Bị đẩy vào “chỗ chết”, công nhân của Dương Chí Dũng kêu cứu

Google News

(Kiến Thức) - Từng thuộc Vinalines của Dương Chí Dũng năm 2010, hiện hàng loạt cán bộ, công nhân viên Công ty Hải Hà đang sống dở, chết dở vì bị nợ lương nhiều năm.

Nợ lương từ khi thành lập công ty
Phản ánh tới Kiến Thức, chị Phạm Ngọc Huyền, đại diện cho tập thể người lao động Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà (Công ty Hải Hà) cho biết, toàn bộ cán bộ, công nhân viên làm việc tại đây đang rơi vào hoàn cảnh bi đát vì bị nợ lương, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác có liên quan, người ít nhất là 38 tháng, có người bị nợ tới 54 tháng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà được thành lập tháng 3/2007, với cam kết góp vốn của các tập đoàn, ngân hàng, Tổng công ty nhà nước, thực hiện nhiệm vụ “Đầu tư xây dựng và kinh, doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà” thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, nhưng hiện nay còn 3 cổ đông là 3 Doanh nghiệp nhà nước gồm Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinaline) và Tổng Công ty Sông Đà, trong đó Vinashin giữ vai trò là cổ đông chi phối và được giao làm đầu mối để báo cáo Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Khi thành lập Hải Hà, Vinacomin và Tổng Công ty Sông Đà đã góp vốn 5,1 triệu USD để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án. Trong khi Hải Hà đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư thì tháng 7/2010, thực hiện Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin, Hải Hà được chuyển giao sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline). Do những nguyên nhân khác nhau, người lao động vẫn bị nợ tiền lương, tiền đóng bảo hiểm và các chế độ có liên quan khác, đồng thời Vinaline đã báo cáo Chính phủ về việc không có khả năng thực hiện tiếp nhận Dự án Hải Hà.
Phối cảnh dự án Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà. 
Sau nhiều lần người lao động tại Hải Hà kiến nghị về việc giải quyết các khoản nợ đọng kéo dài và các chế độ có liên quan của doanh nghiệp đối với người lao động, ngày 11/7/2011, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý đã ký Thông báo số 165/TB/VPCP của Văn phòng Chính phủ để triển khai thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Chính Phủ về việc thực hiện Quyết định 926/QĐ – TTg, trong đó có nêu trách nhiệm của Vinashin là đơn vị có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tồn tại của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà.
Tuy nhiên, kể từ đó cho tới nay, cán bộ, công nhân viên của Hải Hà vẫn chưa được giải quyết bất cứ chế độ nào dù Công ty Hải Hà đã tổ chức nhiều phiên họp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này khiến người lao động vô cùng bức xúc.
“Chúng tôi đều là những lao động chính trong gia đình, có người đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, từng tham gia quân ngũ kháng chiến đánh giặc, được kết nạp Đảng trong chiến đấu, nhưng vẫn bị công ty“ đem con bỏ chợ” , bị nợ lương, bảo hiểm và các chế độ khác đến 3 - 4 năm trời kéo theo sự cơ hàn, túng quẫn cả thể xác và tinh thần. Nhiều người ốm đau không có tiền chữa trị, đến Đảng phí, Công đoàn phí cũng không thể đóng được..” chị Huyền cho hay.
Muốn nghỉ việc cũng không xong
Sau khi tập thể người lao động Công ty Hải Hà có đơn thư kêu cứu lên các cấp chính quyền về việc bị nợ lương, bảo hiểm, ngày 4/9/2013 Hải Hà đã tổ chức họp để thực hiện các nội dung chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tại Văn bản số 1857/CNT-TCNS ngày 19/7/2013, về việc xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu Tâp đoàn. Tại cuộc họp, tất cả người lao động đều rất bức xúc và phản ứng gay gắt về hiện trạng nợ lương, nợ bảo hiểm và các chế độ được hưởng, cũng như cách thức triển khai trong tình trạng Hải Hà hiện nay của cấp chủ quản.
Nngười lao động cũng yêu cầu Công ty Hải Hà phải thanh toán dứt điểm toàn bộ nợ lương, nợ bảo hiểm các loại theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, trước khi làm các thủ tục chính thức chấm dứt Hợp đồng lao động.
Vinashin vẫn thờ ơ với tình trạng túng quẫn của người lao động. 
Gần đây nhất, ngày 24/12/2013, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn số 14060/BGTVT-QLDN gửi Tổng công ty công nghiệp tàu thủy về việc phản ánh, kiến nghị của công đoàn và tập thể người lao động Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà sau khi Văn phòng chính phủ có công văn 10532/VPCP-VI chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xử lý kiến nghị của người lao động.
Ngày 21/1/2014, Ban lãnh đạo của Công ty Hải Hà tiếp tục có cuộc họp để tiếp tục kiến nghị về việc giải quyết nợ lương và các chế độ cho cán bộ nhân viên. Tại cuộc họp này, đại diện người lao động đã đưa ra kiến nghị nếu không có tiền trả thì giải quyết cho các nhân viên nghỉ việc để họ còn tìm công việc khác. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí để thanh toán lương nợ và chế độ bảo hiểm nên phía Hải Hà cũng chưa thể cho cán bộ, nhân viên nghỉ việc khiến người lao động sống dở chết dở vì không thể đi tìm công việc khác.
Chị Huyền cho biết, hiện tổng số cán bộ, công nhân viên của Hải Hà đang bị nợ lương là 28 người với tổng số tiền khoảng 6 tỷ đồng.
Trao đổi với Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Nguyên – Tổng giám đốc Công ty Hải Hà thừa nhận: Đúng là có tình trạng nợ lương và các chế độ khác của người lao động trong nhiều năm qua tại đơn vị này.
“Vấn đề nợ lương của người lao động suốt gần 4 năm qua cũng khiến chúng tôi đau đầu tìm cách giải quyết nhưng sau nhiều cuộc họp với Hội đồng quản trị công ty, vấn đề này vẫn dậm chân tại chỗ. Trước tình cảnh khó khăn của cán bộ, công nhân viên, hiện ý kiến của 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là sẽ mỗi bên góp một ít vốn để giúp đỡ người lao động, nhưng phía Vinashin – cổ đông lớn nhất thì lại chưa đồng tình”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, bản thân Ban giám đốc công ty cũng không thể làm gì được vì không có kinh phí để chi trả lương cho người lao động. Hiện số tiền 5,1 triệu USD của công ty Hải Hà đang bị Vinashin cho 1 đối tác khác cùng Tập đoàn vay vẫn chưa đòi được. “Hiện, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào động thái từ phía Vinashin”, ông Nguyên khẳng định.
Nguyên Đan

Bình luận(0)