Bí mật quanh vụ mua Metro Việt của tỷ phú Thái Lan

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng, trước khi “thâu tóm” thành công tên tuổi đình đám Metro Việt Nam, tỷ phú giàu có Thái Lan đã từng... mua hụt.

“Chinh chiến” lâu dài
Thông tin tỷ phú nổi tiếng Thái Lan Dhanin Chearavanont, ông chủ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) muốn mua Metro Việt Nam đã xuất hiện từ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Reuters, vào đầu tháng 1 năm nay, đại gia bán lẻ Đức - Metro Group đã từ chối đề nghị trị giá 500 triệu USD, mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam của tỷ phú này. Thời điểm đó, người phát ngôn của Metro Group khẳng định: “Mảng kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam không phải để bán”.
 
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, tương lai Metro Việt Nam rơi vào tay tỷ phú Thái là khá rõ ràng. Dow Jones trích dẫn một nguồn tin cho biết, Chearavanont vẫn rất quan tâm đến mảng bán lẻ của Metro này và sẽ quay lại đàm phán. Một nguyên nhân nữa đó là khoản thua lỗ đáng e ngại của Metro trong suốt thời gian có mặt ở Việt Nam. Cụ thể doanh thu năm 2007, 2008 của Metro lần lượt là hơn 6.607 tỷ đồng và 8.175 tỷ đồng nhưng các khoản lỗ lần lượt là 157 tỷ đồng và 190 tỷ đồng.
Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỷ đồng, số lỗ cũng cao ngất ngưởng 160 tỷ đồng. Năm 2010 Metro có lãi nhưng đến năm 2011, công ty này lại về xu hướng quen thuộc khi khai lỗ 89 tỷ đồng.
Lý do khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài là do phải tập trung mở rộng đầu tư. Phía Metro giải thích rằng chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn, tương đương 300-400 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý.
Do nhiều năm thua lỗ, đến năm 2012, Metro đã lỗ lũy kế 598 tỷ đồng. Sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 công ty này còn lỗ 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD.
Và đúng như dự đoán, Metro Việt Nam vừa chính thức được bán với giá 879 triệu USD. Đại gia Thái Lan sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan. Đại diện Metro cho biết dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
Khối tài sản khổng lồ
Ông Chearavanont là tỷ phú giàu nhất Thái Lan và từng thực hiện nhiều thương vụ đình đám khắp châu Á, trong đó có vụ mua 15,6% cổ phần tại tập đoàn bảo hiểm Ping An của Trung Quốc với giá hơn 9 tỷ USD.
Theo thống kê của tạp chí tài chính Businessweek Bloomberg, vị tỷ phú này hiện có liên hệ với 83 thành viên hội đồng quan trị tại 11 tổ chức khác nhau thuộc 15 ngành nghề khác nhau. Theo bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes công bố hồi tháng 3, ông Chearavanont sở hữu khối tài sản ròng ước tính trị giá 11,4 tỷ USD, giàu nhất Thái Lan và xếp hạng 97 trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới.
 Tỷ phú Dhanin Chearavanont.
Năm 2012, Dhanin Chearavanont từng khiến cả thị trường bảo hiểm châu Á ngỡ ngàng, khi tung 9,4 tỷ USD mua toàn bộ 15,6% cổ phần của HSBC nắm giữ tại tập đoàn bảo hiểm lớn thứ hai Trung Quốc Ping An.
Đây chính là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử các doanh nghiệp Thái Lan, và xếp thứ 2 châu Á trong năm đó, chỉ sau kế hoạch chi 15,1 tỷ USD để thâu tóm công ty dầu mỏ Nexen của Canada do tập đoàn dầu mỏ CNOOC của Trung Quốc thực hiện.
Ngay từ những năm 1970, tập đoàn CP của tỷ phú này đã hầu như độc quyền ngành gia cầm và trứng tại Thái Lan, đồng thời mở rộng mạng lưới sang Indonesia, Nhật Bản và Singapore. Đến đầu những năm 2000, họ đa dạng hóa danh mục đầu tư sang ngành viễn thông, bán lẻ thông qua thương hiệu 7-Eleven.
Ngày nay, CP Group dưới sự kiểm soát của ông Chearavanont có một danh mục đầu tư đồ sộ và rộng khắp, từ việc nắm giữ hãng viễn thông True, tới các công ty thực phẩm CP Foods, hay chuỗi cửa hàng tiện lợi CP All.
Metro là một trong những tập đoàn bán lẻ quốc tế lớn có trụ sở tại Đức. Tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Hiện nay Metro Cash&Carry Việt Nam có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên.

 

Lê Thịnh (tổng hợp)

Bình luận(0)