Bức tranh doanh nghiệp - doanh nhân 2014 tối hay sáng?

Google News

(Kiến Thức) - Bức tranh doanh nghiệp - doanh nhân 2014 sẽ thế nào? TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books - chia sẻ rất thẳng thắn về điều này.

"Điệp khúc" khó khăn lặp lại?
Trước hết, chúng ta hãy ngẫm mấy con số trước khi bình luận. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012. Mức tăng trưởng này được đánh giá là "thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi". Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu năm 2013 đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Tính chung cả năm, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
 CEO Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng năm 2014 các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. 
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã chính thức vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2013, một con số ấn tượng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thế giới.
Nhưng thực tế ở Việt Nam, đã có 60.373 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Chỉ khoảng 10% trong tổng số 800 doanh nghiệp niêm yết thực sự vượt qua khủng hoảng. Trong khi đó, ở lĩnh vực bất động sản, tổng giá trị tồn kho còn gần khoảng 95.000 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý 1/2013 nhưng vẫn là con số rất lớn. Nhìn vào các con số trên ai cũng thừa hiểu rằng năm 2013 thực sự là một năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng.
Không chỉ vậy, ở thị trường lao động, trong số khoảng 1 triệu người thất nghiệp thì một nửa là thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 24. Hơn 100.000 sinh viên ra trường không có việc làm.
Nguyên nhân theo tôi là ở chỗ nếu chúng ta chưa giải quyết được 3 vấn đề lớn là nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công thì chúng ta vẫn nằm trong bế tắc. Tôi muốn nhấn mạnh đến một khu vực, đó là kinh tế tư nhân. Đây là khu vực khó khăn nhất, khó gấp trăm ngàn lần so với nhóm kinh tế nhà nước hay đầu tư nước ngoài. Khu vực này luôn phải chịu thiệt đơn và kép. Họ không được trải thảm đỏ về đất, thuế... như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng không được ưu đãi về vốn, lãi suất, chế độ chính sách... như các doanh nghiệp nhà nước, thậm chí họ còn là đối tượng luôn nằm trong diện bị giám sát chặt chẽ.
Năm 2014, doanh nghiệp vẫn phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Có người đã mừng vội khi thấy nước ta xuất siêu gần 1 tỷ đô nhưng liệu nếu nhập ít thì lấy đâu ra nguyên liệu để xuất khẩu, bởi rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của nước ta chỉ là gia công. Cách đây hơn chục năm, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng khoảng 80% của Trung Quốc nhưng hiện nay chưa nổi một nửa. Nếu trong tương lai gần, các doanh nghiệp tư nhân không thật sự được cởi trói thì năm 2014, tương lai của các doanh nghiệp này sẽ không sáng thêm là mấy. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần có một sân chơi bình đẳng với các nhóm còn lại để tự phát triển và thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển.
Gỡ mắt xích bằng cách nào?
Tôi cũng đánh giá rằng trong năm 2013, phần lớn các doanh nghiệp đã tự nhìn nhận lại mình, tự thay đổi mình để lấy đà khôi phục cho năm 2014, tạo đà phát triển cho năm 2015. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Đây được coi là hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 2. Nếu nước ta ký kết được hiệp định này và các doanh nghiệp của chúng ta đã và đang chuẩn bị sẵn sàng thì sẽ có bước đột phá vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
Trong năm 2013, nhiều doanh nghiệp của nước ta, tiếc thay, vẫn có tư duy ăn xổi, tức là tập trung kiếm tiền cho trước mắt. Điều này cũng dễ hiểu bởi "cái khó không ló cái khôn" mà cái khó lại ló cái "bừa", khiến nhiều doanh nghiệp làm bừa và chộp giật. Cách làm này ở một mức độ nào đó có thể giết chết doanh nghiệp, bởi họ sẽ không có khách hàng truyền thống, thiếu khách hàng trung thành, dễ phá sản bất ngờ. Nhiều sai lầm trong các doanh nghiệp nhưng có lẽ lớn nhất là thiếu tầm nhìn. Lái tầu ra biển mà không quan sát xa được thì rất nguy hiểm.
Tôi nghĩ, chúng ta đã bước vào năm mới 2014, các doanh nghiệp cần nhanh chóng lấy lại tinh thần. Mỗi doanh nhân, thậm chí mỗi nhân viên trong doanh nghiệp phải xác định mình là cây tre Việt. Bão đến thì gập mình xuống, bão tan thì phải đứng thẳng lên, lúc nào cũng phải dẻo dai như tre, như lạt, phải bền như gốc tre ngâm bùn.
Tôi cho rằng bản lĩnh doanh nhân cần có chính là "trí óc, trái tim và khí phách". Hơn nữa trong thế kỷ 21 này ai cũng có thể lãnh đạo bởi ai cũng có thể phụng sự. Mỗi doanh nhân và doanh nghiệp cần tập văn hóa phụng sự. Cũng không thể không nhắc lại văn hóa mấu chốt, vô cùng quan trọng nhưng lại yếu nhất của người Việt chúng ta, đó là đoàn kết. Nếu chúng ta không xây dựng được văn hóa bó đũa, đoàn kết thì chúng ta khó tiến xa. Năm tới là năm Giáp Ngọ, nếu doanh nghiệp chúng ta biết đoàn kết thì có thể cùng nhau phi nước đại như mã đáo để thành công.
Cũng phải nói rằng nếu một doanh nghiệp thiếu kiến thức, cách thức và nhận thức thì khó có thể thành công, các cá nhân trong doanh nghiệp cũng khó có thể tiến xa.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books

Bình luận(0)