Vị của cà phê

Google News

Mỗi sáng, có rất nhiều người sẽ giống tôi: Gọi một ly cà phê thơm lừng để tạo hưng phấn cho một ngày làm việc vất vả.

- Mỗi sáng, có rất nhiều người sẽ giống tôi: Gọi một ly cà phê thơm lừng để tạo hưng phấn cho một ngày làm việc vất vả.

Tôi cũng hỏi nhiều người có hiểu gì về cà phê không? Ai cũng ngạc nhiên rồi vặn lại: Uống là uống thôi chứ tìm hiểu làm gì. Tôi cũng chẳng hiểu gì về cà phê chồn hay cáo rồi cách chế biến cà phê, cách pha cà phê sao cho ngon nhưng tôi  biết cà phê chỉ có thể ngon khi được trồng ở đất cao nguyên.

Tuần trước, tôi đi qua thị trấn M’Đrăk, nơi được coi là thủ phủ cà phê của Buôn Mê Thuột. Xe chạy dọc theo con đường qua thị trấn M’Đrăk. Bạt ngàn hai bên là cà phê và cứ có khoảng sân nào trống là người ta phơi cà phê.

Cà phê
Cà phê Việt Nam cần được đi khắp thế giới.

Tôi đọc một bài báo nói về khát vọng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người làm nên thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng mong muốn xây dựng Buôn Mê Thuột thành thủ phủ cà phê không  những của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Một ý tưởng có vẻ ngông cuồng nhưng cũng thật táo bạo và đáng làm.

Tôi nhớ có chiều ngồi trong một quán cà phê trên Vincom, ngắm Hà Nội nhộn nhịp bên dưới, bỗng tôi đọc trên bảng thực đơn đồ uống thấy Cà phê Việt Nam lại có giá tiền cao hơn cà phê Mocha hay Capucino ngoại. Một ly Mocha của Brazil giá 22.000đ thì của Việt Nam là 30.000đ cùng loại. Đáng tự hào đấy chứ? 

Khi từ Buôn Mê Thuột về Nha Trang tôi dừng lại ở một quán cà phê ven đường và  gọi một ly cà phê nóng. Mùi cà phê thơm lừng. Và có lẽ ở đâu thì cà phê vẫn luôn có mùi thơm thật quyến rũ. Nó làm tôi nhớ đến ly cà phê khi ở Zuy-rích (Thụy Sĩ) vào một sáng mùa đông tuyết vừa rơi xuống. Chao ôi! Cái vị cà phê thơm bốc lên từ cái ly nóng hổi mà người phục vụ vừa mang ra gợi nhớ quê nhà làm sao. Chỉ tiếc đấy lại là cà phê của Brazil.

Sao không phải là cà phê Việt Nam nhỉ?

Đức Trung
[links()]

Bình luận(0)