Ứng xử của người Phật tử đi chùa trong ca dao

Google News

Đối với chư Tăng, tục ngữ nhắc người Phật tử về tâm niệm: "Kính Phật phải trọng Tăng".

Hơn 20 thế kỷ đồng hành cùng văn hóa Việt Nam, Phật giáo đã thẩm thấu vào nguồn mạch văn học dân gian để sản sinh ra những câu ca dao - tục ngữ mang đậm dấu ấn triết lý nhà Phật, trong đó có những câu đề cập đến văn hóa ứng xử của người Phật tử khi đi chùa.
Thông qua khảo sát tư liệu ca dao - tục ngữ, tuy không thể đầy đủ tất cả các lễ thức oai nghi của người Phật tử trong chốn tu hành nhưng cũng có thể nói lên những nét chính yếu để giữ gìn vẻ nghiêm tịnh cho môi trường tu tập.
 Khi đã bước chân vào cửa chùa, những hơn thua về địa vị, tài sản, quyền lực v.v... đều phải xả bỏ bên ngoài chỉ còn giữ lại một tâm thức thành kính, trong sạch đến chốn thiền môn. Ảnh minh họa.
Đối với chư Tăng, tục ngữ nhắc người Phật tử về tâm niệm: “Kính Phật phải trọng Tăng” vì đó là những người có đạo hạnh đáng kính, người trao truyền và giảng giải Phật pháp cho chúng sinh, là nhịp cầu nối đưa đạo đến với đời. Lễ nghi đầu tiên khi bước vào chùa là: “Tiên bái trụ trì, hậu bái Thích Ca”. Lên chánh điện lạy Phật phải từ tốn khoan thai giữ gìn oai nghi người Phật tử. Nếu có gặp những bậc tu hành thì cũng phải tỏ lòng thành kính:
Im như Bụt mọc trên chùa,
Con vào chánh điện đừng đùa với Sư.
Cúi lạy con phải từ từ,
Đừng có vội vã mà hư thân mình.
Đối với tài sản của Tam bảo, người đi chùa được khuyên không nên khởi phát lòng tham để tránh những quả báo xấu về sau: “Của già-lam chớ tham mang tội”.
Khi đã bước chân vào cửa chùa, những hơn thua về địa vị, tài sản, quyền lực v.v... đều phải xả bỏ bên ngoài chỉ còn giữ lại một tâm thức thành kính, trong sạch đến chốn thiền môn. Tự tính của chúng sinh là bình đẳng nên mỗi người cần giữ cho mình thái độ khiêm cung và hòa đồng với những bạn đồng tu, những thiện nam tín nữ đi chùa khác:
Mỗi người một nước, một non,
Tới cửa nhà Phật như con một nhà.
Phật tử đến chùa chỉ nên tập trung tu hành hoặc vấn đạo đối với chư Tăng, không nên có thái độ hơn thua và ganh ghét nhau:
Ở đây có cảnh có chùa,
Sớm hôm nghe pháp hơn thua làm gì.
Ai nhất thì tôi lại nhì,
Ai tu hơn nữa tôi thì thứ ba.
Việc tu hành cốt ở tâm chứ không phải hình thức bên ngoài mong người kính nể ngợi khen. Người tu chân chính không bao giờ tranh với đời, bản thân chịu thiệt một chút cũng không sao. Tự mình biết mình là được, nhường nhịn ai được thì cứ nhường để giữ gìn hòa khí trong chốn thiền môn nghiêm tịnh.
Đến chùa cùng tu tập là một thuận duyên vì “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Nếu tu một mình hay bị cám dỗ bởi thói lười biếng tự thân thì ở chùa trong một tập thể cùng tu sẽ cảm thấy có động lực. Nhà Phật có câu “sức chúng như đại hải” vì có thể tùy duyên giúp chúng sinh nhiếp tâm tinh tấn tu hành. Trong môi trường như vậy chỉ nên tập trung tu, bỏ qua tất cả những chuyện phàm trần khác để hướng đến mục đích giải thoát cao cả của đời người:
Ở đây gần bạn gần thầy,
Công phu sớm tối có ngày Tây phương.
Bên cạnh việc dựa vào sức đại chúng, người tu còn phải biết tự nương tựa vào sức lực và trí tuệ của chính mình. Tuy nhiên không vì thế mà trở nên ngã mạn với bản lĩnh tự thân, luôn phải biết khiêm nhường trong đối nhân xử thế. Ý này được chuyển vào thơ ca dân gian:
Ai lên Hương Tích cảnh thiền,
Dừng chân chiêm bái tôi khuyên đôi lời.
Hãy tin tiềm lực con người,
Đừng trông đừng đợi trên đời ngoài ta.
Cũng đừng học thói kiêu sa,
Khiêm cung cẩn trọng mới là chính tâm.
Tin vào thực lực “đừng trông đừng đợi trên đời ngoài ta” nhưng cũng biết “khiêm cung cẩn trọng mới là chính tâm”, đây mới là con đường trung đạo của nhà Phật. Người không để rơi vào cực đoan nhị biên thì việc tu hành mới tiến bộ và đi đúng hướng.
Nguyện cầu mỗi tín đồ Phật giáo nói riêng và mỗi người dân nói chung khi đến chùa đều có thể giữ đúng oai nghi, tu tập đúng pháp. Ảnh minh họa. 
Bước chân vào cửa thiền, mỗi Phật tử cần thấm nhuần bài học đạo đức Phật giáo về việc trừ tam độc tham sân si. Chung quy những giới luật nhà Phật đều có thể tóm gọn trong 3 việc: đừng si mê, đừng tham ái và đừng sân hận. Bài học này được đưa vào ca dao một cách nhẹ nhàng, có vần điệu, dễ thẩm thấu đối với người tiếp nhận:
• Những ai bước tới cửa thiền,
Nhớ lời Phật dạy trong miền nhân gian.
Chừa dâm, chừa độc, chừa tham.
Trừ ba nết ấy mới làm ăn nên.
• Sân si nghiệp chướng không chừa,
Bo bo giữ lấy tương dưa làm gì.
Bỏ những tính xấu ấy thì sự tu tập hay làm bất cứ việc gì trên đời mới hiệu quả và thành tựu được. Đạo Phật quan trọng sự chuyển hóa nội tâm của mỗi con người chứ không chấp vào hình thức tu tập bề ngoài. Dù chăm chỉ đi chùa hay cố gắng trường chay “bo bo giữ lấy tương dưa” thì cũng chỉ là phí công vô ích nếu trong tâm không thật sự “chừa dâm, chừa độc, chừa tham” và “sân si nghiệp chướng không chừa”.
Những cách thức tu hành và đối nhân xử thế của người Phật tử khi đi chùa được đưa vào ca dao - tục ngữ một cách rõ ràng, dễ hiểu. Vần điệu du dương cùng ngôn từ trong sáng của thơ ca dân gian khiến bài học về văn hóa ứng xử trở nên dễ tiếp nhận đối với đại đa số người dân, từ đó cũng dễ ứng dụng vào cuộc sống đời thường. Nhân mùa an cư kiết hạ, tác giả xin tặng bài viết này cho tất cả những ai đã, đang và sẽ có duyên lành với Phật pháp. Nguyện cầu mỗi tín đồ Phật giáo nói riêng và mỗi người dân nói chung khi đến chùa đều có thể giữ đúng oai nghi, tu tập đúng pháp và ra về trong niềm an lạc vô biên, công đức trọn lành.
Vũ Thị Hạnh Trang
_________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lệ Như Thích Trung Hậu, Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam, Nxb.TP.HCM, 2002.
2. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) – Nguyễn Thúy Loan – Phan Lan Hương – Nguyễn Luân, Kho tàng ca dao người Việt – tập 1 và tập 2, Nxb.Văn Hóa Thông Tin, HN, 2012.
3. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) – Nguyễn Thúy Loan – Phan Lan Hương – Nguyễn Luân, Kho tàng tục ngữ người Việt – tập 1 và tập 2, Nxb.Văn Hóa Thông Tin, HN, 2012.
Theo Giác Ngộ

Bình luận(10)

Minh Hiền

Vision

"Đối với tài sản của Tam bảo, người đi chùa được khuyên không nên khởi phát lòng tham để tránh những quả báo xấu về sau: “Của già-lam chớ tham mang tội” - hy vọng nhiều người đọc được và ngẫm ra điều này, tham ở ngoài đã xấu rồi tham của chùa còn nhiều quả báo hơn đó

Minh Hiền

Nhã Phương

@Vision: đúng vậy, mình chưa thấy ai tham của chùa mà không bị phạt cả, cho dù Thánh không phạt thì lương tâm con người ta đến lúc chết cũng không được thanh thản, ấy cũng chính là báo ứng

Minh Hiền

Vision

"Đối với tài sản của Tam bảo, người đi chùa được khuyên không nên khởi phát lòng tham để tránh những quả báo xấu về sau: “Của già-lam chớ tham mang tội” - hy vọng nhiều người đọc được và ngẫm ra điều này, tham ở ngoài đã xấu rồi tham của chùa còn nhiều quả báo hơn đó

Minh Hiền

Nhã Phương

@Thanh Thủy @ Thúy Huệ: đồng ý với quan điểm 2 bạn

Minh Hiền

Thanh Thủy

@Thúy Huệ: đâu nhất thiết phải cầu xin đúng không, đi chùa cốt cho cái tâm thanh thản, suy nghĩ sạch sẽ là được rồi.

Minh Hiền

Thủy Anh

Những ai bước tới cửa thiền, Nhớ lời Phật dạy trong miền nhân gian. Chừa dâm, chừa độc, chừa tham. Trừ ba nết ấy mới làm ăn nên. • Sân si nghiệp chướng không chừa, Bo bo giữ lấy tương dưa làm gì.

Minh Hiền

Đỗ Thúy Huệ

Ngày nay quá nhiều người đi Chùa nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, cầu đủ thứ, tui đi chùa toàn vãng cảnh, nói chuyện dăm ba câu với Sư thầy, Sư bác rồi về, thế cũng đủ thanh thản rồi

Minh Hiền

Huyen Lee

ưng câu này quá thể Im như Bụt mọc trên chùa, Con vào chánh điện đừng đùa với Sư. Cúi lạy con phải từ từ, Đừng có vội vã mà hư thân mình.

Minh Hiền

Vân Anh

theo quan điểm cá nhân của tôi, việc tu hành cốt ở cái tâm.

Minh Hiền

Lucky

Đúng là phải kính Phật - trọng Tăng, nhưng nhiều Phật tử ngày nay ra chùa chỉ kính Phật chứ chưa trọng Tăng