- Có tiếng chuông gọi cửa. Người đưa thư bấm chuông. Cái túi phía đằng sau xe máy của ông chủ yếu là báo.
Tôi tò mò mở ra: Một cái bưu thiếp chúc mừng, nét chữ viết tay với một lời chúc hạnh phúc, bình yên. Hóa ra một bức thư tân nước Nga xa xôi từ một người bạn cũ mà mấy năm trước khi sang thăm lại chốn cũ tôi gặp bạn.
Tôi cứ nhìn mãi lá thư và cảm thấy dễ có đến 10 năm nay, tôi không còn thói quen viết thư cũng như nhận thư. Hôm trước, đọc bài báo viết về người viết thư thuê cuối cùng ở bưu điện Sài Gòn đã không còn nữa. Có lẽ không còn ai theo nghề này bởi không còn ai có ý định viết thư. Và lý do không còn viết thư cũng như chẳng còn mấy người có thói quen nhận thư bởi internet, điện thoại di động đã khiến văn hóa thư từ gần như biến mất.
|
Ảnh minh họa |
Đôi khi tôi cũng cố gắng cầm bút những nét chữ đã trở nên quá nguệch ngoạc. Tay đã quá quen với lướt trên bàn phím và mất dần đi thói quen cầm bút trên tờ giấy.
Hồi học phổ thông, tôi vẫn nhớ một câu chuyện đầy ấn tượng: Một nhóm các nhà thám hiểm đi sâu vào rừng Tai-ga và không thể trở về. Mỗi ngày họ viết một lá thư và họ không thể gửi được vì làm gì có bưu điện và bưu tá. Câu chuyện “những lá thư không gửi” đã khiến tôi có một bước ngoặt lớn trong đời: thi vào trường địa chất.
Và khi tôi yêu nàng, tôi rụt rè viết cho nàng lá thư. Một kẻ hơi xấu chơi học cùng nàng đã giấu là thư suốt nửa năm trời. Và chút xíu nữa tôi và nàng chỉ đi lướt qua nhau chứ không gắn với nhau đến tận bây giờ khi tôi đã luống tuổi nếu bức thư không vô tình rơi ra từ một quyển sách.
Tôi bỗng giật mình. Đã có một thời, những lá thư khiến con người gần nhau hơn và những lá thư đã dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện đẹp đẽ để thế giới tốt đẹp hơn. Vậy mà bây giờ những lá thư gần như đã bị lãng quên.
Tôi định hỏi người đưa thư rằng mỗi ngày ông chuyển bao nhiêu thư, nhưng đã thấy bóng ông ở xa rồi. Không biết tôi có còn gặp lại ông nữa không, bởi không lâu nữa chính tôi cũng quên ông là Người đưa thư.
Đức Trung