Chiêu độc xử lý “đất vàng” bỏ hoang: Nên đánh thuế!

Google News

(Kiến Thức) - Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, muốn hạn chế tình trạng "đất vàng" dự án bị bỏ hoang, Nhà nước cần dùng đến biện pháp đánh thuế.

Tại Hà Nội, rất nhiều dự án chậm triển khai đã dẫn đến tình trạng một số khu đất nằm ở những vị trí đắc địa của Thủ đô bị bỏ hoang. Những mảnh đất rộng hàng nghìn m2 này đang là nơi sinh sống tốt của cỏ dại hoặc là nơi trú ngụ tạm thời của những người vô gia cư.
Nguyên nhân chính được cho là do các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính hoặc những điều kiện bất lợi nên đành để dự án dở dang từ năm này qua năm khác.
Thực trạng các dự án chậm triển khai, các khu "đất vàng" bị bỏ hoang đang là vấn đề đau đầu với các cơ quan chức năng.
Nhiều dự án ở ngay vị trí "vàng" của Hà Nội nhưng giờ trở nên hoang vắng, gỉ sét. Ảnh: Minh Tùng. 
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho biết, hiện tại ở Hà Nội, "đất vàng" bị bỏ hoang tồn tại dưới 2 dạng, một dạng là đất thuộc các dự án của các chủ đầu tư, dạng khác là quỹ đất dự trữ của quốc gia. Có thể thấy 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đất vàng" bị hoang hóa.
Thứ nhất, đối với "đất vàng" đã được giao cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án, nếu các chủ đầu tư không có năng lực dẫn tới việc chậm triển khai dự án thì đương nhiên những khu đất này sẽ bị bỏ dở. Nhìn vào thị trường bất động sản hiện tại, có thể thấy hiệu quả đầu tư cho các dự án này đang ở mức rất thấp. Bởi lẽ để kiềm chế lạm phát, Nhà nước đã giảm mức đầu tư cho bất động sản, dẫn tới việc các nhà đầu tư mất đi khả năng đầu tư cho dự án.
Thứ hai, đối với "đất vàng" nằm trong quỹ đất dự trữ của quốc gia, tức là đất chưa được giao cho ai, thì phải tùy theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư để đưa ra cho phù hợp. Nếu vội vàng giao đất trong thời điểm chưa thích hợp thì có thể dẫn tới hiệu quả đầu tư không cao.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định, nhìn chung các khu "đất vàng" bị bỏ hoang đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường bất động sản. Thực tế cho thấy, thị trường này đang rất trầm lắng, yếu ớt, tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư cũng rất hạn chế.
Ông Võ cũng đưa ra giải pháp nhằm hạn chế và giải quyết tình trạng "đất vàng" bị hoang hóa, đó là đánh thuế. Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, đối với các diện tích đất bị bỏ hoang, cần dùng biện pháp đánh thuế theo kiểu chậm triển khai một năm thì đánh thuế một năm, chậm triển khai nhiều năm thì đánh thuế nhiều năm và việc đánh thuế cần tính toán một cách phù hợp.
Cụ thể, ông Võ phân tích: Theo Luật Đất đai năm 2003, Nhà nước có quyền thu hồi các diện tích đất dự án không đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc thu hồi đất không phải là điều đơn giản. Bởi lẽ, khi thu hồi dự án, Nhà nước phải trích ngân sách để trả lại tiền đầu tư dự án trên đất cho các chủ đầu tư, đồng thời phải tìm nhà đầu tư mới. Nhưng nếu Nhà nước xuất ngân sách cho việc này thì sẽ gây khó khăn cho Nhà nước. Việc thu hồi các dự án cũng gây khó khăn cho các chủ đầu tư.
Việc thu hồi đất dự án chậm triển khai được coi là giải pháp mạnh để tránh tình trạng đất bị bỏ hoang nhưng nó lại không phù hợp mấy với thị trường bất động sản và gây nhiều trở ngại với các nhà đầu tư. Bởi thế, luật pháp nên cho nhà đầu tư quyền quyết định thực hiện dự án. Việc đánh thuế trên diện tích đất dự án bỏ hoang này có thể tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.
Cũng trao đổi về vấn đề này với Kiến Thức, một luật sư (đề nghị giấu tên) cho biết, theo quy định của pháp luật về đất đai, các dự án không được triển khai trong thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm có thể bị xem xét thu hồi. Trách nhiệm đối với các dự án như vậy sẽ thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp đã triển khai một số hạng mục công trình xây dựng, nhưng vì tình hình bất động sản không thuận lợi nên doanh nghiệp chậm triển khai dự án. Như vậy, nếu thu hồi những khu đất này, Nhà nước phải bồi thường cho doanh nghiệp. Nhưng nếu có thu hồi thì cũng chưa có doanh nghiệp nào muốn đầu tư tiếp vào dự án đó trong tình trạng bất động sản im ắng như hiện nay.
Trên thực tế, nhiều khu "đất vàng" thuộc các dự án đang được tận dụng để kinh doanh. Nhiều chủ đầu tư cho những cá nhân khác thuê để bán hàng hoặc làm sân bóng. Theo luật sư, việc kinh doanh trên các lô đất dự án bị bỏ hoang nói trên có thể được xem là chưa đúng với mục đích sử dụng đất và có thể bị thu hồi đất. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội chưa ban hành quyết định nào thu hồi đất như vậy.
Trường hợp các dự án bỏ hoang này làm ảnh hưởng đến môi trường thì các hộ dân xung quanh có thể tố cáo với cảnh sát môi trường TP Hà Nội để xử phạt hoặc có biện pháp khắc phục các yếu tố môi trường, luật sư này cho biết.
Đối với những dự án đã được các bên góp vốn, nếu dự án bị bỏ hoang, các bên góp vốn cũng không thể làm gì trong trường hợp này, trừ khi khởi kiện ra tòa để đòi lại tiền góp vốn.
Hải Sơn

Bình luận(0)