Tỷ phú Thái Lan thâu tóm Metro, giữ nửa tỷ USD cổ phiếu Vinamilk
Trong danh sách các tập đoàn Thái Lan ở Việt Nam có tên tuổi của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản ròng vào khoảng 11,3 tỷ USD. Tỷ phú này chính là người đứng đầu BJC – tập đoàn đã mua lại toàn bộ Metro Cash&Carry Việt Nam.
|
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - ông chủ tập đoàn BJC đã mua lại Metro ở Việt Nam.
|
Thông qua hai công ty dưới trướng của mình là ThaiBev và TCC Assets, tỷ phú này đã thâu tóm trên 51% cổ phần của hãng đồ uống lớn nhất Singapore là Fraser&Neave (F&N) hồi năm 2013. F&N thông qua công ty con F&N Dairy Investment là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu là 9,5%.
Không lâu sau khi BJC mua xong Metro Việt Nam, F&N đã chi thêm gần 100 triệu USD để mua thêm cổ phiếu Vinamilk và nâng tỷ lệ nắm giữ lên 11%. Hiện lượng cổ phiếu Vinamilk mà F&N nắm giữ có trị giá 540 triệu USD.
Ngoài Vinamilk, F&N còn có rất nhiều khoản đầu tư lớn tại Việt Nam như ở lĩnh vực bất động sản có khách sạn Melia Hanoi, tòa nhà Melinh Point Tower ở TP HCM. Đặc biệt, ở lĩnh vực đồ uống, F&N gián tiếp nắm quyền chi phối ở Nhà máy bia Việt Nam (VBL) sản xuất nhiều sản phẩm như bia Heineken, Tiger, Larue…
Central Group mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim
Sau khi tập đoàn Central Group của Thái Lan mở hai trung tâm bán lẻ Robinson tại Hà Nội và TP HCM với cái tên ROBINS hồi cuối năm 2014, Power Buy - chuỗi cửa hàng điện máy của tập đoàn này lại tiếp tục tiến vào thị trường Việt Nam với
thương vụ mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim.
Central Group là một trong những
tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bán lẻ...
Chuỗi cửa hàng ROBINS không phải là dự án bán lẻ đầu tiên của Central Group ở Việt Nam. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc tập đoàn Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
Theo Central Group, việc đầu tư liên tiếp hai trung tâm mua sắm tại Việt Nam nằm trong kế hoạch lấn sân sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đã được tập đoàn thông qua năm ngoái.
Ông trùm chăn nuôi CP
Tập đoàn CP (Charoen Pokphand Group) được thành lập năm 1921 tại Bangkok, Thái Lan. Đây là một tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề và là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Tập đoàn CP bắt đầu vào Việt Nam năm 1988 với văn phòng đại diện tại TP HCM.
Đồng Nai đã trao giấy xác nhận "Sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi" cho 9 triệu trứng gà thương hiệu CP Việt Nam được sản xuất, đóng gói trong thời gian từ 1/11/2014 đến 31/12/2014.
Không chỉ cung cấp trứng gia cầm, CP của Thái Lan đang dẫn đầu lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản tại Việt Nam. Hiện tại, CP ở Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nội và Hải Dương. Bên cạnh đó, tập đoàn của Thái Lan này cũng đang mưa làm gió trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm từ gia cầm, gia súc... ở nhiều hệ thống siêu thị cửa hàng trên khắp thị trường Việt Nam.
Tập đoàn SCG với ý định thâu tóm lĩnh vực vật liệu xây dựng Việt Nam
SCG (Siam Cement Group) là tập đoàn kinh doanh đa ngành với những ngành cốt lõi như giấy, xi măng, vật liệu xây dựng. Thành lập năm 1913 tại Thái Lan, vào thị trường Việt Nam đã lâu nhưng SCG chỉ thực sự nổi lên sau khi chủ tịch tập đoàn này thâu tóm Prime.
Trong 100 năm qua, SCG liên tục mở rộng và đa dạng hóa hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
|
Kan Trakulhoon - chủ tịch kiêm CEO của SCG. |
SCG bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có 19 công ty thành viên với tổng giá trị tài sản hơn 615 triệu USD tính đến cuối quý 3/2013. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, giấy, nhựa tổng hợp PVC, bê tông tươi, ngói bê tông; trưng bày; thương mại quốc tế và phân phối nội địa; dịch vụ hậu cần.
Một trong những khoản đầu tư đáng chú ý của SCG tại Việt Nam là thương vụ mua lại 85% vốn của Prime Group với giá 239,6 triệu USD Mỹ, tương đương 5.000 tỷ đồng vào tháng 12/2012. Prime Group là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ở nước ta, chuyên sản xuất gạch ốp lát.
Bên cạnh đó, SCG thông qua đơn vị thành viên là The Nawaplastic Industries (Saraburi) nắm giữ số lượng lớn cổ phần trong hai doanh nghiệp nhựa thuộc “top” của ngành nhựa Việt Nam là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HOSE: NTP) và Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP).
Không dừng ở đó, SCG vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam.
Tập đoàn Amata với khu công nghiệp ở Đồng Nai
Được thành lập năm 1989, Amata Corporation Public Company Ltd là nhà phát triển thành phố công nghiệp lớn của châu Á. Công ty có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, Giám đốc điều hành là Vikrom Kromadit. Năm 1997, Amata bước vào một giai đoạn mới khi niêm yết thành công trên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET).
Một trong những dự án đầu tư thành công của tập đoàn Amata ở Việt Nam là Khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Việt Nam là nước đầu tiên mà tập đoàn này hướng đến sau thành công với các khu công nghiệp mang thương hiệu Amata tại Thái Lan. Đích nhắm đầu tiên chính là khu công nghiệp tích hợp Amata diện tích 700ha tại Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai được khởi công vào năm 1994. Nằm ở vị trí chiến lược trên Quốc lộ 1 kết nối hai miền Nam Bắc, KCN Amata Biên Hòa là “ngôi nhà” của các tập đoàn đa quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỷ USD và tổng lực lượng lao động hơn 33.000 công nhân.
Sau Amata Biên Hòa, đến năm 2011, Amata quyết định đầu tư qua dự án Amata City 1,245 ha tại Long Thành, Đồng Nai. Đến tháng 01/2013, Amata tiến ra Quảng Ninh lập dự án Future City 3.000 ha (khu công nghiệp kết hợp đô thị) để thu hút các nhà đầu tư Thái.