|
Ảnh minh họa. |
Với người Hà Nội, có lẽ cái tiết nồm này là đáng sợ nhất. Mấy tuần liền mưa phùn, trời nặng trình trịch, âm u, xám xịt, độ ẩm không khí lên tới mức bão hoà. Nền nhà, tường nhà, đồ đạc cứ chảy nước, bẩn thỉu. Mọi thứ đều ẩm ướt, bốc mùi mốc meo thật khó chịu. Đi đâu cũng nghe ca thán về thời tiết: Mấy bà bán hàng thì kêu trời vì hàng họ ế ẩm, phụ nữ thì than vì nhà cửa ẩm mốc, trẻ con thì tù túng chân tay vì phải ngồi nhà không được chạy ra đường chơi...
Đêm nằm nghe tiếng mưa tí tách trên mái tôn thấy sao mà sốt ruột. Giọt mưa không ào ào như mưa rào, hay rả rích như mưa thu vì nó chỉ li ti như những hạt sương, tí ta tí tách, thỉnh thoảng mới thấy rơi lộp bộp từ mái tôn xuống mặt sân. Chính cái tiếng rì rầm, đều đều mãi không dứt ấy càng khiến người ta thêm sốt ruột. Dây quần áo giặt từ mấy hôm cứ nặng trĩu, không thể khô được. Đường sá cứ lép nhép, ra đường lúc nào cũng sùm sụp cái áo mưa...
Người ta tìm mọi cách để chiến đấu chống lại thời tiết khó chịu này: Đóng cửa để sàn nhà khỏi chảy nước, lau nhà bằng giẻ khô, có người mua máy hút ẩm, dùng máy giặt có chế độ sấy hay mua tủ sấy quần áo...
Đúng là thời công nghệ liên tục phát triển, thỏa mãn mọi nhu cầu dù là nhỏ nhất của con người. Nắng nóng thì đã có điều hoà, hơi rét là đã bật máy sưởi... Chỉ nói như cái thời tiết nồm này, bao đời nay vẫn thế, người ta quen với nó, chịu đựng nó như bao sự thất thường khác nữa của thiên nhiên. Vậy nhưng giờ đây khi có rất nhiều phương tiện để khắc phục, ta lại thấy khó chịu đựng nó đến vậy.
Những tiến bộ, những tiện nghi khiến cho cuộc sống của con người thoải mái hơn. Nhưng có lẽ vì thế mà con người cũng yếu ớt hơn, khó thích nghi hơn với môi trường xung quanh. Quá dựa vào máy móc, con người đã dần mất đi khả năng tự điều chỉnh để thích nghi.