Đánh thuế dân gửi tiết kiệm: Tư duy thô thiển!

Google News

(Kiến Thức) -TS Nguyễn Đức Thành nêu quan điểm nhân việc Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng đang gây xôn xao dư luận.

Thiển cận, thiếu cơ sở khoa học!

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRea) mới đây đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước "đánh thuế thu nhập ở những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng" nhằm "chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất kinh doanh". Ông bình luận gì về điều này?

Dựa trên lập luận của HoRea thì tôi thấy đó là một sai lầm, rất thiển cận và thiếu cơ sở khoa học. Bởi lý do tồn tại của hệ thống ngân hàng là nhận tiền gửi tiết kiệm của dân để chuyển sang hoạt động kinh doanh thông qua việc cho vay. Rõ ràng tiền gửi tiết kiệm không hề nhàn rỗi đấy chứ! Thứ hai, không ai lại có quyền bắt người dân đi kinh doanh như thế cả. Xã hội đã có sự chuyên môn hóa rồi, có người làm bác sĩ, có người làm giáo viên, lại có những người chuyên kinh doanh buôn bán. Sao lại bắt bác sĩ có tiền tiết kiệm phải quay sang kinh doanh trong khi họ cần phải tập trung thời gian và sức lực để làm tốt phần việc của mình? Đó thật sự là một đề xuất rất vội vã, thiếu chín chắn, cho chính HoRea.

Đề xuất thiếu chín chắn cho chính HoRea?

Đúng thế! Bởi giả dụ, nếu như kiến nghị này được thông qua thì chắc gì dòng tiền đó đã chảy vào bất động sản? Người ta có thể dùng tiền đó để mua vàng, ngoại tệ hoặc những loại tài sản khác. Chưa kể tới những xáo trộn vĩ mô khác chưa lường tới được. Ngoài ra, đánh thuế như vậy thì vô hình trung đã chặn nguồn tiền gửi vào ngân hàng, khi đó ngân hàng lấy tiền đâu để cho vay, trong đó có nhóm khách hàng là các doanh nghiệp bất động sản?

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nếu nghĩ cho xã hội đã không ra kiến nghị này

Theo lập luận của phía HoRea thì việc đánh thuế này sẽ không ảnh hưởng lớn đến xã hội vì chỉ một bộ phận nhỏ có tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Thêm nữa, mỗi năm trung bình 2,5 triệu nghìn tỷ đồng gửi tiết kiệm, nếu tính trung bình với lãi suất hiện nay 10%/năm thì tiền lãi thu được ước khoảng 250.000 tỷ đồng, do đó không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý!

Trước hết cần cân nhắc kỹ rằng, thuế thì phải có tinh thần bình đẳng, không phân biệt mức thu nhập. Vì để tích lũy được khoản tiết kiệm như thế thì người ta đã bị đánh thuế thu nhập trong quá trình kiếm tiền rồi. Nhưng HoRea vẫn có thể khăng khăng rằng, lãi suất trong ngân hàng nên được coi là thu nhập mới. Có một số nước cũng có loại thuế đánh vào thu nhập này. Nếu so sánh như vậy thì trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam càng không nên đánh thuế này. 

Vì sao, thưa ông?

Thứ nhất là để tránh đánh thuế hai lần (như đã nói ở trên). Thứ hai là ở ta, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, khi xã hội chưa lo được cho người dân thì tự người ta phải lo cho chính mình, phải giữ tiền tiết kiệm để phòng thân thôi. Thứ ba, với một nước đang cần tích lũy vốn để phát triển thì không ai dại gì đánh thuế tiết kiệm cả!

Xét ở một góc độ nào đó, ông có cho rằng kiến nghị của HoRea cũng mang tính tích cực, vì mục tiêu của nó nhằm chuyển hướng dòng tiền sang hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển?

Tôi không cho rằng như thế. Bởi nếu thực sự họ có ý định cải thiện môi trường kinh doanh, nghĩ cho xã hội thì phải nghĩ ra cái gì khác chứ không phải là đánh thuế tiền gửi tiết kiệm và mong nó chảy vào bất động sản!

Theo ông thì có thể lý giải động cơ của đề xuất này là gì?

Rõ ràng, nó thể hiện lợi ích nhóm. Nhưng tôi cũng không lo ngại lắm về điều này, bởi nó sẽ không được thông qua đâu.

Cơ sở nào để ông tin điều đó?

Tôi tin là những người có hiểu biết, có trí tuệ đều có cùng quan điểm rằng kiến nghị này sẽ không được thông qua vì nó có quá nhiều thiếu sót, thiếu cơ sở khoa học. Tuy nhiên, tin là như vậy, mà không dám chắc 100%. Vì với chất lượng làm chính sách hiện nay thì có những điều lạ lùng không dự đoán trước được. 

Nói như ông thì có nghĩa những người đưa ra kiến nghị này và ủng hộ nó đều là những người không có hiểu biết, không có trí tuệ?

Không nhất thiết phải kết luận như vậy. Thế nhưng, rõ ràng kiến nghị này hết sức thô thiển.

Cấu trúc xã hội "có vấn đề"

Tôi nhớ, đây không phải là lần đầu tiên có một đề xuất đưa ra và bị cho là mang "lợi ích nhóm"?

Đúng thế!

Vậy tại sao nó vẫn tồn tại?

Bởi vì cấu trúc xã hội của ta có vấn đề.

Ông có thể nói rõ hơn?

Hình thành các nhóm lợi ích trong xã hội hiện đại là bình thường. Nhưng hiện nay, các nhóm lợi ích ở ta không cân bằng. Có Hiệp hội Bất động sản thì phải có Hiệp hội những người mua bất động sản, có hệ thống ngân hàng thì phải có Hiệp hội những người gửi tiền, Hiệp hội những người vay tiền... chứ. Chỉ khi nào có những hiệp hội đủ thực quyền, đại diện cho các nhóm lợi ích để cạnh tranh nhau về quan điểm thì khi đó, những kiến nghị, chính sách kiểu phục vụ cho số ít như thế này mới được kiểm soát.

Lúc giá bán cao thì doanh nghiệp ở đâu?

Bất động sản khó khăn và cần phải "giải cứu" cũng là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, chính HoRea lại đưa ra đề xuất được cho là theo hướng có lợi cho mình mà hy sinh lợi ích người khác, điều đó phải chăng là một sự "không khôn ngoan"?

Sự việc này làm tôi nhớ đến câu chuyện cười bên Pháp cách đây mấy trăm năm. Hiệp hội những người làm nến đã kiến nghị nhà vua bắt dân chúng phải đóng kín tất cả các cánh cửa, kể cả ban ngày, để sản lượng nến tăng lên. Rõ ràng, ai cũng có quyền đề xuất trong mức độ "khôn ngoan" nhất của họ. Còn việc có chấp thuận hay không phụ thuộc vào sự sáng suốt và quyền năng của những người làm chính sách. 

Với kiến nghị này của HoRea thì có vẻ như, biện pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải thúc đẩy dân chúng rút tiền tiết kiệm ra để đổ vào mua bất động sản?

Theo tôi thì chỉ có hai lựa chọn. Giải pháp thứ nhất thô thiển và kém văn minh là bắt người ta làm theo cách đó. Cách thứ hai, văn minh hơn, là các doanh nghiệp bất động sản cải thiện thị trường bằng cách hạ giá xuống.

Nhưng nếu hạ xuống thì họ lại kêu gào rằng thua lỗ, thậm chí phá sản?

Vậy lúc giá bất động sản lên cao thì doanh nghiệp bất động sản ở đâu? Sao không đề nghị Nhà nước đánh thuế bất động sản lúc đó để bình ổn thị trường, mà đến khi bị lỗ lại kêu gào, buộc dân chúng phải chia sẻ? Tóm lại, nếu doanh nghiệp bất động sản nào không trụ được thì phải ra đi. Đó là cách tái cơ cấu ngành bất động sản một cách hữu hiệu nhất!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Bây giờ, đừng lên án những chính sách kiểu như thế này nữa mà phải hành động thôi, phải xây dựng các nhóm đối kháng lợi ích thông qua việc thành lập các hiệp hội, ví dụ ở đây là Hiệp hội những người gửi tiền, để các nhóm lợi ích tự kiểm soát lẫn nhau. Chừng nào chưa có những hiệp hội là đại diện mạnh mẽ cho dân chúng từ những khía cạnh lợi ích khác nhau, thì chừng đó, người dân vẫn phải đấm ngực kêu trời vì những chính sách bất lợi cho mình".
TS Nguyễn Đức Thành

BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)