Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (7/7), giá vàng SJC giảm 500.000 đồng mỗi lượng sau cơn bùng nổ lên mức 40 triệu đồng/lượng trong chiều hôm qua (6/7).
Cụ thể, lúc 8h35, giá vàng miếng SJC được tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 38,10 triệu đồng/lượng (mua vào) – 39,10 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này giảm so với giá đóng cửa cuối ngày hôm qua 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Cùng thời điểm, tại TP HCM, giá vàng miếng SJC được công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết mua vào là 38,45 triệu đồng/lượng và bán ra là 39,45 triệu đồng/lượng. Giá giảm 550.000 đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và bán.
Sau đó, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm mạnh chỉ trong buổi sáng. Cụ thể, tới hơn 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,95 triệu đồng/lượng (bán ra). So với mức giá chiều qua (6/7) – mức giá đỉnh của hơn 3 năm thiết lập, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 1,55 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,85 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Chiều qua, giá vàng SJC bán ra tại DOJI có lúc lên 39,8 triệu đồng/lượng, cao nhất từ tháng 6/2013. Nếu mua vào đúng đỉnh giá này (39,8 triệu đồng) và bán ra vào khoảng hơn 10h trưa nay (giá khách hàng bán ra bằng giá công ty vàng mua vào, với vàng miếng SJC tại DOJI là 36,95 triệu đồng/lượng, thì nhà đầu tư và người dân có thể mất tới gần 3 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính trong vòng 1 tháng qua, giá vàng trong nước đã tăng tới 6 triệu đồng/lượng. Chỉ riêng ngày hôm qua, trong hơn 1 giờ đồng hồ buổi chiều, giá vàng đã tăng vọt hơn 1 triệu đồng/lượng, chạm ngưỡng gần 40 triệu đồng.
Sáng nay, giá vàng sụt cũng nhanh không kém. Trong vòng 2 giờ đồng hồ từ hơn 8h đến hơn 10h sáng, giá vàng mất gần 1,7 triệu đồng/lượng.
3 ngày trước đó, giá vàng liên tục tăng cao có nguyên nhân từ yếu tố tâm lý cùng việc khan hiếm nguồn cung. Thị trường ghi nhận trong phiên giao dịch 6/7, số lượng khách tham gia giao dịch đan xen ở cả chiều mua và chiều bán trong đó số lượng khách mua vàng vào chiếm 65% trên tổng số lượng giao dịch. Các chuyên gia cảnh báo cơn sốt vàng có thể hạ nhiệt bất kể lúc nào khi có sự can thiệp và những tác động từ thị trường Quốc tế.
Trao đổi với báo giới ngày 6/7, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Theo ông Cảnh, việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24 trong thời gian qua đã ổn định được thị trường, giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. Mặc dù từ tháng 2 đến đầu tháng 6 năm nay, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn ở mức rất thấp, doanh số giao dịch chỉ bằng 50% so với cùng kỳ các năm trước