giá vàng tăng thêm sức mạnh để đi lên.
Thế nhưng, sau khi giá vàng vượt qua vùng 1.720 USD/ounce, dòng tiền chảy vào thị trường bắt đầu khựng lại. Ngay sau đó, giá vàng buộc phải đi ngang và đến đầu ngày 10-3 giao dịch tại 1.717 USD/ounce
Tuy giá vàng khởi sắc nhưng giới kinh doanh vẫn cảnh báo kim loại quý này có thể giảm giá bất cứ lúc nào vì các quỹ đầu tư vàng chưa có dấu hiệu dừng bán ra. Cụ thể, trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm ngày 8 đến rạng sáng 9-3, một số quỹ đầu tư đã bán 8,3 tấn vàng.