Tham và giận

Google News

Mới lọt lòng đã tham giọt sữa từ vú mẹ! Cái tham như được cài đặt sẵn vào cái cơ chế vi tính con người. 

Nói đến tham, ai cũng khinh chê, thậm chí coi thường ra mặt mỗi khi nói về nhau hay nhắc đến một người nào đó.
Người xưa nói “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ” (trước trách mình, sau mới trách người) thế mà hay. Mình không chịu nhìn lại mình mà dè bỉu kẻ khác. Bởi thế có câu đối lại là “Ông cũng chẳng hơn gì tôi”. Chúng ta, ai cũng tham. Con người mà, có phải thánh thần gì đâu?
Vì vậy, tôi đã bảo với em: Chúng ta cùng tu vậy! Tu là sửa. Sửa cho hết cái sai phạm. Sửa từ từ, mưa dầm thấm đất, tham nhiều rồi tham ít bớt đi để đến lúc không còn biết tham nữa! Em cười, tham có nhiều cái tham, tham hiền tham ác, tham tà tham chánh… Anh muốn là đã… tham rồi đó! Tham cho lắm vào để đến khi giã từ mặt đất với đôi tay trắng hoắc trống không!
Hàng ngày, thắp nhang cầu trời khẩn Phật, thì thử hỏi lại lòng mình vẫn có tham không? 
Ô kìa, cô kia mang một nải chuối bình bông đến chùa, Nam-mô Phật cho gia đình con làm ăn phát đạt, con cháu đỗ đạt làm ông nọ bà kia, nhà cao cửa rộng, chẳng bệnh chẳng tật, sống lâu trăm tuổi… thậm chí xin cho được một con số để đánh đề! Vái lạy sao cho đi ngược cái vòng nhân quả luân hồi, cái vòng kim cô sinh lão bệnh tử. Ra khỏi cổng chùa, miệng oang oang đòi tiền vay bạc mượn! Diêm dúa quần là áo lượt, a-lô di động, phóng xe tay ga ào ào vượt cửa ngọ môn!
Kể cũng may, ông thần bà thánh mà có điện thoại di động, có địa chỉ email hẳn hoi chắc cô này nhắn tin hay đến nhà trực tiếp để xin xỏ cho chắc ăn!
Tham cũng là vấn đề của loài người cần xem xét lại. Nhớ hôm cơm trưa, anh và em nói phiếm về chủ đề “Tham”. Tham chia làm nhiều cấp bậc: Tham ít, tham nhiều, tham to, tham nhỏ. Anh phân tích, tham ít là cầu cho có bữa cơm nuôi sống mình, tham nhiều là cầu bữa cơm thịnh soạn cao lương mỹ vị. Tham nhỏ là có đủ tiền để chi tiêu, tham to là “đạt thành tích” như trồng thanh long được mùa có giá…, còn tham thượng thừa là tham nhũng! Em cười - một bữa cơm thú vị.
Anh không nói chuyện trên trời dưới đất. Anh rất thực tế. Thực đến nỗi em phát cáu! Thế là từ cái tham dẫn đến cái giận. Cái giận làm cho đời sống ta khốn khổ chật vật từ trong suy nghĩ đến việc làm, nó phá đi cái tĩnh lặng vốn có trong tâm hồn. Ăn mất ngon ngủ mất yên. Làm sao hóa cơn giận thành sự yêu thương khi mỗi lần em bảo anh tham. Anh tham chính đáng kia mà! Anh muốn gia đình mình hòa thuận, cố gắng sống mẫu mực cho con cháu nhìn vào mà y cứ an tâm bước vào đường đời. Và, trước mắt, ngày nào anh cũng đến cửa tiệm nhận hàng giao hàng cho khách mong sao có tiền giúp em đi chợ, trả hết các khoản điện-nước-rác-internet-xăng xe hàng tháng là may mắn lắm rồi, tham chỉ bấy nhiêu thôi, chứ đừng nghĩ đến chuyện ăn sáng hay dành dụm chi phí rảnh rỗi vợ chồng mình làm một chuyến nghỉ mát tận Đà Lạt xa xôi kia…
Ngày nào kiếm không ra vài chục ngàn đồng kể cũng buồn lòng lắm em ạ! Hỏi sao cái tham không “nở hoa” trong người? Nói thật với em, thương sao được khi mỗi lần em bảo anh tham! Tham chẳng qua là một từ ngữ diễn tả lòng ham muốn của con người, của động vật biết suy nghĩ. Xin em đừng gọi anh là tham! Có thể nói, duy vật một chút, tham làm nên sự sinh tồn của con người. Nếu nhân loại không biết tham là gì, có lẽ sẽ không bao giờ chảy nước mắt vì khóc than hay xa lìa vì bội bạc, ân oán bởi cái mất cái còn! Nhà tù sẽ đóng cửa, bệnh viện sẽ vắng người.
Chuyện buồn xưa lắm rồi, có người trách anh “tham công tiếc việc” nên chẳng về thăm ba lúc bệnh. Để đến khi ba mất, không được cầm tay ba trước lúc ra đi mới hối hận khóc kể!
“Tri túc, đãi túc, hà thời túc” (Nguyễn Công Trứ). Siêu đẳng! Nói thì nói cho có đầu có đuôi. Ngày xưa ông Nguyễn Công Trứ là người có tài văn võ song toàn, con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn - ông làm quan lớn có chức Uy viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư, tính ngông “làm tướng không vinh, làm binh không nhục”, ra vào kinh thành là chuyện thường ngày, nghe ca trù lên voi xuống lọng… Chắc một điều, ông có nhà cao cửa rộng, ruộng nương bề bề, lương lộc xài không hết. Tham nỗi gì nữa! Cũng may lúc ấy chưa có xe hơi, tủ lạnh, tivi… Sao biết để dừng tham lại khi chung quanh đều khốn khổ đi tìm, cuốn hút chúng ta vào vòng xoáy của đời sống xã hội thực dụng hiện nay. Nếu dư dả có thừa thì đem cho người đang thiếu thốn hết đi! Dám không? Bởi cũng có lẽ, tham thì phải cầu, khi được rồi sẽ sinh kiêu căng, mà đã kiêu căng rồi sẽ dễ sinh ích kỷ, ngã mạn, cố chấp, một triệu chứng của ái thủ khó mà trị liệu!
Đêm tụng kinh sám hối có câu “…tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc…”. Tật xấu con người như móng tay, cắt đi rồi cứ mọc ra. Em cười nhỏ nhẹ, “mọc ra thì cắt ngay”. Ừ, nếu anh thấy nó. Anh ngồi gõ máy vi tính trình bày sao cho thật đẹp, không sai chính tả cũng… tham! Chẳng biết đâu là lần vì cái tham nó đâu hiển hiện sờ sờ như cái ly cái chén đâu mà cọ rửa? Phải tìm sao cho ra nó. Nó nằm trong cái đầu kia, chỉ một sát-na lơ đễnh là nó chiếm dụng chỗ ngay, y như virus ăn dần hồng cầu trong máu để dẫn đến một cơ thể ung thư bệnh hoạn dù cho khoa học ngày nay đã phát triển đến mức độ tạo ra một robot sinh học thả vào huyết quản của con người để tìm và xơi tái bọn virus gây hại kia đồng thời sản sinh ra tế bào “xịn” mới.
Không chỉ Ðức Phật là vị thầy duy nhất thuyết giảng về tình yêu thương. Tất cả những bậc vĩ nhân cũng giảng như thế. Tham được rồi hết, hết là không còn, không còn rồi tham. Tham có thể vẽ thành một biểu đồ như chu kỳ hình Sin, có trồi có lặn, có lên có xuống, có rồi hết - hết rồi có. Tham không được thì giận, giận thì nói, nói không được thì phá phách cuồng ngông, cuồng ngông không xong thì vị kỷ và nói rằng không ai hiểu mình! Lúc này nhìn chung quanh người toàn là người sao mà dễ ghét thế! Với trường hợp này, anh không đủ can đảm ngồi nghiệm lại và đặt vấn đề tại sao mình giận? Giận để làm gì, để được gì?
Anh không dám phân bua với em theo mệnh đề Tam đoạn luận: Con người vốn đã tham, anh với em là con người, vậy nên cũng tham! Hay quơ đũa cả nắm mà nói ngược lại chủ ngữ!
Có thật không đấy khi một người nói với em rằng: Tôi chẳng tham chi cái chức vụ bổng lộc kia! Nếu xét về một vấn đề nào đó thì cần xác quyết. Nói vậy thôi mà, cho qua chuyện. Nhớ chi cho hao tâm tổn trí “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. Chẳng nghĩ đến nhờ cậy gì khi người ta được ngồi cao ăn trước, khi mình chẳng là gì của họ! Thôi thì tu tỉnh chính cái bản thân mình là chắc ăn nhất. Chẳng cậy nhờ ai. Nói thì nói vậy, sống ở đời sao không vay mượn, nợ duyên tứ ân chưa sao trả hết được kia mà, ngay cái thân của mình còn vay mượn, còn tham ăn ngon mặc đẹp để nó được vẹn toàn dễ nhìn dễ mến và không sứt mẻ trầy trụa.
Giờ chỉ có anh và em, chúng ta “phúc cùng hưởng, họa cùng chia” là hạnh phúc lắm rồi. Tất cả trên đời này những bậc thánh nhân hiền lương cũng đều mong muốn con người luôn được hạnh phúc phải không em?
Cả tháng nay vợ chồng mình cùng đọc cùng học cùng nghe cùng tụng chú Đại bi mà sao chẳng thuộc lòng. Tâm có yên đâu? Lòng có tĩnh đâu? Cuộc đời cứ tích tắc xoay vòng này qua vòng khác, thời gian cứ trôi lăn bơi sải. Hàng ngày, thắp nhang cầu trời khẩn Phật, thì thử hỏi lại lòng mình vẫn có tham không?
Theo Thục Độ/Giác Ngộ

Bình luận(8)

Minh Hiền

Ngọc Phạm

Đức Phật có dạy: "Khi tới ngã ba đường, nếu thấy cái cây đầy trái chín mọng, không ai hái ăn, thì nên hiểu rằng đó là trái độc". Nghĩa là ở đời không có mối lợi lớn nhỏ nào dành sẵn cho mình hưởng, hay người khác đem dâng tặng mình, mà không có cái bẫy rập độc hại bên trong, bên dưới, hay phía sau, chờ đợi người tham lam, mê muội, thiếu suy nghĩ. Người đời thường thả con tép để bắt con tôm.

Minh Hiền

Vũ thị Lương

nhà phật có câu " nhất thiết duy tâm tạo " nên cứ thật tốt ắt sẽ gặp đc may mắn trong cuộc sống, chỉ cần vậy thôi.

Minh Hiền

Khánh Huyền

Thật hiếm hoi và hy hữu nhất trên đời, không phải ai cũng có duyên gặp Phật, nhưng gặp Phật để thấm nhuần lời dạy của Ngài và áp dụng tu tập để vượt qua khổ lụy cuộc đời mới là điều đáng quý.

Minh Hiền

Khánh Huyền

Người có đức buông xả là người không tích lũy, không tham lam vật chất của cải tài sản. Làm ra của cải bằng mồ hôi nước mắt của mình, nhưng không vì thế mà để của cải làm khổ mình, thường sống đơn giản, lìa xa vật chất.

Minh Hiền

Luyến Thị

Lòng tham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham. Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình. Cũng vì lòng tham, mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau. Kẻ tham hay ghen ghét những người thành tựu.

Minh Hiền

Hoàng Thùy

Đức Phật còn dạy là đừng để tham và sân, đừng để tội lỗi lôi mình vào cảnh khổ. Tội lỗi ở đây nghịch nghĩa với chánh hạnh, là không theo giáo pháp, trong câu sau này có nghĩa là sân hận. Căn nguyên của điều ác là tham lam và sân hận

Minh Hiền

Hoàng Thùy

Đức Phật đã chỉ dạy: “Sự sân giận là ngọn lửa thiêu đốt hết cả mọi công đức!”. Và “Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi; ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ”

Minh Hiền

Lê Thanh Như

"Cơn gió lớn" thổi tắt đi ngọn đèn thông minh, làm cho tâm địa con người tối tăm, không còn trí khôn, sự sáng suốt, để hướng dẫn hành động: dễ xảy ra bao việc đáng buồn, đáng tiếc; đang và sẽ nổi lên trong lòng mọi người…