Theo tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vừa có buổi tiếp lãnh đạo tập đoàn Gazprom Neft (Nga). Nội dung đáng chú ý trong buổi làm việc này là đại gia năng lượng Nga chính thức bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá, việc mở rộng và nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất là một nhu cầu tất yếu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ quan điểm của Gazprom Neft trong việc hợp tác với nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh đề nghị Gazprom Neft cần có cam kết cung cấp dầu nhiên liệu ổn định cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Ông Vinh cũng nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình của phía Nga trong những năm khó khăn, vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn ủng hộ và dành sự ưu tiên cho Gazprom Neft.
Trên thực tế, Nga là một đối tác lâu năm của Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Trong đó, Gazprom Neft là một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga, thuộc Tập đoàn Gazprom và đang sở hữu trên 70 giấy phép khai thác dầu ở Nga với sản lượng đạt gần 60 triệu tấn/năm 2012 và có 5 nhà máy lọc dầu với công suất 40 triệu tấn/năm 2012. Riêng công ty con Naftna Industrija Srbije (ở Serbia) thuộc Gazprom Neft sở hữu 69 giấy phép, thông tin từ trang chủ của tập đoàn Gazprom Neft cho biết.
|
Gazprom Neft hiện là một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga. Ảnh: Phunutoday. |
Gazprom hiện là một trong những tập đoàn năng lượng “khủng”, nằm trong top 20 tập đoàn khí đốt lớn nhất thế giới. Đang quản lý hai nhà máy chế biến dầu khí với năng suất khai thác 43 triệu tấn dầu/năm. Gazprom Neft cho biết có kinh nghiệm hiện đại hóa và mở rộng các nhà máy lọc dầu không chỉ ở Nga mà còn ở các nước khác. Họ "mong muốn được hợp tác với nhà máy lọc dầu Dung Quất Việt Nam" vì nhà máy đang có kế hoạch mở rộng, nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm hiện nay lên 10 triệu tấn/năm.
Cũng theo thông tin từ Gazprom-neft.com, công ty này chủ yếu tham gia vào việc thăm dò dầu khí và sản xuất (E&P), bán và phân phối dầu thô, sản xuất và bán các sản phẩm dầu khí.
Địa bàn khai thác dầu mỏ của tập đoàn Gazprom Neft bao gồm các khu vực có trữ lượng dầu khí lớn như Khanty-Mansiysk (Yugra), Omsk, Orenburg, Tomsk và Yamalo-Nenets. Các cơ sở lọc dầu lớn Gazprom Neft được đặt tại Moscow, Omsk và Yaroslavl. Tập đoàn này còn có nhà máy lọc dầu ở Serbia. Bên cạnh những hoạt động kinh doanh ở Nga, Gazprom Neft còn tham gia các dự án quốc tế E & P, trong đó có nhiều dự dán ở Iraq và Venezuela.
Tập đoàn Gazprom Neft vô cùng tự hào khi sản xuất khoảng 70% lượng dầu trên thế giới. Với “thành tích” đáng nể như vậy, Gazprom Neft hoàn toàn xứng đáng khi trở thành một trong những công ty hoạt động tốt nhất trong ngành công nghiệp giàu tiềm năng này.
Hiện, Gazprom Neft xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại gia năng lượng này phân phối sản phẩm thông qua một mạng lưới giao thương rộng lớn ở Nga và hàng loạt chi nhánh tại nước ngoài. Gazprom Neft có hơn 1.609 trạm xăng hoạt động ở Nga, các nước SNG và châu Âu.
Gazprom Neft là tập đoàn con của Tập đoàn Gazprom nhưng chiếm tới 95,68% thị phần. Trước đó, năm 1995, Gazprom Neft được thành lập với tên gọi là Sibneft và thuộc quản lý của Nhà nước.
Trong năm 1996 -1997, Sibneft được tư nhân thông qua việc cổ phần hóa. Roman Abramovich và Boris Berezovsky đã mua lại công ty này với giá 100 triệu USD. Ban đầu, công ty do Berezovsky dẫn dắt, sau đó là Abramovich.
Sibneft từng hai lần không sáp nhập thành công với Yukos mà có khả năng lập ra công ty dầu khí lớn nhất của Nga YukosSibneft vào các năm 1998 và tháng 11/2003.
Đến tháng 9/2005, Gazprom đã mua 75,7 % cổ phần của Sibneft do tỷ phú Roman Abramovich làm chủ, với giá 13,1 tỷ USD. Đến năm 2006, Sibneft được đổi tên thành Gazprom Neft.
Năm 2006, Alexander Dyukov được bầu làm Giám đốc điều hành công ty Gazprom Neft. Đến năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tháng 12/2011, ông được bầu đảm nhiệm vị trí trên trong 5 năm tiếp theo. Trong khi đó, Alexey Miller đảm nhiệm chức Tổng giám đốc Tập đoàn Gazprom.
Đến tháng 4/2009, Tập đoàn Gazprom mua lại 20% cổ phiếu Gazprom Neft từ tay công ty dầu khí Eni, Italy với giá 4,1 tỷ USD. Trước đó, ngày 4/4/2007, công ty Eni đã giành được 20% cổ phiếu trong Tập đoàn Gazprom Neft trong phiên đấu giá thứ 2 các tài sản của công ty Yukos. Với số cổ phiếu này, công ty Eni thu về 151,536 tỷ Rúp (tương đương 5,83 tỷ USD).