Đua nhau lên đại ngàn chữa… vô sinh

Google News

Bài thuốc chữa bệnh vô sinh của mế Mụi đều là những vị thuốc lấy từ thân, rễ, hoa và lá của cây rừng. Bao gồm rất nhiều loại khác nhau. Muốn lấy được chúng phải vào tít trong rừng sâu.

Đến bản Hạ Sơn (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) nơi giáp biên này không phải là chuyện có thể làm trong ngày. Nhưng tiếng lành của mế Tặng Thị Mụi có biệt tài chữa bệnh vô sinh khiến nơi đây đã trở thành một điểm đến của không ít người...

Đi tìm người chữa bệnh vô sinh!
 
Theo chân một người bạn từ dưới thành phố Thanh Hoá ngược đường lên nhà mế Mụi, với hy vọng chuyến đi này sẽ mang lại cho vợ chồng anh một mụn con. Năm này anh đã ngoại tứ tuần, gia đình kinh tế khá giả nhưng vì nhiều lý do đến nay nhân khẩu trong nhà vẫn chưa tăng lên. Anh, chị đã chạy đôn, chạy đáo đi các nơi khi nghe người này, người kia giới thiệu nhưng kết quả vẫn là con số không tròn chĩnh. Không khí trong nhà cứ lạnh dần, vợ anh thường xuyên đi lễ các nơi mong sớm có phúc. Đón xe Hải Muối ngay ở bến phía Tây, chúng tôi bắt đầu hành quân. Trước khi lên xe anh bạn tôi còn có nguyện vọng đón được mế Mụi xuống thành phố để gia đình sớm có tiếng trẻ con cho vui cửa, vui nhà. Trên tuyến đường lên vùng biên này chỉ có nhà xe Hải Muối hoạt động, bởi đường xá rất khó khăn, nếu là tay lái “lụa” thì đi từ sáng sớm tới tận chiều tối mới tới được thị trấn Mường Lát. Nhưng nếu gặp phải mùa mưa, núi lở, đường sạt có khi bị vùi luôn dưới núi đất, đá hoặc rơi xuống dòng sông Mã đang gầm gừ. Cũng may là chuyến hành quân của anh em tôi vào đầu tháng 5 nắng như thiêu, như đốt, chọc trời cũng không lấy một hạt mưa. 
 
 Mế Mụi bên bảng hiệu thuốc của mình

Xe tới Pù Nhi vào cuối buổi chiều, đứng trên đường nhìn xuống khung cảnh núi đồi thật hùng vĩ. Xa xa thấy các bản với những ngôi nhà như các chấm nhỏ. Ở đây dân cư rất thưa thớt, đời sống người dân còn rất khó khăn. Khi hỏi về nhà mế Mụi từ già đến trẻ ai cũng biết, họ chỉ đường một cách rất tận tình. Anh bạn tôi cười vững tin vì sự “nổi tiếng” của người mình đang lặn lội tới cậy nhờ. Nghe người dân kể lại, nhà mế trước ở tận bản Pù Quăn cao lắm, cách đây mười năm, hưởng ứng cuộc vận động của huyện Mường Lát, cùng với nhiều hộ gia đình khác mế chuyển xuống nơi ở mới, sát con đường vào thị trấn. Hạ Sơn cũng chính là cái tên được đặt ra để nhớ tới cuộc vận động đó của địa phương. May cho chúng tôi, chứ mế cứ định cư ở trên đó có khi anh em phải đào ngũ giữa đường! Cũng theo người chỉ đường, gia đình mế có truyền thống chữa bệnh lâu đời rồi nhưng tập tục của người Dao chỉ truyền lại cho con dâu hoặc con gái chứ không phải con trai. Ban đầu là những bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối, chữa đau dạ dày thông thường còn chữa bệnh vô sinh thì khác. Người Dao muốn chữa bệnh vô sinh thì “truyền nhân” bao giờ cũng phải đến hết tuổi sinh nở mới lĩnh ngộ được. Hay đúng hơn là sự lĩnh ngộ mới có hiệu nghiệm. Cũng chính vì vậy, trên năm mươi tuổi, đã qua tuổi sinh con, mế mới được mẹ chồng truyền lại cho bài thuốc này. 

Năm nay đã hơn tuổi 90 nhưng mế Tăng Thị Mụi vẫn giữ được một sức khỏe dẻo dai và tinh thần minh mẫn. Chắc đã quá quen với những vị khách như chúng tôi, mế mời vào nhà và rót rượu mời. Mế bảo uống rượu này sẽ hồi phục sức khoẻ, cơ thể dẻo dai, cường tráng. Chưa xong chén rượu, mế Mụi đã mớm lời để anh bạn tôi vào chuyện. Không giấu giếm, anh cho mế Mụi biết là vợ chồng anh cưới nhau đã gần 10 năm nhưng chưa có con, thuốc chữa chạy cũng nhiều  mà không hiệu quả. Đi khám thì các bác sỹ kết luận là do anh, tinh trùng loãng không thể đậu thai được.
 
Phương thuốc bí truyền
 
Nghe câu chuyện của anh bạn tôi, mế Mụi cười đôn hậu. Cũng chẳng phải chần chừ anh ngỏ lời mời mế hạ sơn một chuyến tốn kém bao nhiêu cũng được. Nhưng anh chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối, mế bảo: không đi đâu được vì tuổi cao, lại phải truyền nghề cho con dâu và ở đây giúp thêm nhiều người nữa. Mế làm nghề cốt không phải vì tiền. Còn việc của anh, mế sẽ giúp. Căn bệnh vô sinh, khi chồng hay vợ được xác định là “có vấn đề" thì hướng tập trung sẽ dành cho người ấy. Khi dùng thuốc, phải tuyệt đối kiêng ăn các chất tanh như tôm, cá, hải sản, kiêng lạnh... Hạn chế uống rượu và ăn thịt chó vì đó là những thức ăn nhiều đạm, khí hỏa dễ hỏng việc. Không những thế, vợ chồng muốn có con cần phải “cách ly” ít nhất 1 tuần, bởi đây là giai đoạn chuẩn bị lực lượng và tinh thần. Khi vào trận chiến sẽ có sức khoẻ và tinh thần sung mãn nhất. Một đợt điều trị kéo dài hai tháng, nếu lâu thì bốn tháng. Đây là chữa vô sinh nên cần cẩn thận, cẩn tắc vô ưu mà. Chứ còn chữa bệnh bệnh bất lực, yếu sinh lý thì có thế đơn giản hơn.
 
 Mế Mụi bên bảng hiệu thuốc của mình

Bài thuốc chữa bệnh vô sinh của mế Mụi đều là những vị thuốc lấy từ thân, rễ, hoa và lá của cây rừng. Bao gồm rất nhiều loại khác nhau. Muốn lấy được chúng phải vào tít trong rừng sâu. Mế Mụi tâm sự: Ở ngoài này thuốc quý không còn nhiều nữa, khó kiếm lắm bắt buộc phải đi thật xa vào trong. Bên ngoài người ta cũng đi lấy về làm thuốc Nam, có người còn lấy về bán sang Trung Quốc. Thuốc đã hiếm lại càng thêm hiếm. Trong thang thuốc của mế Mụi, có thể thay thế được ở vài ba vị nhưng dứt khoát không thể thiếu củ nâu sần (củ thuốc có thân dài hơn củ nâu, vỏ sần sùi, chi chít những xơ dài cứng), thân cây Pằn Pắn và hoa Du Dẻ. Mế Mụi bảo đó là ba vị thuốc chủ lực không thể thiếu để dung hòa và đóng vai trò kết nối với tác dụng của ba vị thuốc còn lại. Nếu chỉ thiếu một vị thì dứt khoát không thể thành công. 
 
Đang ngồi xem và nghe mế chỉ dẫn, căn dặn thì có một người phụ nữ dắt theo đứa con trai tới. Ở đầu ngõ, chị ta đã kêu “mẹ nuôi, mẹ nuôi”. Chưa hiểu chuyện gì, thì mế bảo đó là con Le. Chị Sùng Thị Le, ở bản Poọng (xã Quang Chiểu) lấy chồng mấy năm mà chưa có con, chị bị nhà chồng nghi ngờ, đánh đập thường xuyên vì tội không biết đẻ. Không biết ai giới thiệu chị tìm và được mế Mụi bốc thuốc cho uống. Chẳng mấy chốc mà bụng chị đã vượt mặt, rồi sinh liền 2 năm 3 đứa. Khi có niềm vui này gia đình chị nhận mế làm mẹ nuôi. Chị Le chưa kịp ngồi, mế đã sai lấy cuốn sổ trong dưới cái tủ ở góc giường ra. Đó làm cuốn sổ đã cũ, màu vàng, mế lật từng trang ghi rõ ngày tháng của từng người, bốc thuốc, chữa bệnh ở đây trong số đó có rất nhiều người ở Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội, Sơn La… Nhiều người khi nguyện ước đã thành gọi điện về cho mế Mụi cảm ơn rối rít, ghi lại địa chỉ, số điện thoại mời mế có điều kiện đi chơi một chuyến.
 
Giá của mỗi thang thuốc mế Mụi chỉ 100 nghìn đồng, anh bạn tôi đưa thêm để lấy chỗ “đi lại” nhưng mế không nhận. Mế bảo có nhiều cặp vợ chồng ở các bản xa đến lấy thuốc nhưng không có tiền ta cũng cho thuốc về uống. Tới khi có con, họ chỉ mang con gà, chai rượu đến biếu là mừng rồi. Giúp người cốt ở cái tâm. Cũng chính vì điều này mà nhiều năm bốc thuốc chữa bệnh mà gia đình mế Mụi vẫn chỉ ở trong căn nhà đơn sơ bên đường. Cuộc sống của mế thấy vui hơn khi giúp đỡ được nhiều người.
 
Ngoài bốc thuốc chữa vô sinh, các bài thuốc chữa yếu sinh lý, đau lưng của mế Mụi cũng được nhiều người dùng và khỏi bệnh. Điều làm mế Mụi trăn trở nhất là giờ không còn đủ sức khỏe nữa để bốc thuốc giúp người. Những năm gần đây, bài thuốc chữa bệnh vô sinh đã được mế Mụi truyền lại cho người con dâu là Pà Thị Mế. Tuổi cao sức yếu nên số lần đi rừng, leo núi lấy thuốc của mế Mụi giảm dần. Truyền nhân của mế là cô con dâu cũng rất có khiếu về việc này, chỉ trong một thời gian ngắn những phương thuốc bí truyền đã lĩnh hội và có thể bốc thành thạo. Thế là những bài thuốc quý của người Dao sẽ không bị thất truyền. Đó là hy vọng đối với rất nhiều người không suôn sẻ về đường con cái như anh bạn tôi. Trước khi ra về anh bạn tôi cúi chào mế, hẹn một ngày gặp lại. Nếu có con chắc hẳn anh sẽ mang vợ con lên cảm ơn mế, người chữa bệnh vô sinh giữa đại ngàn.
Theo Công Lý

Bình luận(0)