Xu hướng “trần tục hóa” Phật Di Lặc qua tranh, tượng

Google News

(Kiến Thức) - Theo quan niệm của thuật Phong thủy phương Đông, tượng Di Lặc, bình bạc, xâu tiền xu... được xếp vào Tài thần.

Nguồn gốc của đức Phật Di Lặc:
Bồ tát Di Lặc được coi là vị Phật thứ 5, vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên Trái đất sau khoảng 30.000 năm nữa, thay thế Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Phật giáo Tây Tạng, Phật Di Lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Ở lĩnh vực tranh tượng, Phật Di Lặc thường ngồi trên ngai vàng, chân bắt chéo hoặc đặt xuống sàn với hàm ý sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Ở những hình ảnh ban đầu, Phật Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử thanh mảnh, tuấn tú, thường mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ.
Nếu căn cứ theo hình tượng chúng ta thờ thì không có hình tượng của đức Bồ Tát ở Ấn Độ, mà đó là hình tượng đức Di Lặc ở Trung Hoa. Nhiều thuyết nói đức Di Lặc hiện giờ đang ở trên cung trời Đâu Suất, Ngài chưa tới thời kỳ giáo hóa chúng sinh ở thế giới này. Nhưng với tinh thần người hiểu Phật giáo Đại thừa thì Bồ Tát có báo thân, ứng thân và nhất là hóa thân. Tùy căn cơ chúng sinh mà các Ngài ứng hóa vô lượng thân không thể lường được.
Xu huong “tran tuc hoa” Phat Di Lac qua tranh, tuong
 
Theo sử Trung Hoa có lưu truyền lại thì có hai hóa thân của Bồ tát Di Lặc. Một hóa thân gọi là Ngài Tăng Can ở gần chùa Quốc Thanh đời nhà Tùy, tức ở khoảng thế kỷ thứ sáu. Tuy nhiên, câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất trong dân gian là vào thế kỷ thứ mười đời Ngũ đại ở Trung Hoa, vị có tên gọi là Bố Đại Hòa Thượng. Ngài được người đời khâm phục và quý trọng vì có tài tiên tri rất chính xác về thời tiết nắng mưa. Ngài gần gũi chúng ta nhất với hình ảnh ông già quảy cái đãy to tướng, mặt tròn, trán hẹp, miệng cười, bụng phệ, áo phạch ngực.
Ngài Bố Đại Hòa Thượng đi trong nhân gian lúc nào cũng quảy một túi lớn để đựng những đồ vật người ta cho. Đến chỗ có con nít đông, Ngài ngồi xuống phân chia các thứ có trong túi rồi vui chơi với đám trẻ. Cho nên người ta thấy miệng Ngài lúc nào cũng vui vẻ, hoan hỷ.
Từ xưa tới nay vẫn luôn coi Ngài Bố Đại Hòa Thượng là Phật Di Lặc bởi theo lịch sử Thiền Tông ở Trung Hoa một hôm trước khi sắp viên tịch, Ngài trở về chùa, ngồi lên bàn thạch Ngài làm một bài kệ rồi tịch. Bài kệ đó như sau:
Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn tự bất thức
Dịch nghĩa:
Di Lặc thật Di Lặc
Phân thân trăm nghìn ức
Hiện thân chỉ cho người
Tự người đời không biết
Nguồn gốc thờ Thần Tài:
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng (Nguồn gốc thờ Thần Tài) thì tục thờ Thần Tài có từ lâu đời và phổ biến trong các cộng đồng người Hoa. Trước hết, Thổ Địa là một trong những vị Thần Tài. Do nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng trong lịch sử nên đất đai cùng các loại nông phẩm từ đất sinh ra là thứ của cải, tài sản chủ yếu nên Thần Đất cũng là Thần Tài. Mặt khác, Thần Đất có công năng là Thần Tài do thuyết ngũ hành tương sinh: Thổ sinh Kim.
Sự nhầm lẫn tai hại giữa Phật Di Lặc và Thần Tài:
Trong dân gian hiện nay có nhiều vị Thần Tài khác nhau được tôn thờ nhưng hình tượng của chư vị Thần Tài ấy hoàn toàn khác với tôn tượng của Phật Di Lặc (Bố Đại Hòa Thượng) của Phật giáo với nét đặc trưng là hình dáng vị Tăng có chiếc bụng lớn, miệng cười hoan hỷ, tay cầm túi đãy lớn, thường có trẻ nhỏ đeo bám xung quanh…
Tượng Thần Tài thường được tạc với hình ảnh tay cầm thỏi vàng, đeo tiền điếu với dáng tay nâng cao. Phát tích của Thần Tài gắn liền với sự ra đời của Đạo Lão từ Trung Quốc chỉ có hình dáng bề ngoài là có nét tương đồng với dáng người mập mạp và khuôn mặt cười phúc hậu của Đức Từ Thị.
Điều quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa Phật Di Lặc và Thần Tài chính là đồ vật mà các Ngài cầm trên tay. Chúng ta cần ghi nhớ kĩ hình ảnh Phật Di Lặc một tay cầm một chiếc túi đãy lớn để trên vai, đôi khi có hình ảnh là Ngài kéo ở dưới đất. Tay còn lại Ngài thường cầm chuỗi vòng. Xung quanh Ngài sẽ có sáu đứa trẻ: đứa thì chọc ngón tay vô rún, đứa thì móc miệng, đứa thì cù vô tai… Đây là hình ảnh chính thống của tôn tượng Phật Di Lặc. Ngày nay tùy từng mục đích mà người ta tạc thêm hoặc thay đổi hình ảnh ban đầu của Ngài. Nếu mong cầu quyền lực Ngài sẽ mang gậy như ý. Còn nếu cầu sức khỏe và trường thọ lâu dài Ngài sẽ mang theo chiếc bình hồ lô. Và tạc tượng Ngài nhỏ lại thì sẽ không có hình ảnh của sáu đứa trẻ nữa.
Tuy nhiên chính vì những mong cầu của thế gian đã dẫn đến những nhầm lẫn và làm “trần tục hóa” ý nghĩa của tượng Phật Di Lặc. Nhà Phật vốn không coi trọng chuyện tiền tài, phúc lộc, danh lợi, địa vị. Tất cả những thứ vật chất ngoài thân đều không phải thứ mà đức Phật muốn con người ta coi là mục đích để theo đuổi, mà quan trọng hơn là nhận diện nó một cách chân thực. Bởi đó đều là những thứ huyễn mộng, sẽ vỡ tan như bong bóng, không có gì vĩnh cửu.
Hình tượng Phật Di Lặc với nét mặt hiền hòa, tự tại, miệng luôn cười thật tươi và dáng người mập mạp, phúc hậu ngụ ý muốn răn dạy người đời hãy luôn hoan hỷ với mọi khó khăn trong cuộc sống, hướng đến một đời sống nội tâm với trí tuệ và sự từ bi vốn có. “Nhân chi sở tính bản thiện”. Con người bản chất sinh ra ai cũng mang trong mình tánh Phật. Những người trót làm những việc không tốt cũng giống như một tấm gương đang phủ một lớp bụi mờ. Điều chúng ta cần làm là lau sạch tấm bụi ấy để trở về với tấm gương sáng như ban đầu. Sống với tâm từ bi hỷ xả sẽ luôn giúp thân tâm được an lạc. Như hình ảnh của Phật Di Lặc luôn mỉm cười trước mọi lỗi lầm của chúng sinh trong thế gian.
Bởi vậy, tượng Ngài Di Lặc nâng thoi vàng hay cầm bất kì thứ vật chất nào hiện nay là một biến thể do dân gian sáng tạo ra, gán ghép cho Ngài chứ không theo quy chuẩn đồ tượng học Phật giáo. Và tất nhiên, không thể gọi Ngài Di Lặc là Thần Tài được. Ngài là Bồ Tát chứ không phải thánh thần, dù rằng Ngài được tin tưởng và sùng kính là vị Bồ Tát luôn ban tặng niềm vui, hỷ xả, sức khỏe và phúc lộc.
Theo quan niệm của thuật Phong thủy phương Đông, tượng Di Lặc, thoi vàng thanh ngọc, bình bạc, xâu tiền xu... được xếp vào Tài thần dùng để chiêu tài, bày biện tại gia trạch hoặc cửa hiệu để tăng thêm phúc lộc, hóa sát, thu tài là sai hoàn toàn, trái với giáo lý nhà Phật. Vì thế, việc gán ghép vàng thỏi, tiền xâu lên tôn tượng Di Lặc là một sự khiên cưỡng, khập khiễng và vô hình trung “thế tục hóa” Ngài, dù điều ấy chỉ thể hiện lòng mong mỏi chân thành được phúc lộc, thịnh phát.
Có lẽ do người tạc tượng thiếu hiểu biết hoặc người bán dù biết nhưng cố ý mong sao bán được nhiều hàng mà hiện nay sự nhầm lẫn giữa Phật Di Lặc và Thần Tài ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Khi đó tượng chỉ ứng với tâm người đặt làm tượng chứ không ứng với lẽ đạo. Tại một số nơi thờ tự cũng xảy ra sự nhầm lẫn do thiếu sự thận trọng khi chọn tượng Phật để thờ.
Sở dĩ chúng ta cần hiểu cặn kẽ sự khác biệt giữa hai vị để tránh việc thờ tự sai, dẫn đến sự mất trang nghiêm. Thờ sai như vậy, không những chẳng cầu được gì mà còn mang tội. Tâm lý người thờ cúng bao giờ cũng sợ tội lỗi với thánh thần. Nếu được chỉ dẫn thờ cúng đúng cách chắc chắn họ sẽ điều chỉnh, không để xảy ra trường hợp nhầm lẫn giữa Phật Di Lặc và Thần Tài.
Đức Phật đã dạy chúng ta hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thờ Phật là tưởng nhớ đến công đức Người đã giáo hóa chúng sinh chứ không phải để phù hộ, độ trì, cầu mong những thứ vật chất. Quan trọng nhất là tấm lòng, cái tâm và ý thức cố gắng làm một người tốt. Các bạn hãy thử nghĩ nếu chỉ cần phong thủy, tranh tượng… để mang lại tài lộc thì hóa ra kẻ xấu người tốt cũng như nhau hết sao? Cuộc sống đâu chỉ có tài và lộc. Vì nếu chỉ có tài và lộc thôi sẽ dẫn đến lòng tham. Nên hãy cố gắng làm một người tốt trước khi làm một người tham.
Truyền thông dẫn tới sự sai lệch về nhận thức:
Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong thời đại thông tin hiện nay. Khi mà mọi tin tức về tất cả các lĩnh vực đều có thể dễ dàng tìm kiếm chỉ với một cái click chuột. Tuy nhiên có lẽ vì mải chạy theo tính nhanh nhạy của thông tin mà người viết phần lớn không chú trọng đến tính chính xác. Không nói tới các khía cạnh khác trong cuộc sống, khi tìm đọc các bài viết về Phật Di Lặc cũng như Thần Tài tôi thấy mọi người sử dụng lẫn lộn rất nhiều.
Đừng nghĩ chúng đơn giản chỉ là một bức ảnh, để tùy tiện thế nào cũng được. Bởi hình ảnh tác động rất lớn tới nhận thức của người đọc. Chúng ta có thể dễ dàng quên nội dung của một bài báo nhưng sẽ luôn có xu hướng nhớ được hình ảnh của bài viết đó. Một hình ảnh sai sẽ khiến cho nhiều người hiểu sai. Và thời gian càng lâu thì sẽ khó thay đổi thói quen khi đã ăn sâu vào tiềm thức. Chính vì vậy, chúng ta cần hiểu, phân biệt và sử dụng thật đúng hình ảnh của hai vị Phật Di Lặc và Thần Tài.
Nếu gặp trường hợp thờ tự sai cần góp ý và hướng dẫn họ biết tôn tượng nào của vị nào để thờ cho đúng. Phật tử chúng ta không được làm ngơ trước việc tôn tượng Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật vốn được thờ trang nghiêm, thanh tịnh lại bị bày trí, thờ cúng lộn xộn, mất trang nghiêm.
Mỗi người làm truyền thông cũng cần thận trọng hơn trong việc sử dụng từ ngữ. Tôi đã thấy rất nhiều trang báo mạng giật tít bài để câu view và gọi Di Lặc là “Phật Thần Tài”. Thế mới nói những điều mình biết và hiểu rõ thì viết còn không hiểu thì thôi, không ai bắt buộc. Chứ nếu hiểu sai sẽ làm cho đạo Pháp bị lung lay và người tu học sẽ làm không đúng với tinh thần giáo lý của nhà Phật.
Lời kết:
Trước thềm Xuân đang tới, tôi mong sao mọi người sẽ luôn nhớ về khuôn mặt từ ái, nụ cười ấm áp và hạnh phúc của đức Phật Di Lặc để có thể hành theo đạo hạnh của Ngài là nguyện mang vui cho đời. Phật tử chúng ta hãy vận dụng trí tuệ và tấm lòng từ bi của mình để phục vụ cho đất nước phồn vinh, nhân dân được hạnh phúc.
Chúng ta luôn nhớ: “Chỉ có phát triển từ tâm và thấu hiểu người khác mới có thể mang lại cho chúng ta tĩnh lặng và hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm”. Khi nuôi dưỡng tâm từ, bi, hỷ, xả thật mạnh mẽ trong nội tâm thì Niết Bàn sẽ ở ngay nơi đây, trong hiện tại của bạn chứ không cần mong cầu nơi những bức tượng vô tri.

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)