Những quy định khiến Bộ Xây dựng bị “ném đá"

Google News

(Kiến Thức) - Hàng loạt văn bản luật của Bộ Xây dựng gần đây liên tiếp gặp phải phản ứng mạnh của dư luận vì thiếu tính khả thi...

Mới đây nhất, Bộ xây dựng đã công bố dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi với nhiều điểm thay đổi, bổ sung đáng chú ý. Trong đó, điều 8 của dự thảo có nêu nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như: kinh doanh gas, vật liệu gây cháy nổ, kinh doanh vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ...
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều chuyên gia và dư luận nêu những ý kiến phản hồi. Nhiều người cho rằng quy định này thiếu tính khả thi và không hợp lý, gây khó khăn cho một bộ phận không nhỏ người dân. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình đang sử dụng nhà ở để kinh doanh nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Trước "sức ép" này, sáng 30/9, Tổ biên tập dự án Luật Nhà ở sửa đổi phát đi thông cáo báo chí. Trong thông cáo này, Tổ biên tập cho biết, trong quá trình biên soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, bên cạnh những ý kiến đồng tình với các nội dung của dự thảo do Tổ biên tập đề xuất, cũng có những ý kiến tỏ ra băn khoăn, chưa thống nhất với một số nội dung mới của dự thảo, nhất là quy định về việc cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích khác không phải để ở.
Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân sử dụng nhà ở để kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ. Ảnh: VTC. 
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các ý kiến đóng góp, Tổ biên tập nhận thấy, trong tình hình thực tế của nước ta hiện nay, việc cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như trên là chưa thực sự hợp lý. Vì vậy, Tổ biên tập sẽ tiếp thu, nghiên cứu để chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Xây dựng không nên đưa ra những quy định quá cứng nhắc và cũng không cần phức tạp với nhiều khái niệm. Được biết, Tổ biên tập sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để hoàn thành dự thảo, sau đó trình lên các Bộ, ngành, các địa phương và sau đó sẽ báo cáo Ban soạn thảo cho ý kiến để Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét.
Cũng theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần thứ 4 của Bộ Xây dựng mới công bố để lấy ý kiến, tên dự án phải sử dụng tên tiếng Việt và không được viết tắt. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải thực hiện đầy đủ các nội dung của dự án đã được phê duyệt, chỉ được thay đổi khi có phê duyệt của cơ quan thẩm quyền.
Trên thực tế, trong lĩnh vực xây dựng, việc sử dụng tên, tiếng nước ngoài để đặt tên cho các dự án bất động sản đang được các chủ đầu tư áp dụng khá phổ biến. Ví dụ như: Dự án Usilk City, dự án The Manor, dự án Keangnam LandMark Tower...
Theo một số chuyên gia, quy định này của Bộ Xây dựng nhằm hạn chế tâm lý "sính ngoại" dùng tiếng nước ngoài đặt tên cho các dự án nhà ở đang khá phổ biến ở nước ta, dễ gây nhầm lẫn cho người dân.
Tuy nhiên theo nhiều chủ đầu tư, việc đặt tên cho một dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong trường hợp cổ đông lớn của chủ đầu tư là đối tác ngoại thì việc sử dụng tên nước ngoài cho dự án gần như là bắt buộc. Cũng theo ý kiến chủ đầu tư thì việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để làm tên thương mại cho dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư trong các hợp tác làm ăn.
Một chuyên gia cho rằng, nếu có việc cấm đặt tên này thì đây là việc của Bộ Văn hóa chứ không phải là việc của Bộ Xây dựng. Và theo nhận định của nhiều người làm trong ngành bất động sản, việc đặt tên cho dự án không cần thiết phải quá khắt khe và coi trọng. Vấn đề là dự án có giấy phép xây dựng, làm đúng quy định theo thiết kế, quy chuẩn đã đăng ký mới là điều quan trọng.
Những quy định của Bộ Xây dựng gặp phải ý kiến trái chiều từ dư luận thời gian gần đây không phải không có tiền lệ. 
Trong một văn bản luật của Bộ Xây dựng thời điểm cuối tháng 5 vừa qua cũng xuất hiện lỗi "ngớ ngẩn" khiến dư luận rất bất bình về quy cách làm việc không thống nhất, tắc trách của Bộ này.
Trong công văn được Bộ Xây dựng phát đi các tỉnh chỉ đạo địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý chất lượng kiến trúc công trình trên địa bàn, Bộ này lưu ý các địa phương không xây dựng các công trình theo hướng nhại kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách.
Công văn được phát đi chưa lâu thì ngay sau đó, Bộ Xây dựng lập tức có công văn gửi các tỉnh thành và các cơ quan báo chí cho biết: nội dung "không xây dựng công trình nhại kiến trúc cổ Pháp - châu Âu" là do in ấn có sai sót.
Trong công văn chữa lỗi có đoạn: "Để nâng cao chất lượng về công tác quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị, ngày 23/5/2013 Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 942/BXD-KTQH về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình in ấn có sự sai sót, vì vậy Bộ Xây dựng xin đính chính như sau: Bỏ phần nội dung "Lưu ý: Không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu".
Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(0)