Nhân vì dư luận đang nói nhiều về hiện tượng ngoại cảm và xác suất không cao trong việc đi tìm kiếm mộ, hài cốt của những người đã khuất, người viết xin trao đổi đôi nét về chủ đề nhạy cảm này dưới góc nhìn của Phật giáo và chúng ta nên ứng xử thế nào với người đã khuất một cách văn minh nhất?
Vạn vật trong vũ trụ này đều phải tuân theo quy luật sinh, thành, hoại, diệt. Con người cũng là một thực thể của vũ trụ vô cùng, vô tận này và cũng phải tuân theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử, “cát bụi lại trở về với cát bụi” theo quan niệm dân gian.
Trong khoảng trên dưới 20 năm trở lại đây, hiện tượng ngoại cảm ở nước ta bùng phát, ban đầu chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ trong đó có "nhà ngoại cảm" Phan Thị Bích Hằng nhưng dần dần, số lượng những người tự xưng có khả năng “dị biệt” này cứ mỗi ngày một tăng lên.
Để lý giải điều này, như chúng ta đã biết dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với nhiều cuộc chiến tranh, nội chiến, bão lũ và các thảm họa thiên tai khác nhau đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu, hàng triệu con người, trong đó có cả người Việt và người nước ngoài.
Nhiều cái chết oan khuất, oan nghiệt, chết không hiểu vì sao mình lại chết (chết bất đắc kì tử, chết do tai nạn giao thông, do chiến tranh, chết do thiên tai ập đến bất ngờ, bị giết chết...)
|
Ảnh minh họa.
|
Các vong linh đói khát về mọi thứ, từ tình cảm đến vật chất, đói khát những thứ thỏa mãn lục quan (mắt, mũi, tai, thân, khẩu và ý). Những sự đói khát này cứ mỗi ngày một tăng lên vì sự vô minh của các vong linh nhưng họ đâu còn tồn tại dưới dạng vật chất hữu hình để có thể nhìn hay xúc chạm được. Với những lý do này, và cũng có thể do nhân, duyên đã hội tụ đủ nên các hiện tượng ngoại cảm đã nở rộ từ trong nam ra ngoài bắc từ vài thập kỷ qua.
Các thông điệp mà các nhà ngoại cảm nhận được là gì? Nếu mà làm một cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu thì nhiều lý do lắm nhưng xin tạm kể ra đây một số thông điệp tiêu biểu:
Thứ nhất: Sau bao năm nằm lại ở những nơi thiếu vắng sự chăm nom hương khói của người thân, các vong linh có mong muốn được đưa hài cốt trở về nơi “chôn rau cắt rốn”, quê hương hoặc gia đình của mình.
Thứ hai: Có nhiều vụ án, cái chết bí ẩn trong lịch sử, các vong linh mong muốn được “giải mã” để đảm bảo sự công bằng cho lịch sử.
Thứ ba: Ở đâu đó trong cõi ta bà (dương gian) này, con người ta đã đi sai đường (trái đạo), các vong linh muốn cảnh báo hoặc răn dạy những điều gì đó.
Và cuối cùng, Các vị thiên thần, thiên thần và nhân thần muốn gửi những thông điệp nào đó đến cõi trần gian này để con người sống tốt đời, đẹp đạo hơn.
Vì cái thiện luôn tồn tại song hành với cái ác, phiền não tức bồ đề, giác ngộ và vô minh, chánh đạo và tà đạo ...là những cặp phạm trù không bao giờ tách rời nhau. Ở trong cõi vô hình cũng tồn tại tương tự các cặp phạm trù này dưới các dạng thức khác nhau.
Và điều đáng trớ trêu là một số nhà ngoại cảm đã bị cái “tà” dẫn dắt và đó chính là kết quả như ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc UIA từng nhận xét: Tỷ lệ xác suất đúng chỉ chiếm từ 60 - 70%. Cái “tà” ở đây phải được hiểu là khả năng ngoại cảm của từng người, yếu tố thể lực, tâm sinh lý của nhà ngoại cảm, điều kiện về khí hậu, thời tiết ở bên ngoài dẫn đến kết quả tìm kiếm không cao.
Nhưng điều người viết muốn nêu ở đây chính là phương pháp luận tiếp cận:
Khi nói về cặp phạm trù “bản chất và hiện tượng” Marc - Ăng ghen đã chỉ ra rằng: “Bản chất là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật. Hiện tượng là biểu hiện ra bên ngoài của bản chất”. Khi các hiện tượng cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần với nhiều quy mô khác nhau thì bản chất bên trong “ngoại cảm” này là gì để rút ra phương pháp luận nghiên cứu, đánh giá và xử lý vấn đề này một cách có hiệu quả cho cả hai cõi “âm” và “dương”.
Với bốn lý do chính như đã nêu, chúng ta có thể khẳng định rằng vai trò của người còn sống là vô cùng quan trọng trong một khối chỉnh thể thống nhất không thể tách rời: Thiên, địa, nhân. Con người là nhân tố hài hòa giữa trời và đất, là trung tâm của vũ trụ và trong mối quan hệ “âm - dương” này con người giữ vai trò như thế nào trước các hiện tượng phố biến như đã nêu trên?
Trong mỗi một thế giới đều có quy luật vận động riêng của nó và chịu sự chi phối của quy luận vận động đó. Chẳng hạn như ở cõi người này, chúng ta không thể lấy tiêu chuẩn hay gán ghép ý nghĩ chủ quan của những cá thể riêng biệt trong xã hội này để áp đặt hay “phải tuân theo” quy luật vận hành của cõi khác mà đúng ra con người phải thích nghi thế nào để hòa hợp nhất với thế giới không cùng tận này mới phải. Thế giới luôn vận động và biến đổi không ngừng theo mô hình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ nông cạn đến sâu sắc, từ thô đến tinh...theo hình xoáy trôn ốc mà càng tiệm cận tới đỉnh cao, càng tinh vi và hoàn thiện hơn.
Nếu như cõi âm chi phối hay chỉ đạo cõi dương thì thế giới này có lẽ đại loạn hoặc biến thái và như vậy là trái quy luật. Và ngược lại, con người càng can thiệp vào cõi âm một cách vô minh thì cái giá mà con người phải trả lại càng đắt. Nhiều cái chết thương tâm do đào mồ đào mả, xây nhà trên đất đình, chùa, đất linh thiêng...chính là kết quả của việc hành xử trái “đạo” đó.
Nhà chùa có cách ứng xử rất văn minh mà hiện nay đang được nhân rộng trên khắp toàn quốc. Đó chính là việc lập các khóa lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, các chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn...Nhiều gia đình Việt hiện nay cũng làm theo mô hình này và thực sự thấy hiệu quả.
Trong nghi thức này, nhà sư - người chủ tế đại diện cho nhà chùa tụng kinh, niệm Phật, giác ngộ các chân linh và nhờ vào sự gia trì, hộ lực của đức Phật từ bi, sự hộ trì chính pháp của các vị long thần hộ pháp, các vị bồ tát hiển thị khắp mười phương...khiến các vong linh hiểu được lẽ vô thường, vô ngã, nhân quả và vị tha của đạo Phật để rồi được vãng sinh về với cõi Phật an vui và thanh tịnh cũng như sẽ tái kiếp vào cõi giới tương ứng với cái nghiệp mà họ đã gieo khi còn hiện tiền.
Dù chết bởi bất kỳ một nguyên nhân nào thì các vong linh cũng không thể đắm chấp, bám víu vào cõi ta bà mãi được. Quy luật “chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác” sớm muộn cũng sẽ phải diễn ra nếu như hội tụ đủ nhân duyên.
Điểm cốt lõi là sự “giáo hóa”, “giác ngộ” và “hồi hướng” của người còn sống đối với các vong linh về lẽ vô thường, vô ngã và vị tha của đạo Phật để sớm nhất họ được tái sinh.
Một điểm đáng lưu ý ở đây là các nhà ngoại cảm làm việc tâm linh này đang thực sự làm vì cái gì? Có vì danh và vì lợi không? Nếu như hướng tới sự “vô vi” thì khả năng “ngoại cảm” này sẽ tồn tại lâu dài còn nếu đã bị nhuốm màu của sự trần tục, tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, của mạn, nghi, tà kiến,...hay đúng hơn là của sự vô minh thì diễn đàn tranh cãi về đề tài “ngoại cảm” này sẽ còn bị hâm nóng bởi sự “ngu tín” của một số con nhang, đệ tử.
Hãy sống “tốt đời - đẹp đạo”, làm lành, tránh dữ, thực hiện theo “thập thiện nghiệp” mà đức Phật đã dậy. Biết tri ân với những anh hùng đã có công với giang sơn, xã tắc, biết “uống nước - nhớ nguồn”, biết “tu tâm - tích đức”, biết “từ, bi, hỉ, xả”...thì tự mình cũng chính một nhà ngoại cảm chân chính rồi.
Đừng vì “ngu tín” mà nghe theo lời mê tín, dị đoan. Tiền sẽ mất mà tật vẫn mang. Nghe theo sự chỉ dạy của cõi tâm linh ta bà mà không có sự dẫn dắt của minh triết, của “bát chánh đạo”, chẳng chóng thì chày, con người sẽ đi vào sự u muội, tăm tối.
Hà Nội, ngày 28/10/2013
Tâm Pháp
Chú thích: *Bài viết thể hiện nhận thức, góc nhìn riêng của tác giả. Ban biên tập mong nhận được các bài viết cùng trao đổi của bạn đọc.