Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập, ngoài cơ hội sẽ là rất nhiều thách thức phải đối mặt. Làn sóng nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đã, đang và sẽ ngày càng mạnh lên. Vậy doanh nghiệp trong nước sẽ chọn liến lược nào cho mình để tồn tại, phát triển. Đây là câu hỏi được đặt ra tại Vietnam CEO forum 2015.
Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh vấn đề doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác hay đối đầu. Riêng với bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), thì đã chọn và vẫn sẽ chọn chiến lược đối đầu.
Mở đầu câu chuyện chia sẻ của mình, bà Dung cho biết, nếu chọn giữa thách thức và cơ hội khi hội nhập, bà sẽ chọn cơ hội. Nhưng cơ hội đây là đứng trên quan điểm của sự tự tin, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp.
|
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ PNJ. |
“Lâu nay doanh nghiệp sống trong môi trường bao cấp, quen làm theo kiểu nhà nước. Chúng ta bị ràng buộc trong những cách làm việc chưa thực sự cởi mở, bị bó buộc, chứ Việt Nam không thiếu nhân tài mà là thiếu môi trường làm việc dẫn đến bị thụ động. Người Việt thường khi đến chân tường bị dội. Nếu chúng ta có tự tin thì đến lúc khó sẽ ló muôn vàn cái khôn”,
sếp PNJ nhận định.
Bà Dung cho rằng, không chỉ doanh nghiệp hội nhập mà Chính phủ cũng phải hội nhập. Chính phủ phải thay đổi những chính sách, tháo gỡ làm cho doanh nghiệp có điều kiện được tự do, thông thoáng hơn…
Về một trong những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp Việt là vốn, bà Dung nhận định là đúng, nhưng ở những giai đoạn khó chúng ta vẫn làm được, dù thiếu vốn. Các doanh nghiệp phải nhìn thẳng và những khó khăn và không được thụ động.
Bà Dung kể lại câu chuyện của PNJ những năm 1988, khi mới thành lập. Khi đó, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa, chưa có luật gì về kinh doanh, bà được phân công về PNJ và phải tiếp xúc với đối tác ngoại muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
"Tôi đã nhìn thấy ngay tầm nhìn nhu cầu của hàng trang sức. Đến năm 1992, có tập đoàn Úc vào TP HCM, tôi được chọn đàm phán. Mất cả năm trời mới ra được kế hoạch hợp tác giữa hay bên, dự định tạo thành một liên doanh giữa Việt Nam – Úc.
Thời điểm đó, trước khi ký hợp đồng, tôi có nói rằng cho tôi qua Úc xem nhà máy của họ. Tôi đi xem thấy nó không khó với Việt Nam, bởi đội ngũ giỏi tay nghề thủ công. Về nước, tôi đã nói với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và địa phương, là cho phép khoan ký với đối tác ngoại”, bà kể.
Sau đó, nữ tướng của PNJ qua Singapore tham khảo, và bà cũng thấy chẳng hề khó với kỹ sư Việt Nam.
“Tôi quyết định từ chối ký kết hợp tác. Lúc đấy lãnh đạo không tin tưởng. Đối tác bảo tôi điên vì mất thời gian dài để đàm phán, lên kế hoạch… Họ bắt trả 120.000 USD”, bà chia sẻ.
Bà Dung cho biết, thị trường Việt khi ấy là 80 triệu dân, phía nhà đầu tư Úc muốn sản xuất tại Việt Nam rồi cung cấp 70% cho thị trường chúng ta, và chỉ 30% mang về nước họ. Tại sao phải nhường cho người ta? Tôi đã đề nghị đối tác ngoại đổi ngược, 70% sản phẩm họ mang về Úc và chỉ 30% bán tại Việt Nam. Họ đã không đồng ý.
"Tôi hứa với lãnh đạo địa phương cho phép tôi làm giống như người ta. Và tôi đã bắt đầu tìm hiểu, xây dựng kế hoạch 3 năm sẽ lỗ cho chiến lược của mình.
|
Nữ tướng PNJ chia sẻ tại Vietnam CEO Forum 2015. |
Tại sao doanh nghiệp Việt không phát triển được là vì chúng ta không dám chịu lỗ. Năm 1998, khi PNJ bắt đầu có sản phẩm ra thị trường. Lúc đó một công ty của Thái Lan đã qua Việt Nam và tổ chức một sự kiện rất lớn. Họ có công bố dự định trong vòng một năm sẽ mở 100 cửa hàng tại Việt Nam.
Sau đó, họ mở cửa hàng đầu tiên. Tôi cũng ra cửa hàng. Khi đấy phía Thái rất lấy làm ngạc nhiên bởi tốc độ của PNJ, và họ đã bỏ chiến lược mở hệ thống của hàng tại Việt Nam.
Không chỉ có niềm tin mà mình biết mình làm được việc gì. Chọn chiến lược đối đầu thì doanh nghiệp phải biết lực của mình, phải có sức chịu đựng. Lợi thế của mình là tay nghề thủ công. Ngành kim hoàn đầu tiên vẫn là sáng tạo”, bà Dung chia sẻ.
Tuy nhiên, bà cho rằng nếu chọn hợp tác có lợi thì cũng nên hợp tác. Nhưng phải xác định hợp tác được cái gì, khi hợp tác đúng là hợp tác. Mình có thế mạnh gì, đối tác có thế mạnh gì như thị trường, công nghệ…
“Tùy theo mỗi ngành nghề khác nhau sẽ chọn chiến lược của mình. Với PNJ, ngay từ đầu chúng tôi đã chọn chiến lược đối đầu. Đấy là với nước ngoài, còn trong nước là chọn hợp tác. Đến nay PNJ vẫn đi theo chiến lược đối đầu với đối thủ trong khu vực”, bà Dung cho biết.