(Kiến Thức) - Đã được coi "đặc sản", thì dù là dân có tiền hay nghèo, vẫn phải xếp hàng "mướt mồ hôi"... chờ tới lượt mua hàng.
|
Kem Tràng Tiền luôn là một "điểm nóng" của người tiêu dùng Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ. Nhìn chung, cửa hàng kem Tràng Tiền hầu như lúc nào cũng tấp nập khách, nhưng đặc biệt đông nhất vào mùa hè...
|
|
Chuyện phải xếp hàng cả giờ đồng hồ để mua được kem vào những lúc cao điểm là chuyện như cơm bữa với tất cả dân giàu nghèo trên đất Thủ đô. Thậm chí, trước kia, khi cửa hàng này chưa chú trọng nhiều đến công tác bảo vệ thì còn diễn ra cảnh chen lấn, lộn xộn hơn rất nhiều...
|
|
Phía bên ngoài, dù đã tăng cường thêm quầy bán nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng quá tải. Mỗi lần mua kem, khách hàng phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ thì mới được "ưu tiên" mua trước.
|
|
Thời gian gần đây, đi qua phố Hàng Bông, nhiều người thấy cảnh dân tình xếp hàng dài lũ lượt như thời bao cấp. Thậm chí, tình cảnh “rồng rắn lên mây” kéo dài liên tục suốt từ chiều cho đến tận khuya. Tìm hiểu mới biết nguyên nhân của sự chầu chực kia chỉ là để mua... bỏng ngô, giá rẻ bất ngờ: 10.000 đồng/3 hộp, với vị caramen nhập khẩu từ Mỹ. Giá rẻ, khách lại đông nên cửa hàng quy định mỗi người được phép mua tối đa 6 hộp.
|
|
Mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, người dân Hà Nội lại kéo nhau ra những cửa hàng bán bánh chưng, giò chả uy tín trên phố Hàng Bông, Ngô Thì Nhậm...để sắm Tết. Tuy nhiên, để mua được hàng vào những ngày này không hề dễ và chắc chắn phải chầu chực từ sáng sớm, xếp hàng và kiên nhẫn chờ đợi. Dòng người có thời điểm kéo dài xuống cả vỉa hè, lòng đường, gây ách tắc giao thông.
|
|
Vì khách quá đông nên những cửa hàng này thường phải hạn chế lượng hàng bán ra. Mỗi khách thông thường chỉ được mua 5 chiếc bánh chưng và 2 cây giò. Nhiều người phải "lách luật" bằng cách mua làm nhiều lần hoặc nhờ người mua hộ. Và chuyện mất cả ngày để mua hàng là điều dễ hiểu.
|
|
Đầu tháng 7 vừa rồi, tại Hà Nội diễn ra cảnh khách hàng "xuyên đêm" để được mua vé xem trận giao hữu bóng đá giữa đội bóng Anh Arsenal và đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Hàng trăm người đã phải vạ vật ngồi chờ và thậm chí ngủ qua đêm ngay gần SVĐ Mỹ Đình để chờ đến giờ được mua vé.
|
|
Giá vàng lên xuống thất thường cũng khiến cho nhiều người đổ xô chạy theo để kiếm lời. Bất kể giá vàng tăng hay giảm nhanh thì nhà đầu tư cũng có lý do của riêng mình để giao dịch, bán hoặc mua. Thông thường, vào những thời điểm "nóng" này thì chuyện giao dịch sẽ khá nan giải vì khách hàng sẽ phải "bon chen" và chờ đợi...
|
|
Thậm chí, họ phải chấp nhận cả thời tiết xấu như nắng nóng hay mưa gió. Tuyến phố "vàng" ở Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn vì các cửa hàng đông khách. Còn nhiều cửa hàng cũng rơi vào tình trạng "cháy" vàng nếu lượng mua quá đông.
|
|
Các sản phẩm công nghệ cũng thường xuyên khiến các tín đồ phải bon chen mỗi lần muốn mua. Khi có một món đồ mới tung ra thị trường và thường được khuyến mại, giảm giá thì cảnh xếp hàng mua đồ lại diễn ra.
|
Lê Thịnh (tổng hợp)