Tôi thấy các vị tăng, ni đều cạo sạch tóc và phía trước đỉnh đầu có ba dấu sẹo tròn. Xin được giải thích. Nguyễn Thị Vân – đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.
Trong đời sống hằng ngày, nhiều người cạo tóc có thể do ước nguyện một điều gì đó, hoặc do quan điểm vệ sinh, do sở thích, thẩm mỹ… Việc cạo tóc cũng là một truyền thống khá phổ biến trong Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo… tùy theo hệ phái, thời kỳ hoặc từng nghi lễ. Chẳng hạn, các vị hành hương Thánh địa (Hajji pilgrim) của Hồi giáo, các vị thuộc phong trào Hare Krishna của Ấn giáo… Ở Ấn Độ thời cổ, các du sĩ, khất sĩ, ẩn sĩ vẫn thường cạo tóc. Trong Phật giáo, hầu như tất cả tăng, ni đều cạo tóc (thường gọi là thế phát, tịnh phát, trang phát, lạc phát…), đông đảo và đồng nhất đến nỗi các ngoại đạo thường gọi mỉa là Sa môn đầu trọc (Thốc Sa môn hay Thốc đầu Sa môn).
Khi đức Phật từ bỏ ngai vàng, gia đình để xuất gia, Ngài ra khỏi thành Ca Tỳ La Vệ rồi vượt sông A Nô Ma, đến bờ bên kia, Ngài tự cắt bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, trở thành một tu sĩ không nhà. Rất nhiều nơi trong các kinh Nikaya và A Hàm nhắc đến sự việc cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, xuất gia, sống đời không nhà của đức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài (ví dụ các kinh Chuyển Luân Vương Sư Tử Hống, Phạm Cầu, Phạm Ma, Lõa Hình Phạm Chí, Lại Tra Hòa La, Lạc Thọ…). Theo kinh Quá Khứ Nhân Quả, khi đức Phật thế phát, Ngài nguyện: “Nay tôi cạo bỏ râu tóc, nguyện cùng với tất cả, đoạn trừ phiền não, tập chướng”. Luật Đại trí độ cũng ghi: “Cạo tóc, mặc áo nhuộm, ôm bát khất thực; đó là pháp phá trừ phiền não”.
|
Ảnh minh họa.
|
Như vậy, việc cạo tóc của chư tăng, ni Phật giáo mang ý nghĩa của sự đoạn trừ phiền não, tham ái, tập chướng, xuất gia làm Sa môn, hướng đến giải thoát. Ngoài ra, việc cạo tóc cũng nhằm loại bỏ sự trang sức, vẻ đẹp bên ngoài, loại bỏ các ký sinh trùng.
Luật Tứ phần 51 ấn định: “Tỳ kheo phải cạo bỏ râu tóc, không được để dài quá hai ngón tay, hai tháng phải cạo một lần”. (phải chăng là không được để râu tóc dài quá 20cm?). Luật Ngũ phần 14 ấn định: “Tỳ kheo Ni , Thức xoa ma na, Sa di Ni mỗi nửa tháng phải cạo tóc một lần”.
Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, trong các Đại Giới đàn, sau khi thọ giới Bồ tát, hầu hết chư tăng, ni đều tự nguyện để 3 đốm nhang (có thể là 6 đốm hay 9 đốm – ở Việt Nam phổ biến nhất là 3 đốm) cháy trên đầu thành sẹo suốt đời, trong ý nghĩa cúng dường Tam Bảo và là bước đầu thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát.
Có một số cư sĩ nhân lễ này thọ giới Bồ Tát tại gia, cũng phát nguyện đốt hương như các vị tăng, ni. Sự việc này được gọi là đốt hương cúng dường. Ba đốm hương tượng trưng cho:
1/ Lòng kính tin Tam Bảo.
2/ Ba thệ nguyện là đoạn trừ tập nhiễm và ý nghĩ xấu, vun trồng thiện nghiệp, thủ đắc trí tuệ để giúp người khác thoát khổ.
3/ Sự tu tập giới, định, tuệ. (Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng để cho da thịt cháy như vậy là không cần thiết và có hại cho sức khỏe.
Năm 1983. Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc có văn thư bảo rằng đốt nhang trên đầu không có nguồn gốc trong Phật giáo và có hại cho sức khỏe, từ nay nên bỏ đi).
Cạo tóc, đốt nhang trên đầu dĩ nhiên không quan trọng bằng sự thể hiện cái nội dung cốt lõi mà hai điều này tượng trưng. Đó là cái tâm đoạn trừ phiền não, ly tham, kính tín Tam bảo, kiên trì tu tập, tinh tấn trong giải thoát.