Nó thân quen đến nỗi nếu hôm nào không được nghe, mọi người đều nhắc đoán: "chắc hôm nay ông ốm"...
Tiếng sáo diều đã đi vào thơ, ca dao. Là phần kí ức tuổi thơ của bao thế hệ quê tôi. Nhưng nay đã xa vào dĩ vãng.
|
Ảnh Internet |
Ngày xưa, cứ độ hè, người dân quê tôi lại được nghe tiếng sáo vi vu vi vu quen thuộc. Những tối trăng thanh gió mát, mọi người thường cùng nhau ra sân ngồi, vừa chuyện trò vừa thưởng thức thứ “quà quê” tinh thần đặc trưng ấy.
Không phải ai cũng may mắn có được thứ quà ấy. Bởi không phải vùng quê nào cũng có người chơi sáo diều. Cả mấy xã chỗ tôi cũng chỉ có một người biết và đam mê chơi diều sáo. Mọi người thường gọi: sáo diều ông Châu.
Không biết ông chơi diều sáo từ bao giờ, nhưng lớp tuổi chúng tôi đều được lớn lên cùng tiếng sáo thân thương ấy. Nó ngân vang cả một vùng. Bao đêm hè, tiếng vuu...vuu...vuu... như lời hát ru đưa chúng tôi vào giấc ngủ.
Nó thân quen đến nỗi nếu hôm nào không được nghe, mọi người đều nhắc đoán: “chắc hôm nay ông ốm”. Thường chỉ những hôm mưa ông mới nghỉ. Chứ ông bảo: “được nghe tiếng sáo là thấy người khỏe ngay”.
Chúng tôi càng lớn lên, tiếng sáo càng thưa dần. Đồng nghĩa với tuổi ông đã cao, sức ông dần khó đâm nổi con diều dài hai mét với cái sáo bằng bắp chân. Dường như con diều không thể cất nổi khi thiếu ông.
Một năm, hai năm... ban đầu còn thấy trống vắng, có phần hụt hẫng. Rồi mọi người cũng quen dần với những đêm hè không tiếng sáo. Cuộc sống hiện đại, tốc độ đô thị hóa cuốn người ta vào guồng kiếm sống làm giàu.
Thứ “quà quê” giản dị ấy cũng không còn hấp dẫn để người ta phải cố kiếm tìm. Đã có thứ giải trí hay hơn, hiện đại hơn như đầu đĩa, karaoke... Bọn trẻ không được nghe sáo diều, mà nếu có chắc chúng cũng chả thích. Những trò game, chat online hấp dẫn chúng hơn.
Những người gắn cả tuổi thơ với tiếng sáo ông Châu muốn tìm lại. Tôi biết con cháu ông cũng rất đam mê. Nhưng làm sao có thể thả diều, khi ngước nhìn là chằng chịt dây điện cao thế, hạ thế...?
Đâu đó trên những vùng quê khác, vẫn may mắn được nghe vi vu sáo diều. Còn dân quê tôi, chắc khó được nghe lại “lời của gió”, thứ “quà quê” giản dị, thanh khiết biết bao!
Trần Đức Hiển