|
Phó Giáo sư Tiến sỹ Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cùng Phó Thống đốc Đào Minh Tú (giữa) và bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông khai mạc chuỗi sự kiện. |
Nâng cao dân trí tài chính
Ngày 2/10, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Học viện Ngân hàng tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 với chủ đề “Đồng tiền thông thái” tại 12 Chùa Bộc, Hà Nội.
Chuỗi sự kiện này dành cho tân sinh viên và sinh viên đang theo học tại các trường đại học, học viện và cao đẳng khu vực Hà Nội.
Đây là hoạt động nằm trong quá trình thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ. Cụ thể là Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công), nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức, góp phần giảm thiểu tín dụng đen.
Mục tiêu của chuỗi sự kiện là trang bị cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội nói chung, tân sinh viên nói riêng những kiến thức cơ bản về tài chính-ngân hàng; lịch sử tiền tệ Việt Nam, hiểu về giá trị của đồng tiền. Hướng dẫn sinh viên cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, những lưu ý trong việc vay vốn ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức cho người dân, giảm thiểu tín dụng đen; các quy định của pháp luật về tiết kiệm.
Đặc biệt, các sinh viên tham dự sẽ được trang bị kiến thức về những lưu ý, cảnh báo trong sử dụng dịch vụ thanh toán nhằm đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho người sử dụng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng...
|
Tọa đàm “Giáo dục tài chính cho sinh viên”. |
PGS.TS Phạm Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, giáo dục tài chính sẽ hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, nhưng đặc biệt quan tâm tới đối tượng trẻ - đặc biệt là các bạn sinh viên. Bởi sinh viên là những đối tượng có tri thức, thông minh, tài năng và sáng tạo.
“Với những kiến thức về tài chính đôi khi hóc búa thì các bạn sinh viên rất dễ dàng hiểu và tiếp thu nhanh. Và từ đó nhanh chóng lan tỏa tri thức của mình về tài chính tới những người xung quanh, tới gia đình, bạn bè và xã hội. Một xã hội mà có kiến thức tài chính ở mức độ cao thì chắc chắn xã hội đó sẽ phát triển” - PGS.TS Phạm Hoàng Anh nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, cái khó là việc truyền tải những khối lượng lớn kiến thức, kỹ năng tài chính chuyên sâu một cách đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành tới các bạn sinh viên. Ngành ngân hàng đã phải nghiên cứu rất nhiều về phương pháp truyền thông, như triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính dành cho học sinh và sinh viên, như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Hiểu đúng đồng tiền”, hay xuất bản cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”. Đặc biệt Chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước chú trọng.
Đánh giá về các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính của Việt Nam, bà Anna Szalwicki - Đại diện Quỹ hợp tác Quốc tế các ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK), Phó điều phối viên khu vực Đông Nam Á - cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất thành công trong việc thực hiện tài chính toàn diện bởi các bạn có bộ công cụ đa dạng để truyền thông, giáo dục tài chính cho giới trẻ.
“Chúng tôi ấn tượng với cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”, đây là cuốn sách rất thú vị mang tính tương tác cao. Chúng tôi coi đây là một nguồn học liệu và đã giới thiệu cuốn sách này lên website DSIK tại châu Á” - bà Anna nhấn mạnh.
Trang bị kiến thức tránh bẫy lừa đảo
Hướng tới 3 yếu tố hữu ích, hấp dẫn và sáng tạo, chuỗi sự kiện "Đồng tiền thông thái" năm 2024 bao gồm đa dạng các sự kiện hấp dẫn, sáng tạo như talkshow tìm hiểu về đồng tiền Việt Nam; tọa đàm về giáo dục tài chính cho sinh viên; cuộc thi hiểu biết về tài chính; triển lãm gian hàng; các phần thi minigame hấp dẫn tại sân khấu ngoài trời.
Để giúp sinh viên tránh bị mất tiền oan, đại diện ngân hàng SHB đã điểm danh một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay như: Mạo danh cơ quan Nhà nước/cơ quan chức năng; mạo danh ngân hàng; mạo danh người thân, lãnh đạo; đối tượng lừa đảo lập các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam; đối tượng rao bán sản phẩm dịch vụ qua mạng nhưng sau khi khách hàng chuyển tiền, không nhận được sản phẩm, không liên lạc được người bán…
|
Các em sinh viên giao lưu với các diễn giả chuỗi sự kiện "Đồng tiền thông thái". |
Đại diện SHB cũng khuyến cáo các sinh viên tuyệt đối không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người tự nhận là công an, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, cán bộ ngân hàng… Không truy cập/nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử vào trang website/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking/ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng. Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link. Không cài các ứng dụng thử nghiệm của Apple. Không cấp quyền xem màn hình, xem dữ liệu nhập và điều khiển màn hình điện thoại. Không cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử như mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP, QR); thông tin về tài khoản, thẻ, cho bất kỳ ai. Không bẻ khoá (root, jailbreak) điện thoại.
Chia sẻ về hai mặt của tín dụng tiêu dùng, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp sinh viên quản lý tài chính cá nhân một cách hợp lý, bà Lê Minh Trang, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm đầu tư và phân khúc khách hàng trung lưu, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cho biết, tín dụng tiêu dùng có thể là con dao hai lưỡi, giúp sinh viên đạt được các mục tiêu ngắn hạn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, sinh viên cần trở thành những người tiêu dùng thông minh, hiểu rõ nhu cầu của bản thân và sử dụng tín dụng một cách có trách nhiệm để xây dựng tương lai tài chính vững chắc.
|
Trao giải Cuộc thi Hiểu biết về tài chính. |
Cũng trong chiều nay (2/10), đã diễn ra Cuộc thi Hiểu biết về tài chính với sự tham gia của 4 đội thi xuất sắc nhất đến từ Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Thủy lợi.Trải qua 2 vòng thi gay cấn, đội thi Chi Lăng đến từ Trường Đại học Công Đoàn đã xuất sắc giành ngôi Quán Quân; đội Infinity Rise của Học viện Ngân hàng giành ngôi Á Quân, hai đội Sunflower - Trường Đại học Thuỷ Lợi, Angels - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội giành ngôi Quý Quân.
Hoạt động liên tục trong hai ngày 1-2/10, gần 30 gian hàng đến từ các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các đơn vị trung gian thanh toán… đã mang đến nhiều trải nghiệm đặc sắc, độc đáo cho khách tham quan. Tại đây, các bạn sinh viên sẽ được giới thiệu, tìm hiểu về các sản phẩm dịch vụ tài chính, biết cách sử dụng sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại, nhằm gia tăng thêm các trải nghiệm thực tế cho bản thân.
Thêm một điểm thu hút các bạn trẻ đến với khu vực các gian hàng là chương trình có hàng ngàn quà tặng ấn tượng dành cho các bạn. Ngoài ra, khi tham gia các phần thi mini game tại sân khấu ngoài trời, các bạn cũng có cơ hội rinh về cho mình rất nhiều món quà ý nghĩa.