Câu hỏi trên được Bộ trưởng Thăng đưa ra khi nói về hiện tượng Uber đang được dư luận quan tâm tại buổi họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT sáng 2/12.
“Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường. Chi phí thấp, người dân thấy lợi khi sử dụng. Trên thế giới, người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm. Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân”, Bộ trưởng chỉ đạo.
|
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm. |
Liên quan việc xây dựng thể chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: "Quản lý nhà nước phải quản lý bằng pháp luật, bằng thể chế chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển".
Vì vậy, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT phải làm sao để đẩy GTVT phát triển theo hướng năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và DN, giảm chi phí quốc gia. Thể chế chính sách phải thật đơn giản, bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”, Bộ trưởng nói.
Chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng chắc chắn sẽ khiến nhiều người bất ngờ, Chủ tịch một hiệp hội vận tải địa phương nhận định. Theo vị này, vài ngày nay, trên báo chí và mạng xã hội đã nảy ra nhiều tranh luận nóng về nên hay không nên cấm Uber.
Người này nói: Chúng tôi đã đọc không ít thông tin từ cơ quan quản lý các cấp cho rằng, chưa có quy định thì dịch vụ uber chở khách thu tiền là trái luật, vi phạm quy định kinh doanh vận tải khách. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, luật chưa đề cập tới loại hình dịch vụ mới này thì không thể xử phạt. Chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng cho thấy một tư duy quản lý hết sức mới mẻ, là doanh nghiệp, chúng tôi hết sức vui mừng vì quan điểm này của cơ quan quản lý, vị chủ tịch hiệp hội vận tải này cho biết.
Trao đổi với PV, đại diện truyền thông Uber tại Việt Nam cho biết: “Về mặt pháp lý, tại Việt Nam, Uber có hợp tác với những công ty vận chuyển có đăng ký giấy phép kinh doanh với Nhà nước”. Tuy nhiên, đến nay, tức là 4 ngày sau khi 2 tài xế Uber bị thanh tra GTVT TPHCM kiểm tra, tạm giữ giấy tờ, công ty vẫn chưa tiết lộ thông tin về các đối tác này cho báo chí.
Dịch vụ mới
Uber là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác.
Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber).
Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard.
Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.